📞

Bắc Giang 'rộng cửa' đón sóng đầu tư

Mai Sơn 13:28 | 25/05/2023
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế-xã hội phát triển nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực; Tiềm lực kinh tế được củng cố, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và vươn lên đứng thứ 13 trên toàn quốc, đứng đầu trong các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc và đang dần trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang giới thiệu những đặc trưng của văn hoá Bắc Giang tới Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige.

Bứt phá mạnh mẽ về năng lực điều hành kinh tế

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương về vị trí địa địa lý, đặc điểm địa hình, lực lượng lao động trong thời kỳ dân số vàng, cũng như nắm bắt xu thế phát triển của kinh tế thế giới và trong nước; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, tổng thể; quá trình thực hiện đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo sâu sắc, kịp thời, linh hoạt trong từng bối cảnh, giai đoạn cụ thể; chủ động triển khai các giải pháp phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và chuẩn bị cho dài hạn.

Năm 2022, tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ về năng lực điều hành kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vươn lên đứng thứ 2 cả nước, tăng 29 bậc so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay.

Trong điều kiện khó khăn sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế của tỉnh đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2022 đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay (trong đó: ngành công nghiệp - xây dựng tăng 26,7 % (công nghiệp tăng 30,9 %, xây dựng tăng 0,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2%; dịch vụ tăng 7,5 %; thuế sản phẩm tăng 8,4%.); chỉ số phát triển công nghiệp dẫn đầu cả nước.

Quý I năm 2023, GRDP của tỉnh đạt 8,4%, đứng thứ 8 cả nước; các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,74%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,02% (công nghiệp tăng 10,5%, xây dựng tăng 4,7%), dịch vụ tăng 6,26%, thuế sản phẩm tăng 3,06%; thu ngân sách nhà nước đạt 4.240 tỷ đồng.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh là công tác thu hút đầu tư. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bắc Giang luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút đạt trên 1,4 tỷ USD vốn FDI (tăng 7,1% so với cùng kỳ) với 38 dự án FDI cấp mới, vốn đăng ký đạt 581,49 triệu USD; 48 dự án FDI tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 879,15 triệu USD và có 30 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các tổ chức kinh tế với số vốn đăng ký đạt 97,5 triệu USD.

Phát huy kết quả đó, bước sang năm 2023, Bắc Giang tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đăng ký đầu tư với tổng vốn thu hút đạt trên 1 tỷ USD (gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022) chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2023 (Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước sau Hà Nội về kết quả thu hút FDI).

Để tạo lợi thế thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Giang tập trung cao cho 3 đột phá: Đầu tư đồng bộ cho hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội xung quanh khu, cụm công nghiệp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, chính sách.

Tính đến tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng. Trong đó, 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1792,5 ha; 5 khu công nghiệp đang hoạt động bao gồm: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê-Nội Hoàng, Hòa Phú.

5 KCN đang xây dựng, mở rộng gồm: Khu công nghiệp Việt Hàn diện tích 197,31 ha; Khu công nghiệp Tân Hưng, diện tích 105,3ha; Khu công nghiệp Yên Lư, diện tích 377ha; KCN Quang Châu (mở rộng), diện tích 119 ha; KCN Hòa Phú (mở rộng), diện tích 85ha.

Hạ tầng giao thông tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét; nhiều trục giao thông quan trọng được khởi công mới như: dự án xây dựng cầu Như Nguyệt, dự án xây dựng cầu Đồng Việt, dự án Xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An-QL31-QL1 và tuyến nhánh hồ Suối Nứa-Khuôn Thần... qua đó tăng cường sự kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, mở ra không gian phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Nhiều dự án khu đô thị, dịch vụ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và các thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa xung quanh khu công nghiệp được hình thành để phục vụ đời sống chuyên gia và người lao động.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang trao quà lưu niệm cho Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige tại Chương trình trao tặng cây hoa anh đào và giao lưu văn hóa Việt - Nhật tổ chức tháng 3/2023 tại Bắc Giang.

Tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung ứng đủ lao động có kỹ năng nghề. Thường xuyên rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động chiếm 60% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 32% (cao hơn mức bình quân của cả nước 5%).

Quá trình triển khai các dự án, Bắc Giang đã chỉ đạo thành lập các Tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhất là những vấn đề về thủ tục hành chính trong đầu tư, vay vốn, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng. Đồng thời, quan tâm, tập trung chỉ đạo việc rà soát các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn về thủ tục, cơ chế, chính sách trên cơ sở căn cứ quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động, sinh hoạt của người dân.

Đẩy mạnh thu hút FDI từ G7

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang xác định việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới để tranh thủ cơ hội đẩy mạnh thu hút đầu tư nguồn vốn FDI. Đối tác mà Bắc Giang mong muốn mở rộng hợp tác là các nhà đầu tư thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Hiện tại, trong nhóm G7, Bắc Giang đang hợp tác với Nhật Bản, Mỹ, Anh và Pháp. Toàn tỉnh có 27 dự án đầu tư FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 294,08 triệu USD và 11 lượt Nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với số vốn đăng ký đạt 19,2 triệu USD.

Lũy kế có 3 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ Pháp, với số vốn đăng ký đầu tư đạt 37,78 triệu USD chiếm 0,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang. Bên cạnh đó, còn có 1 nhà đầu tư từ Pháp đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế để đầu tư sản xuất kinh doanh với số vốn góp đăng ký đạt 0,014 triệu USD. Đối với Vương quốc Anh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 dự án với số vốn đăng ký đạt 10,2 triệu USD.

Về phía Mỹ, toàn tỉnh có 04 dự án đầu tư FDI của các doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt 15,6 USD đều thực hiện trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và có 7 Nhà đầu tư Mỹ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo: Sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị năng lượng mới....

Một góc KCN Vân Trung, Đình Trám, Bắc Giang nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trần Tuấn)

Dù đã đạt những kết quả đáng kể nhưng thu hút đầu tư FDI từ các đối tác G7 còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, thời gian tới, với lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Bắc Giang đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp với mong muốn đón làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư Nhóm G7, cụ thể như:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (tại Quyết định số 219/QĐ- TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Tỉnh không ngừng nỗ lực thực hiện rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch khắc phục có hiệu quả tình trạng chồng chéo, tăng tỷ lệ phủ kín quy hoạch và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ. Về hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường mới kết hợp cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường hiện có tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, đảm bảo tính kết nối cao, nhất là kết nối đối ngoại với sân bay Nội Bài, các cảng biển trong khu vực; đồng thời, đánh thức tiềm năng, tạo không gian phát triển mới.

Về hạ tầng công nghiệp, tỉnh xác định đến năm 2030 sẽ phát triển 29 khu công nghiệp với diện tích 7.000 ha và 63 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 3.906 ha. Các khu vực bố trí tập trung khu, cụm công nghiệp gồm: Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1A, cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; Khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398, ĐT296-ĐT295-QL37-QL17-ĐT299; Khu vực công nghiệp phía đông theo tuyến hành lang ĐT293-QL37, vành đai V. Đồng thời, sẽ thúc đẩy nhanh các dự án khu đô thị, dịch vụ, logistic, nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục tại các khu vực gần các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu phát triển xã hội.

Từ nay đến năm 2025, định hướng thu hút phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu. Sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung chuyển mạnh sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường.

Thứ ba, phát huy thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở khâu sơ chế, bảo quản thủ công. Bởi thế, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang mời gọi và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư G7 trong chế biến rau quả, thực phẩm gắn với xây dựng các vùng nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao... Trong chăn nuôi, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn, thịt gà xuất khẩu.... Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn; sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng có công nghệ tiên tiến...

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng tay nghề và cung ứng nguồn lực lao động chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất nâng cấp các cơ sở giáo dục - nghề nghiệp, đổi mới chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; giữ vững kỷ luật, kỷ cương với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với chủ trương “doanh nghiệp phát triển, tỉnh giàu mạnh”. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng vào công tác chỉ đạo điều hành, thực thi công vụ; phát triển đô thị thông minh với hạ tầng công nghệ đồng bộ.

Với khát vọng, mong muốn mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới, Bắc Giang luôn hoan nghênh và cam kết sẽ tạo lập môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư nói chung, các doanh nghiệp đến từ Nhóm G7 bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh; giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giải quyết tốt các vấn đề về lao động cho doanh nghiệp; bảo đảm hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp và các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư. Đồng thời, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực… hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp của Việt Nam.