📞

Bắc Ninh phát triển và tạo sức lan tỏa trong tình hình mới

Nguyễn Hương Giang 19:23 | 01/09/2021
Tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bằng tinh đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Thành phố Bắc Ninh.

Năm 2021, là năm đầu Bắc Ninh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 với nhiều cơ hội và thách thức, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người dân; vừa tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn, nỗ lực đẩy mạnh phát triển toàn diện các ngành kinh tế theo hướng bền vững, tạo sức lan tỏa.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được dự báo còn rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, tác động xấu tới mọi mặt của kinh tế, xã hội và đời sống, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng cao; Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm đạt 20.045,27 tỷ đồng, đạt 72% dự toán năm và tăng 6,14% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021 đạt 49,1 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 26,061 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước đạt 23,088 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ; Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 61.115 tỷ đồng, tăng 7,45% so với cùng kỳ.

Quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép"

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ được sức khỏe người lao động.

Duy trì chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” nhanh chóng ổn định tình hình và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ - con người - lực lượng - phương tiện và chỉ huy tại chỗ), nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị.

Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động bình thường trở lại, hoạt động của các khu công nghiệp lớn được duy trì. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 tăng 13,63% so với tháng trước và tăng 6,18% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 9,81% so với cùng kỳ năm trước.Cũng trong giai đoạn đặc biệt này, Bắc Ninh cho ra mắt Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp “3 nhất”: Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất. Nhờ sự quyết liệt và những giải pháp sáng tạo, kịp thời dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, sản xuất được duy trì.

Tuy nhiên, đến ngày 15/8 trên địa bàn tỉnh xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến ổ dịch Viettel Post, huyện Lương Tài sau 21 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Để kịp thời ngăn chặn, không để dịch lây lan xâm nhập vào cộng đồng, Tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động.

Một lần nữa, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, mạnh mẽ, thần tốc, trách nhiệm cũng như linh hoạt trong các phương án chống dịch tiếp tục là những bài học đáng quý giúp Bắc Ninh sớm vượt qua những thách thức mới.

Lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản tháng 11/2020.

Phát triển và tạo sức lan tỏa

Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội thuộc tốp đầu cả nước. Các chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiều năm đứng ở tốp đầu. Năm 2020, Giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 3, GRDP đứng thứ 8, thu ngân sách đứng thứ 9 cả nước,....Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm liên tục đứng trong tốp 10 cả nước.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung với tổng diện tích 6.397,68ha (trong đó, 10 KCN đi vào hoạt động, 2 KCN đang triển khai và 4 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN được thành lập mới). Ngoài ra, cùng với 29 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với tổng diện tích 870,97 ha, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Môi trường đầu tư hấp dẫn, an ninh chính trị ổn định, cách làm năng động, sáng tạo đã giúp Bắc Ninh thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các Tập đoàn hàng đầu của thế giới như Samsung (Hàn Quốc) với 04 nhà máy tại Bắc Ninh – SDV (6,5 tỷ USD), SEV (2,5 tỷ USD), SDI (2 nhà máy với tổng vốn đầu tư 192 triệu USD); Canon (Nhật Bản) với dấu ấn tại KCN Quế Võ và KCN Tiên Sơn; rồi Foxconn (Trung Quốc), VSIP (Singapore)... kéo theo hàng trăm doanh nghiệp phụ trợ, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp, điện tử, viễn thông, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ của cả nước…

Bên cạnh đó, Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành cụm ngành điện tử, công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao, các trường đại học; nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho công nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố sáng tạo, năng động trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong-Hàn Quốc lần thứ 8 ngày 4/12/2020.

Trong năm 2021, trước những khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù chịu không ít tác động từ dịch bệnh, Bắc Ninh vẫn duy trì khả năng thu hút các nguồn vốn. Tính từ đầu năm đến nay, Tỉnh đã cấp mới 89 dự án, tổng vốn đăng ký 465 triệu USD; điều chỉnh vốn 55 dự án, tổng vốn tăng 102 triệu USD. Lũy kế đến ngày 18/8/2021, đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.694 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20,3 tỷ USD, đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 7 cả nước.

Thu hút vốn đầu tư trong nước, cấp mới đăng ký đầu tư 32 dự án với tổng vốn 10.185 tỷ đồng; điều chỉnh vốn 16 dự án, tổng vốn tăng 4.403 tỷ đồng; thu hồi 5 dự án với tổng vốn 414 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 18/8/2021, đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.464 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 213.402 tỷ đồng.

Để tiếp tục ”đầu tư cho tương lai”, Bắc Ninh quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất hàm lượng công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”: sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư.

Hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền “liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ”, Bắc Ninh tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; không ngừng quan tâm hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế, chính sách cho phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ số lượng, cơ cấu phù hợp với yêu cầu thực tiễn, từng bước tiến tới chuyên nghiệp, hiện đại…

Trước mắt, nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển toàn diện, quán triệt quan điểm lấy người dân làm trung tâm, “mục tiêu kép” làm hành động, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhận kỷ niệm chương.