📞

Ba trụ cột gắn kết tạo nên sức mạnh triển khai công tác đối ngoại

13:35 | 20/02/2014
Công tác phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội góp phần làm nên thành công chung của công tác đối ngoại.
Cuộc làm việc lần thứ hai giữa Lãnh đạo ba cơ quan đối ngoại Đảng, Nhà nước và Quốc hội, ngày 17/2 tại Hà Nội.

Đây là nhận định chung của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong buổi làm việc lần thứ hai giữa ba cơ quan vào ngày 17/2 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía Ban Đối ngoại Trung ương Đảng có các ông: Hoàng Bình Quân, Trưởng ban; Vương Thừa Phong, Phó Trưởng ban Thường trực. Về phía Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm; các Phó Chủ nhiệm: Ngô Đức Mạnh, Hà Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tiến, Vũ Hải Hà. Về phía Bộ Ngoại giao có các ông: Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng; Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; Vũ Hồng Nam, Trợ lý Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của ba cơ quan.

Sau cuộc làm việc lần thứ nhất, diễn ra vào cuối năm 2012, các cơ quan đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tăng cường phối hợp triển khai công tác đối ngoại, góp phần quan trọng triển khai thành công đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong năm 2013.

Đóng góp vào thành công chung

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo ba cơ quan đối ngoại Đảng, Nhà nước và Quốc hội cùng nhận định: năm 2013, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp nhưng truyền thống hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả nổi bật và thiết thực, qua đó, góp phần triển khai thành công công tác đối ngoại 2013, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Năm 2014, cần tập trung phục vụ hiệu quả các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần mở rộng và làm sâu sắc các quan hệ quốc tế.

Ba cơ quan cần tăng cường phối hợp trong triển khai các nội dung về hội nhập quốc tế, bao gồm cả hỗ trợ các địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các đại sứ quán thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp với các ngành và địa phương.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân: Ba cơ quan nên tăng cường trong phối hợp nghiên cứu và đề xuất, nhất là trong bối cảnh trước thềm Đại hội Đảng XII, góp phần tham mưu hiệu quả cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hoạt động đối ngoại của cơ quan Đảng và các địa phương cũng cần được ba cơ quan trung ương quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, đặc biệt là công tác đào tạo, trang bị kỹ năng nghiệp vụ cán bộ các địa phương, không chỉ ở các Sở Ngoại vụ mà còn ở các cơ quan tham mưu của tổ chức Đảng các tỉnh, thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng: Trong năm 2014, Quốc hội sẽ triển khai các hoạt động đa phương lớn, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương để tổ chức thành công sự kiện này.

Cụ thể, đến cuối năm 2013, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 184/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược đầy đủ với 13 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vị thế đối ngoại Đảng ta trên trường quốc tế ngày càng được củng cố, tăng cường trong quan hệ với hơn 200 chính đảng ở trên 114 nước trên thế giới. Đối ngoại Quốc hội được triển khai tích cực và ngày càng hiệu quả, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Trên bình diện đa phương, vai trò và vị thế quốc tế của đất nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam tiếp tục được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ủy ban Di sản Thế giới, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA với số phiếu cao, tham gia tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN, có nhiều đóng góp quan trọng vào các khuôn khổ, cơ chế hợp tác đa phương… Ban Đối ngoại Trung ương lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công cuộc họp lần thứ 19 của Ủy ban thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP). Đối ngoại Quốc hội đã vận động thắng lợi việc nước ta đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 vào đầu năm 2015.

Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ

Cũng tại cuộc gặp, Lãnh đạo ba cơ quan cho rằng, một trong những nền tảng tạo nên kết quả đối ngoại nổi bật và toàn diện năm 2013, có phần đóng góp tích cực từ sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và thường xuyên giữa ba cơ quan đầu mối triển khai đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Trong năm 2013, cả ba cơ quan đã tích cực phối hợp tham mưu xây dựng, tổ chức quán triệt và triển khai các chủ trương, chính sách đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nổi bật là việc xây dựng và quán triệt Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, các vấn đề liên quan đến bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đóng góp xây dựng, tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các đề án, báo cáo, đồng thời tổ chức thực hiện chương trình đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao và triển khai quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng. Nổi bật là: phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bỉ, EU, Anh, Italy, Thái Lan, Ấn Độ; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Nga, Đức, Ba Lan, Hàn Quốc, Myanmar… đồng thời phối hợp phục vụ các sự kiện đối ngoại định kỳ quan trọng của Đảng và Quốc hội.

Ba cơ quan đã tích cực phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau và xác định nhiệm vụ phù hợp trong triển khai các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, góp phần xử lý tốt nhiều vấn đề đối ngoại phức tạp. Trong công tác nghiên cứu, các bên cũng đã phối hợp chặt chẽ trong theo dõi và đánh giá các vấn đề đối ngoại đột xuất và dài hạn. Các bên cũng phối hợp chặt chẽ triển khai Quy chế 295 của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Bước sang năm 2014, Lãnh đạo ba cơ quan khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ hoạt động trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân; chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền và thực hiện các đường lối chủ trương đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống và đối tác tiềm năng trên thế giới. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chuẩn bị tổ chức IPU lần thứ 132 vào đầu năm 2015. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, thông tin - tuyên truyền đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ, nghiên cứu, tham mưu chiến lược, hỗ trợ địa phương trong hội nhập quốc tế, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đoàn ra, đoàn vào…

Kết thúc buổi làm việc, Lãnh đạo ba cơ quan thống nhất sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp, duy trì định kỳ các hoạt động trao đổi ở cấp Lãnh đạo và đẩy mạnh hơn nữa trao đổi, phối hợp giữa các đơn vị chức năng với các hình thức linh hoạt, nâng cao chất lượng và tính kịp thời của các nội dung, vấn đề trao đổi.

Tuấn Anh - Nguyên Bảo (thực hiện)