📞

Ba thập kỷ thu hút FDI của Việt Nam

14:18 | 17/01/2015
Sau gần 30 năm mở cửa đối với đầu tư nước ngoài (FDI) kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987), Việt Nam đã có những thành công đáng kể trong việc thu hút FDI song vẫn còn không ít bất cập cần giải quyết...
Ảnh minh họa.

Tính lũy kế đến hết năm 2014, tổng số vốn đăng ký FDI Việt Nam thu hút được là 254,3 tỷ USD với 17.520 dự án, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khai khoáng, nông lâm nghiệp đến công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ như bất động sản, y tế, giáo dục, khách sạn... Các nhà đầu tư châu Á (Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong) trong nhiều năm liền đứng ở vị trí dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều thành tựu

Về cơ cấu thu hút FDI theo ngành, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (53,8%), tiếp theo là dịch vụ bất động sản (20,9%), còn lại các ngành khác có tỷ trọng dưới 5%. Đặc biệt, Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng tỷ trọng thu hút FDI vào ngành này chỉ có 1,4%. Các ngành y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm thu hút FDI với tỷ trọng chỉ dưới 1%.

Nhìn vào xu hướng thu hút FDI, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến tăng lên nhanh chóng, từ 8,2 tỷ USD năm 2006 lên tới 38,9 tỷ USD năm 2008, sau đó giảm mạnh xuống còn 5,8 tỷ năm 2010, và tiếp tục tăng trở lại ở các năm tiếp theo tương ứng là 11,7 tỷ năm 2012 và 17,1 tỷ năm 2013. Tiếp cận thị trường các nước tốt hơn nhờ gia nhập WTO đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu như điện tử, linh kiện ô tô, thiết bị chính xác.

Bên cạnh đó, có thể thấy rõ xu hướng gia tăng thu hút FDI trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó dịch vụ bất động sản tăng đột biến với số vốn đăng ký năm 2008, sau hai năm gia nhập WTO, lên tới hơn 23 tỷ USD, sau đó giảm dần những năm tiếp theo, nhưng vẫn ở mức độ cao. Một số ngành khác như dịch vụ lưu trú (khách sạn), viễn thông, vận tải, kho bãi, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục đều tăng trưởng trong một, hai năm đầu sau gia nhập WTO, sau đó mức độ tăng trưởng chững lại. Những cam kết WTO về mở cửa thị trường dịch vụ là nguyên nhân tạo nên sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong những năm qua, khu vực FDI đã có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Nguồn vốn FDI luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng đầu tư xã hội, khoảng 25%, trong bối cảnh Việt Nam đang rất thiếu nguồn lực để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo việc làm cũng là đóng góp quan trọng của FDI. Năm 2013, số lượng việc làm do khu vực FDI tạo ra là 3,2 triệu, gấp tám lần so với năm 2000, góp phần giải tỏa sức ép tạo việc làm cho nền kinh tế với khoảng 1,6 triệu lao động mới tham gia vào thị trường lao động mỗi năm. Bên cạnh đó, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua là từ khu vực FDI với tỷ trọng gần 70% tổng xuất khẩu. Trong đó, chỉ riêng dự án FDI của Samsung tại Việt Nam trong năm 2014 đã xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD, chiếm 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam và tạo hàng chục ngàn việc làm cho Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Có thể kể ra một số nhân tố đã góp phần tạo nên thành công của Việt Nam trong thu hút FDI như sự ổn định chính trị trong bối cảnh các nước trong khu vực có nhiều bất ổn về chính trị, chi phí lao động thấp (dịch chuyển nhiều dự án FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam) và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn và ưu đãi hơn đối với nhà đầu tư.

Những bất cập

Bên cạnh những thành công kể trên, tình hình thu hút FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách như lúc bắt đầu thiết kế chiến lược thu hút FDI.

Thứ nhất, dù đã có nỗ lực nhất định trong việc thu hút một số doanh nghiệp công nghệ cao, đánh giá chung Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao đáng kể trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, mặc dù công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao. Các công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra. Sau hơn 25 năm thu hút FDI, kết quả như vậy là hết sức hạn chế. Lưu ý rằng, trong số 500 Tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, chúng ta mới chỉ thu hút khoảng 100, trong khi đó Trung Quốc đã thu hút 400 doanh nghiệp. Và ngay cả trong trường hợp thu hút một số tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng toàn cầu như Nokia, Samsung... công đoạn sản xuất tại Việt Nam là công đoạn cuối, tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có những ưu đãi chung đối với các ngành công nghệ cao chứ chưa có những ưu đãi cụ thể, cao hơn đối với các ngành công nghệ cao đi kèm với công đoạn sản xuất đòi hỏi công nghệ cao.

Ngoài ra, do nhiều dự án FDI đưa vào dây chuyền công nghệ lạc hậu nên có tác động tiêu cực đến môi trường. Báo chí đã đề cập nhiều về sự tàn phá môi trường của một số doanh nghiệp FDI như công ty Vedan tại Đồng Nai, công ty Tung Kuang tại Hải Dương, công ty Long Tech tại Bắc Ninh... Nhiều doanh nghiệp chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, chỉ vận hành hệ thống xử lý chất thải khi cơ quan chức năng quản lý môi trường phát hiện và xử phạt.

Bên cạnh việc phá hoại môi trường là việc khai thác cạn kiệt tài nguyên. Trong thời gian vừa qua, giai đoạn trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, đã thu hút đầu tư vào khai thác tài nguyên khoáng sản rất nhiều từ dầu khí đến than đá, quặng… Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được. Sự khai thác bừa bãi thiếu quy hoạch sẽ gây tổn thất lớn tài nguyên quốc gia.

Thứ hai, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, không hỗ trợ nhiều cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển. Kết quả khảo sát của UNIDO năm 2011 cho thấy doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát chỉ sử dụng ở mức độ thấp các sản phẩm trung gian cho đầu vào được chế biến chế tạo trong nước. Tỷ lệ sản phẩm đầu vào được mua từ các nhà chế biến chế tạo trong nước ở tất cả loại hình doanh nghiệp FDI là tương đối thấp (khoảng 26,6%). Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu phần lớn thành phần đầu vào khác (58,4%) hoặc thông qua công ty mẹ (20,4%) hay nhập trực tiếp (38%).

Mối liên kết dọc tương đối yếu này giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng được kiểm chứng qua cuộc khảo sát chỉ số PCI của VCCI năm 2012. Theo cuộc điều tra này, các doanh nghiệp FDI tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chủ yếu sử dụng hàng hóa và dịch vụ trung gian của doanh nghiệp nước ngoài (38% từ các chi nhánh của doanh nghiệp ở nước ngoài, 18% từ doanh nghiệp khác ở nước ngoài), trong khi đó chỉ sử dụng có 34% từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Thứ ba, trong những năm qua, chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ngày càng trở thành một vấn đề nóng trong quản lý hoạt động kinh doanh của khu vực FDI, làm thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Những dấu hiệu của hiện tượng này đã có từ nhiều năm nay khi từ các số liệu vĩ mô cho thấy sự mất cân đối giữa đóng góp của vốn FDI vào vốn tổng đầu tư xã hội (khoảng 25%), và đóng góp vào ngân sách Nhà nước (chỉ khoảng 10%). Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê so với khu vực DNNN và DNTN của Việt Nam, khu vực FDI lại có tỷ lệ lớn các doanh nghiệp bị thua lỗ trong suốt một thời gian dài (khoảng gần 50% giai đoạn 2002-2009), tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp thua lỗ lại vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, duy trì kinh doanh và tiếp tục thua lỗ trong những năm sau đó. Những con số nói trên cho thấy có điều gì đó không ổn trong báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, chính sách phân cấp triệt để hay còn gọi là phân cấp "trắng" công tác cấp phép, quản lý đầu tư FDI cho các địa phương trong điều kiện thiếu thể chế liên kết vùng. Các địa phương còn thiếu năng lực thẩm định và quy hoạch đầu tư đã dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, phá vỡ quy hoạch ngành và lãnh thổ, làm giảm hiệu quả thu hút và sử dụng các dự án FDI.

Cơ hội phía trước

Năm 2015 đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với sự thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và cơ hội ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan sau khi đã hoàn tất quá trình đàm phán trong năm 2014. Thành lập cộng đồng AEC và ký kết ba thỏa thuận FTA mới trên cùng với tám FTA đã ký trước kia chắc chắn sẽ tạo ra một xung lực mới trong thu hút FDI do sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam dưới tác động của cam kết mở cửa thị trường trong nước, cũng như tận dụng những cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các đối tác FTA.

Với những thỏa thuận FTA thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam cam kết với các đối tác tự do hóa nhiều hơn trên các lĩnh vực thương mại dịch vụ (trong đó có mode 3 là hiện diện thương mại hay FDI), đầu tư và tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định quốc tế sở hữu trí tuệ, vì thế sẽ thúc đẩy luồng đầu tư FDI vào trong nước đối với các lĩnh vực dịch vụ, các lĩnh vực công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng đầu tư FDI.

Với cam kết về thương mại hàng hóa trong đó mở rộng hơn tiếp cận thị trường tại các nước đối tác FTA đối với hàng hóa của Việt Nam cùng quy định về quy tắc xuất xứ sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư FDI đầu tư chiều sâu vào thị trường Việt Nam (không đơn thuần gia công mà còn chú trọng vào công nghiệp phụ trợ) để được hưởng thuế suất ưu đãi của FTA.

Một thị trường thương mại tự do rộng lớn hơn nhờ không gian FTA được mở rộng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một tụ điểm đầu tư, theo đó các nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam thiết lập các trung tâm sản xuất mang tính toàn cầu (như mô hình của Samsung hiện nay) xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường thuộc không gian đối tác FTA.

Và những thách thức

Các cơ hội trên không tự thân chuyển hóa thành hiện thực nếu Việt Nam không quyết liệt thực hiện cải cách, gạt bỏ các trở ngại đối với đầu tư FDI. Trước hết, những điểm nghẽn về hạ tầng như giao thông, điện cần phải được ưu tiên giải quyết. Thứ hai, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đón đầu những ngành có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt Nam do nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng và số lượng. Thứ ba, môi trường đầu tư cần phải tiếp tục được cải thiện, tạo sự thông thoáng cho nhà đầu tư trong bối cảnh các nước trong khu vực đang cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam về thu hút FDI như Indonesia, Myanmar, Thái Lan. Không chỉ môi trường chính sách, quy định, thủ tục đầu tư cần được quan tâm, những yếu tố liên quan đến môi trường sống và làm việc của bản thân các nhà đầu tư FDI (các cơ sở giáo dục, y tế, giải trí chất lượng quốc tế) cũng như điều kiện sống đảm bảo cho người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp FDI (nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế) cũng cần phải được các nhà hoạch định chính sách giải quyết. Cuối cùng, chính sách phân cấp "trắng" cần phải được thiết kế lại nhằm quản trị một cách tốt nhất luồng vốn đầu tư FDI theo hướng tăng cường sự chủ động của địa phương, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính liên kết vùng theo một quy hoạch tổng thể thống nhất từ trung ương đến vùng và địa phương.

TS.Nguyễn Chiến ThắngPhó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam