Người ta cho rằng, xử phạt như vậy là quá vô lý, nặng tay. Có người còn dẫn ra lời của Tuân Tử - một Nhà tư tưởng của Trung Hoa để thấy được tầm quan trọng của những lời nói thật: “Phàm ở đời, ai chê ta mà chê phải là thầy của ta; ai khen ta mà khen phải là bạn của ta; ai nịnh bợ, tâng bốc ta là kẻ thù của ta vậy”. Người khác lại băn khoăn, nếu phê bình thẳng thật, bị kỷ luật sẽ để lại tiền lệ xấu, rồi còn mấy ai dám lên tiếng nữa?
Ông Lê Sĩ Minh, Giám đốc Sở TTTT Thừa Thiên - Huế (đứng giữa) chính thức thừa nhận có sai sót, vội vàng trong việc xử phạt hành chính bác sĩ Truyện. (Nguồn Thanh Niên) |
Vậy lỗi này thuộc về ai? Lỗi của những người ra quyết định xử phạt bác sĩ đã rõ. Người xử lý nên có trách nhiệm với từng quyết định của mình, không thể cảm tính, áp đặt với những lý do như những lời nói ấy “gây mất uy tín” hay “tạo dư luận xấu”…
Tuy nhiên, vị bác sĩ cũng phải nhìn lại mình, cần cẩn trọng hơn trong từng phát biểu, từng ý kiến. Phê bình, góp ý làm sao để người ta nhận ra được hạn chế, thiếu sót để khắc phục mới là quan trọng. Thay vì đưa lên mạng xã hội, chúng ta cũng có nhiều kênh chính thống để bày tỏ quan điểm của mình.
Nhưng dù là gì, qua câu chuyện này, không riêng gì bác sĩ Truyện, ngay trong mỗi chúng ta cũng nên có trách nhiệm hơn với những phát ngôn của mình dù ở bất cứ đâu, đời thực hay thế giới ảo. Nếu ai cũng thích nói gì thì nói, chê bai gì cũng được dễ dẫn đến sói mòn những giá trị và chuẩn mực trong xã hội.
Chúng ta không nên cổ xuý cho một ai đó có lời xúc phạm, móc máy đời tư của người khác. Hãy nghĩ đến hậu quả ra sao khi những lời xúc phạm sai sự thật? Có thể qua những thông tin đó sẽ làm tổn hại đến uy tín và tinh thần của họ. Song, nhà nước cũng phải có một quy định nào đó rất chặt chẽ, tỉ mỉ để hướng dẫn cơ sở khi xử lý người sai phạm được tâm phục, khẩu phục. Chúng ta không nên tạo ra trong dân chúng đang có một lằn ranh giới mong manh khi xử phạt kiểu như trên. Thiết nghĩ, phải tránh hết sức chuyện xử áp đặt chỉ vì đụng chạm đến một quan chức nào đó do thiếu nhạy cảm, tức thời, không thật tỉnh táo.
Thêm nữa, các nhà lãnh đạo nên dùng người tham mưu cho mình có chính kiến, biết can gián một cách tỉnh táo nhất. Người lãnh đạo cũng nên tránh nghe lời xu nịnh hoặc chỉ biết: gọi "dạ", bảo "vâng " của cấp dưới. Điều này chúng ta nên nhìn lại các bậc cổ nhân…
Xưa kia, vua Cảnh Công bên nước Tề có con ngựa quý và nó được giao cho người chuyên chăn nuôi ngựa. Một hôm, con ngựa tự nhiên lăn ra chết. Vua giận lắm vì nghi là ngựa bị giết nên đã giao quân lính cầm dao vào phanh thây người nuôi ngựa.
Án Tử đang ngồi chầu, thấy vậy bèn ngăn lại rồi hỏi vua rằng: "Vua Nghiêu, vua Thuấn khi xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?". Vua Cảnh Công ngơ ngác rồi bảo: “Thôi, tạm giam xuống ngục để sau trị tội”. Án Tử tiếp lời: “Tên phạm này chưa biết rõ tội mà đã phải chịu chết thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin xuống gặp để kể rõ tội nó rồi hãy hạ ngục”.
Vua nghe, thấy cũng phải. Án tử bèn kể tội người nuôi ngựa rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội chết. Lại để chết đúng con ngựa quý của vua thì là hai tội chết. Nay để vua mang tiếng với thiên hạ chỉ vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ đều biết chuyện sẽ sinh oán vua. Các nước nghe chuyện khiến ai cũng khinh vua. Ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm ngó vua là ba tội đáng chết. Vậy bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục đã”. Cảnh Công nghe vậy than rằng: “Thôi, hãy tha cho nó!”.
May thay, Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế đã rút lại quyết định xử phạt và xin lỗi bác sĩ Truyện. Câu chuyện khép lại, ngẫm thấy mỗi người nên cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, phát ngôn và quyết định phải đi liền với trách nhiệm để không còn chuyện đáng tiếc tương tự xảy ra...