"Gã khổng lồ" viễn thông NTT của Nhật Bản, "ông lớn" chip Intel của Mỹ và đại gia bán dẫn Hàn Quốc SK Hynix sẽ hợp tác để nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược tiên tiến. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hổ trợ khoảng 45 tỷ yên (305 triệu USD).
Intel, NTT và SK Hynix cùng nhau nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược tiên tiến. |
Công nghệ quang học có thể thay thế xử lý điện tử bằng ánh sáng. Nếu được tích hợp trong chất bán dẫn, nó sẽ giúp làm giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng.
Công nghệ này được xem là bước đột phá mới khi cuộc đua thu nhỏ chất bán dẫn dần tiệm cận những hạn chế vật lý. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xem đây chính là công nghệ mà nước này có thể dẫn đầu thế giới như một phần trong chiến lược hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia.
Hiện tại, thông tin nhận được thông qua các hệ thống thông tin quang học được chuyển đổi thành tín hiệu điện bằng thiết bị chuyên dụng, sau đó sẽ được gửi đến máy chủ trong trung tâm dữ liệu. Con chip bên trong máy chủ sẽ trao đổi tín hiệu điện để xử lý tính toán và bộ nhớ.
Bằng cách tận dụng công nghệ quang học, những tín hiệu điện đảm nhận quá trình xử lý xảy ra bên trong mỗi con chip cũng như chất nền sẽ được thay thế bằng tín hiệu quang học. Xử lý bằng tín hiệu quang học nhanh hơn so với việc sử dụng tín hiệu điện. NTT hy vọng có thể điều phối những công nghệ cần thiết bằng cách hợp tác với Intel, nhà sản xuất chip cho máy tính cùng SK Hynix, công ty chuyên sản xuất chip nhớ.
Liên minh này đặt mục tiêu đến năm tài chính 2027 sẽ thiết lập công nghệ sản xuất cho những thiết bị kết hợp ánh sáng vào chất bán dẫn cũng như công nghệ bộ nhớ có khả năng lưu trữ dữ liệu với tốc độ xử lý ở cấp terabit. Mục tiêu của họ là sẽ giảm 30-40% điện năng tiêu thụ so với các sản phẩm thông thường.
NTT dẫn đầu toàn cầu trong việc tích hợp công nghệ quang học cùng thiết bị điện tử. Họ là người đầu tiên trên thế giới phát triển thành công công nghệ cơ bản dành cho những mạch bóng bán dẫn sử dụng ánh sáng. Kết quả này được công bố vào năm 2019 trên ấn bản trực tuyến của tạp chí khoa học Anh Nature Photonics. Công ty đã ra mắt mạng quang và không dây sáng tạo (IOWN) dựa theo công nghệ này.