Nhỏ Bình thường Lớn

Bắc Ninh: Đưa khoa học-công nghệ thành động lực phát triển then chốt

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo tạo bứt phá trong năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm địa phương và làng nghề… đang góp phần quan trọng trong vai trò mở đường và động lực then chốt phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Đưa khoa học-công nghệ thành một động lực then chốt phát triển Bắc Ninh
Vsip Bắc Ninh được biết đến là KCN kiểu mẫu phát triển về công nghệ cao và Logistics. (Nguồn: Baobacninh)

Năm 2021, mặc dù ngay từ đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bắc Ninh đã tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đến nay, tỉnh đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội, đứng đầu cả nước.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống

Là điểm sáng phát triển mạnh mẽ và năng động, các hoạt động của Sở Khoa học & Công nghệ Bắc Ninh liên tục có những đóng góp quan trọng, ngày càng thể hiện vai trò mở đường và trở thành động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động khoa học-công nghệ (KH&CN) vẫn được triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ và kế hoạch đề ra. Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 07/9/2020 phê duyệt Chương trình thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn Bắc Ninh…

Phối hợp với đơn vị chức năng ở các cấp, đẩy mạnh hoạt động thông tin KH&CN, nhằm tuyên truyền, phổ biến phục vụ thiết thực và hiệu quả cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Trong cả giai đoạn 2016-2020, hoạt động khoa học và công nghệ được triển khai tập trung vào một số nội dung công việc trọng tâm theo Chỉ thị về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của UBND Tỉnh.

Theo đó, hoạt động nghiên cứu - triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống tiếp tục được đẩy mạnh, đã triển khai thực hiện 237 nhiệm vụ KH&CN. Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội đã tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhiều sáng kiến kỹ thuật tiến bộ được áp dụng vào sản xuất và đời sống góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bền vững; đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, từng bước xử lý ô nhiễm môi trường; các giải pháp công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được tăng cường mở rộng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hóa các cơ quan hành chính nhà nước tới các địa phương, cơ sở.

Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN phục vụ thiết thực phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm, giảm thiểu tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hoá quan hệ thị trường.

Thẩm định, cấp 68 giấy phép trong các lĩnh vực đăng ký hoạt động KH&CN, hợp đồng chuyển giao công nghệ, vận chuyển hàng nguy hiểm, chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; Hỗ trợ, tư vấn 1.610 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 898 bằng bảo hộ; Tư vấn, hướng dẫn 161 hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy và công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở;

Hướng dẫn 66 doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm hàng hóa; Kiểm định, hiệu chuẩn 27.020 phương tiện đo các loại, kiểm nghiệm, phân tích 1.629 mẫu sản phẩm các loại; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoa học và công nghệ tại 820 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 50 cơ sở sai phạm; tạm ngừng lưu thông 15 đơn vị kinh doanh hàng hóa không ghi đầy đủ nhãn mác theo quy định...

Khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ

Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với vị trí, vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước luôn được khẳng định. Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong những năm tới, trên cơ sở Chương trình thực hiện Chiến lược sở hữu tuệ đến năm 2030 và các chương trình, đề án trong lĩnh vực KH&CN của tỉnh, Sở KH&CN Bắc Ninh tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai đẩy mạnh khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như:

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng KH&CN, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi giá trị, ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao, công nghệ hữu cơ, công nghệ thông minh,…

Đưa khoa học-công nghệ thành một động lực then chốt phát triển Bắc Ninh
Dây chuyền sản xuất vỏ lon hiện đại tại Công ty CP Hanaka, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. (Nguồn: Baobacninh)

Triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ bảo hộ thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và các sản phẩm chủ lực của địa phương. Phát triển các ngành công nghệ, các sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới; công nghệ thông tin và công nghệ môi trường, phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; thúc đẩy gia tăng chỉ số đổi mới công nghệ trong các ngành sản xuất.

Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, các công nghệ tiên tiến trong quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường; phát triển ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường trong sản xuất, kinh doanh, công nghệ tái chế chất thải;…

Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu trong lĩnh vực y, dược; chuyển giao kỹ thuật mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, các kỹ thuật xét nghiệm, giám sát kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm...; khai thác, sử dụng hiệu quả trang, thiết bị và làm chủ các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường năng lực truyền thông về KH&CN; xây dựng và triển khai Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Chương trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội….

Xác định việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững có vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra 5 giải pháp thiết thực nhằm: Đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số;

Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát huy tối đa lợi thế của các địa phương; Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn, nhờ tư duy chủ động hội nhập, thích ứng với biến động của thị trường và công nghệ, gần đây nhiều doanh nghiệp của địa phương không ngừng tiếp cận, làm chủ và ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất; tiếp cận với các mô hình, trình độ sản xuất tiên tiến, khoa học - kỹ thuật hiện đại, phương thức quản trị tối ưu, để cải tổ mô hình, định hướng sản xuất phù hợp với xu thế. Sự hiện diện của những sản phẩm với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và khả năng cạnh tranh trên thị trường đã minh chứng cho sức sống mới của doanh nghiệp Bắc Ninh.

Không chỉ là một địa phương năng động, Bắc Ninh sớm thích nghi với sự phát triển của KH&CN, khẳng định là tỉnh có ngành công nghiệp phát triển, với 16 Khu công nghiệp tập trung, với 1.566 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư. Từ thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu và có hoạt động chuyển giao công nghệ, tức là thị trường KH&CN đã được hình thành. Tất nhiên, đây sẽ là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn không chỉ ở Bắc Ninh, mà xa hơn sẽ là một không gian phát triển tầm khu vực và thế giới.

Những thách thức trong tương lai, nhưng cũng là cơ hội để phát triển doanh nghiệp KH&CN, thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo... đều đang là những mục tiêu nằm trong kế hoạch phát triển của ngành KH&CN tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn mới.

Bắc Ninh phát triển và tạo sức lan tỏa trong tình hình mới

Bắc Ninh phát triển và tạo sức lan tỏa trong tình hình mới

Tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bằng ...

Quảng Ninh nỗ lực kiểm soát Covid-19 và hiện thực hóa thành công 'mục tiêu kép'

Quảng Ninh nỗ lực kiểm soát Covid-19 và hiện thực hóa thành công 'mục tiêu kép'

Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 của Quảng Ninh diễn ra ngày 27/8 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành ...