TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ - Hàn tập trận chống vũ khí hủy diệt hàng loạt | |
Lãnh đạo Mỹ - Hàn nhất trí hợp tác chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên |
Trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ trên cương vị người đứng đầu đất nước Hàn Quốc, ngày 28/6, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết sẽ sát cánh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc chống lại những nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên. Động thái này khác hẳn với chủ trương trước đây của ông là sẽ áp dụng chính sách mềm mỏng hơn với Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết sẽ sát cánh cùng Tổng thống Donald Trump trong việc chống lại những nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên. (Nguồn: AP) |
Sau khi đặt vòng hoa tưởng niệm tại một căn cứ hải quân Mỹ ở Quantico, bang Virginia, Tổng thống Moon Jae-in phát biểu: "Cùng với nhau, chúng ta (Mỹ và Hàn Quốc) sẽ giải giáp được chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là hòa bình cho Đông Bắc Á". Ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh cam kết của cá nhân ông đối với liên minh Mỹ - Hàn trong bối cảnh có những ý kiến cho rằng việc ông nghiêng về lựa chọn can dự với Triều Tiên, bất chấp những tiến bộ nhanh chóng về khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng, có thể đưa tới những căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, theo bài viết của tác giả Hanbyeol Sohn - hiện là Phó Giáo sư Khoa Chiến lược Quân sự của trường Đại học Quốc phòng Triều Tiên (KNDU), chuyên nghiên cứu về liên minh Mỹ - Hàn, an ninh Đông Bắc Á và chiến lược hạt nhân - đăng trên trang mạng The Diplomat, căn cứ vào những kinh nghiệm và những bài học rút ra trước đây, Mỹ và Hàn Quốc cần phải vượt qua 3 rào cản sau nếu muốn giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Cùng "tông giọng" trong vấn đề Triều Tiên
Thứ nhất là những ưu tiên đối nội khác nhau. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, liên minh Mỹ - Hàn đã không thể đưa ra được một phản ứng kiên quyết và cân bằng do những bất đồng chính trị ở hai nước.
Sau những kinh nghiệm xương máu của hơn 15 năm tiến hành chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, đồng thời do thiếu sức mạnh mang tính quyết định để phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán sáu bên, đặc biệt trong bối cảnh hiện giờ các cuộc đàm phán này càng trở nên khó khăn, phức tạp do Trung Quốc đang trỗi dậy, Nhật Bản đang tiến tới "bình thường hóa khả năng quân sự" còn nước Nga thì ngày càng quyết đoán, Mỹ dường như tỏ ra thận trọng trong việc can thiệp quân sự vào Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có những khó khăn riêng của mình trong việc theo đuổi một chính sách liên tục đối với Triều Tiên do những bất đồng về ý thức hệ giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến. Chính vì thế, thật khó để hai nước có cùng "tông giọng" trong vấn đề Triều Tiên.
Sau cuộc luận tội mang tính lịch sử đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye, Hàn Quốc hiện phải đối mặt với những khó khăn mới như phải tạo dựng được sự đồng thuận ở trong nước và xây dựng một chính sách mới đối với Triều Tiên. Trong khi đó, 4 "trụ cột" chính trong chính sách của chính quyền Trump đối với Triều Tiên không khác với những chính sách trước đây, song có thể thay đổi bất cứ lúc nào do sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng như lập trường ngày càng táo bạo của Triều Tiên. Giải pháp tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên thậm chí đã được đưa ra tranh luận tại Mỹ.
Thứ hai là những bất đồng về khái niệm "mối đe dọa". Mặc dù Triều Tiên ngày càng có những hành động mang tính đe dọa, song Hàn Quốc và Mỹ lại có sự nhìn nhận khá khác nhau về mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra. Đây thực ra không phải là một vấn đề mới.
Chẳng hạn, vào tháng 5/2003, Mỹ yêu cầu phải có một chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên, song Hàn Quốc lại chủ trương đưa ra cách tiếp cận thận trọng hơn. Điều này cho thấy những khác biệt giữa hai nước. Trong thời điểm rối ren đó, Hàn Quốc chỉ trích Mỹ lúc nào cũng chỉ theo đuổi các chính sách cứng rắn, còn Washington thì lên án Seoul đã tỏ ra quá hòa giải với Bình Nhưỡng. Kết quả là, Triều Tiên ở giữa được lợi từ sự bất hòa giữa Hàn Quốc và Mỹ. Tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Moon lần này, có khả năng bất đồng gay gắt giữa hai nước về "nhận thức mối đe dọa" sẽ được nêu bật.
Hải quân Mỹ - Hàn trong một cuộc tập trận trên biển. (Nguồn: Yonhap News) |
Xây dựng lòng tin
Thứ ba là tình thế tiến thoái lưỡng nan của liên minh bất cân xứng Mỹ - Hàn, liên quan đến những vấn đề như an ninh/quyền tự trị hay chia sẻ gánh nặng. Nếu hai nước này bất đồng nhau về cách đối phó và kết nối lỏng lẻo, vậy thì liên minh này không thể phản ứng thích hợp với mối đe dọa chung Triều Tiên.
Chẳng hạn, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn năm 1993, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Young-sam đã chỉ trích Mỹ có những hành động khiến Hàn Quốc mất lòng tin. Đặc biệt, ông Kim Young-sam bày tỏ thái độ bất bình trước việc Mỹ chỉ thông báo cho Hàn Quốc những chính sách đã rồi. Sau đó, năm 1994, Hàn Quốc lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc không kích mà Mỹ lên kế hoạch nhằm vào Triều Tiên, và lo sợ sẽ bị gạt sang một bên trong cuộc đối thoại của Mỹ với Triều Tiên. Sau khi Hiệp ước Khung được ký kết, liên minh này lại trải qua những xung đột về việc chia sẻ gánh nặng chi phí, trong đó có chi phí cho một lò phản ứng nước nhẹ. Tất cả những điều này cuối cùng đã đem lại lợi ích cho Bình Nhưỡng, giúp họ có thời gian để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Chính vì những lẽ trên, Mỹ và Hàn Quốc hiện giờ cần phải xây dựng lại lòng tin với nhau, và đây là mục tiêu then chốt cần phải đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Trước tiên, Hàn Quốc cần phải quan tâm đến những quan ngại của Mỹ bằng cách hiểu thấu đáo quan điểm của Washington về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng như chính sách của Mỹ về Triều Tiên. Seoul nên sẵn sàng mặc cả, hy sinh ở một mức độ nhất định quyền tự trị của mình để đổi lấy việc đảm bảo an ninh quốc gia. Ngược lại, Mỹ cũng cần phải hiểu những quan ngại của đối tác (Hàn Quốc), chẳng hạn như nỗ lực duy trì quyền tự trị của Hàn Quốc, đồng thời phải tái đảm bảo với Hàn Quốc về quyết tâm hành động răn đe tăng cường.
Hàn Quốc đóng vai trò then chốt trong việc dập tắt mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và xử lý cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Đối với Mỹ, việc duy trì một đồng minh thân thiết như Hàn Quốc ở khu vực châu Á là cần thiết để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì sự hiện diện của của Mỹ tại châu Á.
Mỹ - Hàn bất đồng về chi phí của THAAD Phía Mỹ muốn Hàn Quốc chi trả cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), trong khi Seoul tuyên bố ... |
Mỹ - Hàn diễn tập phá hủy vũ khí hóa học của Triều Tiên Ngày 26/3, giới chức Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này và Mỹ đã tiến hành một cuộc diễn tập chung với nội dung ... |
Mỹ - Hàn thận trọng, Trung Quốc kêu gọi đàm phán với Triều Tiên Mỹ - Hàn tỏ ra thận trọng trước các động thái của Triều Tiên, trong khi Trung Quốc kêu gọi các bên đàm phán nhằm ... |