📞

Bắc Ninh gia tăng động lực để phát triển vượt bậc

Nguyễn Hương Giang 09:31 | 19/10/2022
Bắc Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ công nghệ cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn số 446/UBND-KTTH (ngày 29/9) về việc trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất với nội dung hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thực hiện thủ tục trình Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định.

Quyết sách chính xác, kịp thời, phù hợp thực tiễn

Để đi đến một quyết sách chính xác và kịp thời, trước đó, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch được xây dựng dựa trên ba trụ cột phát triển là: kinh tế, xã hội và môi trường bền vững và bốn yếu tố hỗ trợ thành công gồm: tối ưu hóa quy hoạch sử dụng đất; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, phù hợp với tương lai; nguồn nhân lực và thu hút đầu tư mạnh mẽ, cân bằng và sử dụng nguồn vốn một cách chiến lược, hợp lý.

Tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo, phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ công nghệ cao, chuyển đổi số và các mô hình nhà máy thông minh. Tới năm 2050, trở thành trung tâm về đổi mới công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển của khu vực Đông Nam Á, là một trong những nơi thịnh vượng hàng đầu về kinh tế và mức sống của người dân.

Quy hoạch Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị được ưu tiên hàng đầu, mang tính định hướng, dẫn dắt để có thể tạo ra được những đột phá, khơi thông các điểm nghẽn phát triển, kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Bắc Ninh trong giai đoạn sắp tới, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, nâng cấp cụm ngành điện tử - thiết bị cảm biến - bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tầm nhìn và khát vọng của Bắc Ninh được kết tinh bởi cội nguồn văn hóa, lịch sử, bởi tâm hồn và cốt cách của con người cùng thế và lực mới của tỉnh. Đây là những mục tiêu được thông qua tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XX (2020-2025) được xem như “kim chỉ nam” cho chặng đường phát triển trong tương lai, dựa trên các xu thế kinh tế mới, hướng tới chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh và bản sắc văn hóa, nơi hội tụ các thương hiệu lớn.

Việc xác định mục tiêu ở từng mốc thời gian cụ thể vào năm 2025, năm 2030 và năm 2045 là trí tuệ Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, là nguyện vọng, mong mỏi của các tầng lớp nhân dân. Những định hướng này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước và bắt nhịp với xu thế của thời đại.

Với tiềm năng, lợi thế cùng trí tuệ và bản lĩnh điều hành của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, sự năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, Bắc Ninh được Trung ương xác định phải là một tỉnh đi trước, vượt trước, là hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Với tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh quyết tâm tạo đột phá trong phát triển, xây dựng Bắc Ninh giàu về bản sắc văn hóa, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

KCN VSIP tỉnh Băc Ninh là một trong những khu công nghiệp hiện đại, xanh hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh địa điểm đầu tư hấp dẫn, thu hút 100% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ Singapore, Mỹ, Hàn Quốc,Nhật Bản, Đài Loan... (Nguồn: Báo Bắc Ninh)

Khát vọng vươn lên, đầu tư đúng hướng

Tình hình thế giới hiện nay đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặt ra yêu cầu đối với địa phương phải nhanh chóng thích ứng được với tình hình mới, chủ động và sáng tạo trong đúc kết kinh nghiệm, kế thừa di sản của lịch sử, tìm ra những phương thức mới để tiếp tục phát triển và hội nhập mạnh mẽ.

Vì vậy, các quyết sách chính xác và kịp thời, phù hợp thực tiễn tạo động lực đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh. Và quan trọng hơn, tỉnh cần có chủ trương nhất quán về tích lũy cho nền kinh tế, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư hạ tầng lớn, thiết yếu như công nghệ thông tin, giao thông, khoa học công nghệ... làm nền tảng phát triển.

Trong tình hình đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho Bắc Ninh là xây dựng một nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tăng sức chống chịu trước những “cú sốc” từ bên ngoài. Trên hành trình đến tương lai, Bắc Ninh cần xác định rõ thời cơ, thách thức để không lỡ nhịp phát triển của thời đại.

Thực tế là, trên chặng đường hơn 25 năm tái lập tỉnh đến nay, nhờ các quyết sách trúng và đúng như vậy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước như giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất, xuất khẩu đứng thứ hai cả nước, quy mô GRDP xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, GRDP bình quân đầu người đứng thứ tư (đạt 155,6 triệu đồng), thu nhập bình quân đầu người đạt 71,8 triệu đồng - đứng thứ năm, thu hút vốn FDI (lũy kế) xếp thứ bảy, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, diện mạo đô thị và nông thôn phát triển.

Bắc Ninh hiện cũng là một trong 15 tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, môi trường được quan tâm bảo vệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt với nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực giáo dục, y tế thuộc nhóm dẫn đầu, nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và thực hiện ở mức cao hơn so với Trung ương như hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, trợ cấp cho người cao tuổi…

Nhằm tập trung cho phát triển công nghiệp, Bắc Ninh đã phát triển 16 Khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 6.397,68ha. Tính từ đầu năm 2021, có sáu KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và được UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thành lập gồm KCN Thuận Thành I, KCN Gia Bình, KCN Gia Bình II, KCN Quế Võ II - giai đoạn 2, KCN Quế Võ III - giai đoạn 2, KCN Yên Phong II-A. Ngoài ra, trên địa bàn có tổng số 37 cụm công nghiệp có trong quy hoạch với diện tích 1141,86ha đã thành lập được 33 cụm công nghiệp với diện tích là 1.057,26 ha.

Với hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp đang ngày càng hoàn thiện, đến nay, Bắc Ninh đã thu hút 1.767 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 22,92 tỷ USD. Bắc Ninh đứng thứ bảy cả nước về quy mô thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 80%.

Triển khai định hướng phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “hai ít, ba cao”: sử dụng ít đất, ít lao động, suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và hàm lượng công nghệ cao, nhưng kết quả thu hút FDI vẫn phát triển vượt bậc, chín tháng năm 2022, toàn tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,77 tỷ USD, đứng thứ ba toàn quốc về quy mô vốn đầu tư thu hút (trong đó: cấp mới 85 dự án với tổng vốn đầu tư 169,5 triệu USD, điều chỉnh vốn tăng thêm là 1.570,97 triệu USD; chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với giá trị là 33,39 triệu USD).

Bộ mặt đô thị Quế Võ ngày càng khang trang. (Nguồn: quevo.bacninh.gov.vn)

Thời gian tới, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức truyền thống, cũng như phi truyền thống, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, kết nối tiêu thụ. Đồng thời, thu hút và phát triển trung tâm công nghiệp công nghiệp công nghệ cao của đất nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi và quản lý tốt các nguồn thu. Song song với đó, khai thác hiệu quả các dư địa thu ngân sách, đẩy mạnh tăng thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập, giải quyết đồng bộ hạ tầng kinh tế và xã hội, tổ chức không gian kinh tế và đô thị kết nối với đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, phát triển các khu công nghiệp và đô thị, trở thành không gian phát triển và đổi mới sáng tạo nổi trội và là động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng Vùng Thủ đô.