📞

Ba nút thắt cần gỡ để tăng trưởng đạt 7,4%

22:30 | 03/07/2017
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng nêu ra ba nút thắt cần tháo gỡ để tăng trưởng.

Hội nghị kết thúc vào gần 8h tối 3/7 với nhiều bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến, hiến kế các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Đánh giá cao các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu, lắng nghe, tiếp tục xử lý các vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương đề nghị.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.

Cần suy nghĩ làm gì mới cho đất nước

Thủ tướng nêu rõ trong 6 tháng cuối năm, phải tập trung khắc phục sớm tồn tại, khuyết điểm trong thực tiễn điều hành mà các ý kiến đã nêu.

“Chúng ta không đặt vấn đề tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng số lượng đi liền với chất lượng. Chúng ta phải tìm ra dư địa tăng trưởng trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu…”, Thủ tướng nói và cho rằng, chúng ta đã đạt một số thành quả trong 6 tháng, sức khỏe nền kinh tế khá hơn, các tiêu chí của nền kinh tế tốt hơn, xu hướng kinh doanh tăng. Nhưng để đạt mức tăng trưởng 6,7% cả năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức trên 7,4%, là con số rất cao, rất khó khăn, thách thức. Do đó, không thể chủ quan, nếu không quyết liệt thì khó thành công.

Cùng với giải quyết khó khăn như nợ công, nợ xấu, 12 dự án thua lỗ… cần suy nghĩ làm gì mới cho đất nước, cho quê hương, chứ không chỉ chống đỡ, khắc phục những tồn tại, bất cập mà không nghĩ được gì mới.

Cần hoàn thiện thể chế tốt hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm chất lượng. Khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, không để khoảng trống pháp lý, không để quy định chồng chéo, không hiệu quả, khả thi với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh trong phạm vi luật cho phép.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng các chương trình hành động để triển khai 3 nghị quyết về kinh tế của Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. “Đừng thành kiến với kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai, tháo gỡ khó khăn, tạo nhận thức và hành động trong triển khai các nghị quyết trên.

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị.

Ba nút thắt cần gỡ

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, “xem vướng cái gì để tháo gỡ cho tăng trưởng”. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng cho rằng, nút thắt của tăng trưởng vẫn là thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng. Giải ngân trong tháng 7 mới đạt gần 30% kế hoạch.

Nút thắt thứ hai là vay vốn. Liên quan đến tín dụng, Thủ tướng "đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, không dồn cho các đại gia mà tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Nút thắt thứ ba là giải phóng mặt bằng cho dự án, kể cả ODA và các dự án khác. “Tại sao địa phương A giải phóng mặt bằng nhanh như thế còn các địa phương ì ạch, mãi không giải phóng được?”.

Với những vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc kiểm tra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình tăng trưởng tại phiên họp Chính phủ hằng tháng. Chỉ cần lơi là một chút là tăng trưởng sụt giảm ngay.

Yêu cầu đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, đến hạn định đến tháng 9, 10 này, đơn vị nào, địa phương nào không giải ngân thì sẽ điều động vốn cho đơn vị khác.

Thủ tướng yêu cầu, sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, phải chỉ đạo phát triển phong trào khởi nghiệp ở địa phương, chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”. Sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là cải cách hành chính, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phải chuyển động hệ thống từ Trung ương đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân tốt hơn, giải quyết nhanh mọi thủ tục để giải phóng sức sản xuất. “Hướng này chúng ta nói nhiều nhưng thực hành còn kém, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nêu rõ.

“Phải tiếp tục lắng nghe, xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tìm ra phương thức xử lý hợp tình, hợp lý, thuyết phục rất quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ, bởi nếu không, sẽ rơi vào bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch, xa rời thực tiễn. “Nếu chính sách đi từ trong phòng lạnh thì sẽ không vào cuộc sống đâu”. Cải cách hành chính phải nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, cụ thể, sát thực tiễn, không ngồi chờ báo cáo.

Phải nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Theo kiểm kê bước đầu thì giá trị tài sản khu vực Nhà nước khoảng hơn 300 tỷ USD, trong đó tổng giá trị tài sản của DNNN là trên 200 tỷ USD. Theo tính toán, nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng thì có thêm khoảng 3 tỷ USD, tương đương 1,5% tăng trưởng GDP. “Phải thấy nút thắt, bí bách của chúng ta ở chỗ này”, Thủ tướng nói. Các bộ, ngành chức năng, các trường đại học, viện nghiên phải đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực tư nhân đang rất thấp.

Chúng ta có 600.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1/3 số DN nộp thuế thu nhập, tức là có lãi, hiệu suất sinh lời trên tài sản chỉ đạt 1,4% trong khi đó tỉ lệ này ở khu vực FDI là 5,9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách cải thiện hiệu quả khu vực tư nhân, chiếm đến 40% GDP.

Cũng theo kiểm kê bước đầu, tổng giá trị số lượng tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khoảng 400 tỷ USD, trong đó tài sản cố định của doanh nghiệp tư nhân trên 180 tỷ USD. Và nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp tư nhân thì sẽ có thêm 2 tỷ USD, tương đương 1% tăng trưởng GDP.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Chấn chỉnh các tồn tại

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy cổ phần hóa, bán vốn DNNN. Tiếp tục giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của hệ thống hành chính.

Phải phân cấp mạnh mẽ hơn, giao quyền cho cấp dưới và chịu trách nhiệm, nhất là đối với các dự án đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có cuộc họp làm rõ việc phân cấp này, “cái gì vướng mắc thể chế thì báo cáo Thủ tướng, có cái cần thiết báo cáo Thường vụ Quốc hội”, không để vì phân cấp mà chậm trễ giải quyết thủ tục.

Phải xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, nhất là hình thức PPP. Cố gắng giảm các loại phí đối với doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Nghiên cứu sớm giảm lãi suất cho vay.

Phát triển du lịch đi liền với chấn chỉnh công tác quản lý, nhất là nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phục vụ, các lễ hội truyền thống. “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, tai nạn đáng tiếc xảy ra, cần rà soát chấn chỉnh, bảo đảm an toàn tính mạng người dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-liệt sĩ thiết thực, hiệu quả, đồng bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, thực hiện các giải pháp hiệu quả không để trẻ em đuối nước trong dịp hè này.

Xử lý nghiêm các vi phạm như phá rừng, cát tặc, vị phạm trong thực hiện chính sách đóng tàu vỏ thép gây thiệt hại cho người dân. Tiếp tục phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bệnh phô trương, hình thức.

Giải quyết tốt hơn nữa tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết. Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp để bảo vệ an toàn các bệnh viện, phải điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong bệnh viện xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua. Chú trọng khắc phục bất cập trong đầu tư trang thiết bị y tế, quản lý dược, chấn chỉnh trong toàn ngành các sai sót trong khám chữa bệnh đang diễn ra ở một nơi. Làm tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đặc biệt, tăng cường chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện, phát hiện những mô hình tốt, cách làm hay, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ thế lực thù địch.

Đối với Thanh tra Chính phủ, hiện đang thanh tra, kết luận một số vụ việc tiêu cực thì cần làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn, không “đánh trống bỏ dùi”.

“Cần phải nêu cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, chỉ đạo, cần quyết liệt, cụ thể hơn, kiểm tra, kiểm soát tốt hơn, giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Khen thưởng và kỷ luật phải kịp thời đối với điều hành”, Thủ tướng nói.