2017 tiếp tục là một năm hỗn loạn với Trung Đông: Từ sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria/Iraq, khủng bố đẫm máu tại Ai Cập tới cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd ở Iraq, cũng như diễn biến phức tạp tại Yemen và Lebanon. Khó có thể biết được liệu năm 2018 sẽ mang đến diễn biến mới nào cho khu vực này nhưng chắc chắn rằng, sự hiện diện của ba yếu tố sau đây sẽ tiếp tục chi phối cục diện khu vực Trung Đông thời gian tới.
Quan hệ Tehran – Riyadh
Đầu tiên, xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran sẽ tiếp tục là tâm điểm của khu vực Trung Đông. Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có những bước nhảy vọt trong việc củng cố quyền lực ở tầng lớp thượng đẳng. Ông đã bắt tay vào một chiến dịch chưa từng có nhằm cải tổ xã hội Saudi Arabia, từ việc cho phép phụ nữ được phép lái xe tới tiến hành chiến dịch chống tham nhũng công khai, để đáp ứng các nhu cầu của một thế giới đang thay đổi.
Về phần Tehran, những thách thức trong nước đang hiện hữu rõ nét. Làn sóng biểu tình phản đối, được coi là lớn nhất kể từ năm 2009, bùng phát khiến 21 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ. Các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố đã buộc Iran phải xem xét lại các điều kiện kinh tế cũng như sự bất mãn chính trị.
Yemen sẽ tiếp tục là chiến trường ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran. (Nguồn: CNN) |
Cả Saudi Arabia và Iran sẽ phải giải quyết các thách thức trong nước một cách hiệu quả, giữa lúc họ đang tập trung vào các vấn đề khu vực. Cuộc chiến thảm khốc ở Yemen đang kéo Saudi Arabia và Iran gần nhau hơn về mặt địa lý, nhưng lại đẩy hai nước xa hơn về mặt chính trị. Saudi Arabia đã cáo buộc Iran cung cấp cho phiến quân Houthi các tên lửa để bắn sang Riyadh trong những tháng gần đây. Iran là bên ủng hộ chủ chốt của Houthi, trong khi Saudi Arabia đứng đầu liên quân Arab đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm hỗ trợ Chính phủ Yemen.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Yemen đang ngày một gia tăng giữa hai cường quốc khu vực. Không một cuộc xung đột nào trong khu vực thoát khỏi sự can dự của cả Iran và Saudi Arabia. Trong hàng thập kỷ qua, Saudi Arabia luôn giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc chơi chính trị quyền lực khu vực, song Lực lượng Quds của Iran cũng đang tìm kiếm thêm nhiều thành công. Thông qua các lực lượng ủy nhiệm trung thành với Tehran, Iran có ảnh hưởng đáng kể đối với các vùng lãnh thổ rộng lớn ở khắp Iraq, Syria và Liban.
“Bóng ma” IS
Bên cạnh đó, mặc dù IS đã thất bại tại Iraq và Syria, chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục là thách thức lớn của khu vực. Các tay súng IS bị đánh bật ra khỏi các thành trì tại Syria và Iraq đang “lê bước” qua các vùng sa mạc để trở về nhà. “Làn sóng di trú” lớn của các tay súng thất trận, với tư tưởng cực đoan và tàn ác sẽ trở thành một mối nguy hại không nhỏ.
Chừng nào sự bất mãn trong xã hội về chính trị, kinh tế, xã hội hay tôn giáo còn tồn tại, môi trường cho chủ nghĩa cực đoan sẽ vẫn còn. Các vụ tấn công khủng bố diễn ra trong thời gian gần đây tại Bắc Sinai của Ai Cập như một lời nhắc nhở rằng chủ nghĩa khủng bố, chủ yếu có liên hệ với IS, vẫn chưa biến mất và sẽ vẫn là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của khu vực và thế giới.
Ngày 27/11, người dân Cairo (Ai Cập) tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo ở miền bắc Sinai vào hôm 24/11. (Nguồn: AP) |
Năm của bầu cử
Thứ ba là các cuộc bầu cử quan trọng trong khu vực. Năm 2018 sẽ là một năm có ý nghĩa về mặt chính trị, với các cuộc bầu cử quan trọng dự kiến sẽ diễn ra tại Bahrain, Ai Cập, Iraq, khu vực người Kurd ở Iraq, Israel, Lebanon và Libya.
Làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp Ai Cập chống lại Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011 và chống tổ chức Anh em Hồi giáo vào năm 2013 được coi là cuộc nổi dậy lớn nhất của người dân trên thế giới, báo hiệu một nhu cầu thay đổi.
Tổng thống Cộng hòa Arab Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi. (Nguồn: AP) |
Nhà lãnh đạo được lựa chọn để dẫn dắt sự thay đổi đó là cựu quân nhân Abdel Fatah El-Sisi, người chiến thắng trong bầu cử Tổng thống năm 2014. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống El-Sisi đã có nhiều bước đi táo bạo để đưa Ai Cập vượt qua những vấn đề về kinh tế và an ninh. Năm 2018 là “bài kiểm tra cuối cùng” về tính hiệu quả các chính sách của ông sau 4 năm cầm quyền. Dân chúng sẽ là “người phán xử” tối cao, khi đương kim Tổng thống El-Sisi tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ hai, cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.