📞

Bắc Ninh: Hướng tới thành công lớn hơn cùng các đối tác Nhật Bản

10:51 | 12/10/2023
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ giữa địa phương và Nhật Bản ngày càng phát triển về mọi mặt.

DẤU ẤN 50 NĂM

Bắc Ninh là điểm đến đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản sớm quan tâm và hiện vẫn tin tưởng lựa chọn. Ngược lại, Nhật Bản là một trong những đối tác được Bắc Ninh coi trọng hàng đầu, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thu hút đầu tư, viện trợ, hợp tác cấp địa phương...

Các doanh nghiệp Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 3 của Bắc Ninh (sau Hàn Quốc và Singapore), với 101 dự án, tổng số vốn trên 1,68 tỷ USD (chiếm gần 7% tổng vốn đầu tư vào tỉnh). Nhiều tên tuổi hàng đầu Nhật Bản như Canon, THK, NITTO, Foster, Sumitomo, Tenma, Fujikin... đều đang có mặt tại Bắc Ninh. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp Nhật Bản đều đang phát triển rất mạnh mẽ và thành công, được xem là hình mẫu về sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm, kỷ luật, sự trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư.

Hiện tại, trong 6 tháng đầu năm 2023, 76 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại các KCN Bắc Ninh đã tạo ra 23.297 việc làm cho lao động địa phương, 32.852 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách 508 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn AEON ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư Trung tâm thương mại AEON tại Bắc Ninh, ngày 26/3/2021.

Trong đó, yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phần từ những lợi thế đặc biệt của Bắc Ninh - có vị trí địa kinh tế thuận lợi, với 3 tuyến Quốc lộ đi qua và khoảng cách thu hẹp dần với các địa điểm quan trọng, cách Trung tâm Thủ đô Hà Nội 30 km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 30 km và cảng biển Hải Phòng khoảng 90 km.

Bắc Ninh tự hào là một trong các địa phương có tốc độ phát triển nhanh nhất của Việt Nam với môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, hấp dẫn. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 cả nước; đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu; đứng thứ 4 toàn quốc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Hệ thống giao thông đồng bộ, hạ tầng điện, cấp nước, thông tin liên lạc phát triển đảm bảo cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt, đáp ứng mọi yêu cầu của nhà đầu tư. Bắc Ninh có nguồn lao động dồi dào và chất lượng ngày càng cao, môi trường sống an toàn, thân thiện đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nước ngoài, nhất là người Nhật Bản.

ĐỒNG HÀNH CÙNG HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Tỉnh Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, lan toả thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với đối tác Nhật Bản, gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: sử dụng ít đất, ít lao động, suất vốn đầu tư cao, hàm lượng công nghệ cao và hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm, tạo điều kiện cho công nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên cơ sở những thế mạnh của đối tác, thời gian tới, Bắc Ninh mong muốn hợp tác đầu tư với Nhật Bản trong một số lĩnh vực, cụ thể:

Về công nghiệp, tập trung vào các ngành cơ khí chính xác, ô tô, xe máy, sản xuất dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm, điện, điện tử (đồ điện gia dụng), công nghiệp hỗ trợ... Đặc biệt chú trọng các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới...

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự sự kiện Gặp gỡ Nhật Bản 2020 - Meet Japan 2020, Hà Nội, tháng 11/2020.

Bắc Ninh cũng mong hợp tác, chia sẻ các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất, nổi bật là mô hình trồng rau thủy canh công nghệ Nhật Bản và trồng rau trong nhà kính nhằm giảm sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu; giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất cá chép cảnh (cá Koi); công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ để nâng cao trữ lượng carbon, bảo tồn đất…

Chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về các chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu: sạt lở bờ sông, phòng chống lũ trong sông; ngập lụt đô thị. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảnh báo, dự báo, khả năng chống chịu trước thiên tai và hệ thống thuỷ lợi; tăng cường các hoạt động hợp tác xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu gắn với xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản các sản phẩm nông sản, sản phẩm chương trình “Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” (OCOP).

Về vấn đề môi trường, Bắc Ninh ưu tiên hợp tác triển khai các chương trình, dự án về quản lý, xử lý chất thải, áp dụng công nghệ xử lý chất thải phát điện; hỗ trợ các dự án về quản lý tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bắc Ninh mong muốn các Tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào tỉnh để tạo nên những thành công lớn hơn, không chỉ của doanh nghiệp Nhật Bản mà cho cả tỉnh Bắc Ninh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.