📞
Giá trị văn hóa Nguyễn Phú Trọng và "di sản niềm tin"

Bài 4: Vẻ đẹp nhân phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh thức lòng dân và sự đoàn kết

Nguyệt Anh 09:00 | 26/07/2024
Có lẽ chính hình ảnh về cuộc đời tận hiến, thanh sạch và trước những nỗ lực nhằm mang lại một xã hội tốt đẹp hơn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh thức cảm xúc của người dân.
Giây phút giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng dịp Tết Nguyên đán nhiều năm trước. (Nguồn: Văn phòng Tổng Bí thư)

“Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống”. Đó là câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky (1904-1936), một câu nói mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời rất hay nhắc nhở. Câu nói ấy cũng được hàng nghìn người trẻ khắc ghi và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, để bao người dân nhìn vào đó học tập và noi gương ông.

Tổng Bí thư luôn mong muốn lý tưởng tốt đẹp đó lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi con tim, khối óc của những đảng viên cộng sản nước nhà. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều phát ngôn giản dị, ấn tượng và sâu sắc, gần gũi, đầy tính triết lý, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mỗi đảng viên và người dân, củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước.

Tại buổi lễ nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào ngày 2/2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ tình cảm của mình với Đảng bằng cách dẫn lời của một bài ca: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản".

Lời của cô giáo Đặng Thị Phúc với người học trò thuở cấp 1 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một điều khiến người dân nhớ mãi về ông chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn khiêm cung, giản dị. Tháng 11/2020, dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư về thăm thầy cô và mái trường nơi mình từng học hành, chân tình và cung kính xin phép xưng em với thầy cô: "Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020) nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học".

Tới dự gặp mặt lớp cũ, ông nhờ người chở mình đi bằng xe máy. Gặp thầy cô, bạn bè, ông nói: "Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!".

Sự giản dị của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua những lời nói đầy cứng rắn nhưng cũng vô cùng khiêm tốn, trong đó có thể nhắc đến những lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã nhắc nhớ về cảm giác khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với hai câu thơ: "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay"...

Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...".

Tổng Bí thư từng nói: "Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm ý chí như vậy".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, đã sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Điều mong muốn cao nhất của Tổng Bí thư là Đảng ta phải trong sạch, vững mạnh, đó là di sản vô cùng to lớn.

Trong hai ngày Quốc tang, trên hành trình tiễn biệt một con người có cả những cụ già, những đứa trẻ, những người tưởng như xa lạ nhưng xích lại gần nhau. Những giọt nước mắt lăn dài, những gương mặt trầm buồn, những nỗi lòng đầy tiếc nuối.

Khi trái tim ông ngừng đập, dường như trong chúng ta đều cảm giác về sự mất mát. Bởi tất cả những lời ông nói, những việc ông đã làm, lối sống, nhân cách của ông đã để lại khiến mỗi chúng ta đều mong chạm đến, ước mong. Điều gì tác động đến cảm xúc của người dân? Có lẽ, bởi chính hình ảnh về cuộc đời tận hiến, thanh sạch và trước những nỗ lực nhằm mang lại một xã hội tốt đẹp hơn của ông.

Điều đó như lan tỏa, đánh thức lòng nhân ái, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân. Trong ngày Quốc tang, những câu chuyện tưởng như bình thường, dung dị nhưng lại có sức lay động lòng người, chất chứa tình người trong "biển người" về viếng Tổng Bí thư. Đó là bác lái xe ôm sẵn sàng chở người dân miễn phí vào viếng; những người dân xung quanh nhà tang lễ trông xe miễn phí; là những chai nước, chiếc bánh mì tặng nhau trên suốt dọc đường có dòng người xếp hàng… Đó là sự gần gũi, đoàn kết của mọi người dân nảy sinh từ những điều tưởng như bình thường ấy.

Dòng người xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: VNE)

Những dòng chia sẻ tiếc thương của người dân cả nước trên khắp các trang báo, mạng xã hội. Nhiều người dân đến từ rất sớm, để được tiễn đưa ông, có những người từ các miền quê lên Hà Nội khi chỉ cầm theo chai nước, gói xôi. Các bạn trẻ mặc áo xanh tình nguyện có mặt từ sớm đến khuya miệt mài với nhiệm vụ hỗ trợ điều tiết giao thông và hướng dẫn người dân; là những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác ngồi chờ bên đường. Thật xúc động khi một phụ huynh đưa con đến viếng với mong muốn con biết rằng - khi sống trong một đất nước, mình cần có sự đóng góp cho xã hội và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ noi gương.

Những đoàn người xếp dài hàng cây số để được vào viếng Tổng Bí thư dù đã 11 giờ đêm, 12 giờ đêm thực sự gây xúc động mạnh. Đó là dòng tin nhắn của một bạn trẻ gửi thầy giáo cũ vì đã kiên nhẫn xếp hàng vào viếng bằng được, để không bao giờ phải nuối tiếc, vì "nhớ đợt Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất năm 2013, em bận nên không thể viếng được. Lần này em phải quyết tâm bằng mọi giá để được vào viếng Cụ".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống trọn vẹn cả đời với Đảng, Nhà nước và nhân dân, để rồi ông đã ra đi giữa lòng dân cùng bao niềm thương nhớ. Các con phố nối dài đoàn người, những gương mặt thất thần đứng hai bên để tiễn biệt ông lần cuối. Không ai bảo ai, những cảm xúc nghẹn ngào xen lẫn tự hào về Tổng Bí thư liêm khiết, tận hiến, thanh sạch của mình.

Có lẽ rồi, khi trở về với cuộc sống thường nhật với những bộn bề lo toan, nhưng trong ký ức của mỗi người trong chúng ta đều là những điều quý giá, thiêng liêng vì những ý niệm sống đẹp, sống ích, sống ý nghĩa với cuộc đời.

Chỉ những con người với nhân cách lớn, lý tưởng lớn mới có thể đánh thức và kết nối sự đoàn kết và những ước vọng của lòng dân...

Bài viết nằm trong chùm bài: Giá trị văn hóa Nguyễn Phú Trọng và "di sản niềm tin"