Doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần hết sức cẩn trọng với các đơn hàng. (Nguồn: VnEconomy) |
Chủ quan trong giao dịch
Gần đây, cộng đồng doanh nghiệp không khỏi hoang mang bởi ngay những tháng đầu năm 2022, hàng trăm container xuất khẩu điều sang Italy có dấu hiệu lừa đảo. Điều này đã và đang làm dấy lên những lo ngại cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi xuất khẩu điều là một trong những ngành hàng xuất khẩu số một của Việt Nam ra thế giới.
Trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "nhờ thu" hay còn gọi là "trả tiền nhận chứng từ D/P" và rủi ro đã xảy ra khi các doanh nghiệp này đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.
Tuy nhiên, rất kịp thời các doanh nghiệp đã nhanh chân giữ lại được đa số các container, chỉ có 36 container là mất kiểm soát. Cùng với đó, các bộ ngành, cơ quan của Việt Nam trong nước và nước ngoài đã bắt tay vào cuộc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi lại được số lô hàng này.
Ông Nguyễn Tuấn Việt- Giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu VIETGO cho biết: Đặc điểm chung của các đơn hàng điều đang gặp khó là đều được thanh toán qua hình thức D/P, một phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế, thanh toán giao tiền thì giao chứng từ.
Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp xúc tiến xuất nhập khẩu, đây là hình thức khá là rủi ro, gần như không có cam kết hoặc cam kết rất lỏng lẻo.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của Hiệp hội Điều Việt Nam, Bộ Công thương đã chỉ đạo và cùng với bộ phận Thương vụ Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân sự việc và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trực tiếp Tham tán của Việt Nam tại Italy cũng đã đến làm việc trực tiếp tại hai cảng lớn là Genova, Napoli và cùng đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng, chính quyền địa phương nhằm đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ cũng như mời luật sư đi cùng để nắm vụ việc. Kết quả bước đầu là các hãng tàu có đồng thuận để tạm dừng quá trình giao hàng chờ kết quả làm việc của phía Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Công Thương đã có công thư gửi Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đề nghị quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy để nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Italy.
Theo ông Trần Thanh Hải, đến thời điểm này, những lô hàng hạt điều đưa sang Italy vẫn chưa bị mất, tức là chưa lọt vào tay của các đối tượng thứ ba. Thế nhưng, doanh nghiệp không kiểm soát được bộ chứng từ và người giữ bộ chứng từ đó hoàn toàn có thể đến làm việc với hãng tàu để nhận hàng và nguy cơ có thể bị mất hàng vẫn còn hiện hữu.
Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan; trong đó, có Thương vụ Việt Nam tại Italia để làm việc với các cơ quan chức năng phía bạn nhằm giữ lại các lô hàng. Đồng thời kéo dài thời gian để xác minh các vận đơn, chứng từ đang nằm ở đâu và ai là người thực sự có quyền sở hữu đối với cả lô hàng.
Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Italy vẫn tiếp tục làm việc với các hãng tàu, chính quyền cũng như các văn phòng luật sư để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam được tốt nhất.
Thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Đức Thanh- Tham tán công sứ Thương mại Việt Nam tại Italy, qua công ty môi giới của Việt kiều ở Mỹ, có 5 doanh nghiệp Italy ký kết hợp đồng mua với 6 doanh nghiệp Việt Nam tổng cộng 100 container hạt điều, tương đương 20 triệu USD.
Đáng lưu ý, trong số đó đã có 74 container rời khỏi Việt Nam để sang Italy và hiện nay, có 35 container mất kiểm soát do bộ chứng từ gốc và 39 container còn chứng từ gốc.
Với 39 container còn chứng từ gốc, nếu chưa tới cảng ở Italy sẽ giao ngược trở lại Việt Nam. Trường hợp đã tới cảng ở Italy, các chứng từ gốc có thể xử lý tiếp được, đổi người sử dụng, người nhận hàng cuối cùng.
Cụ thể, trong số 39 container còn bộ chứng từ gốc, doanh nghiệp đã bán được 17 container; trong đó, đi Hà Lan 10 container, Thổ Nhĩ Kỳ 3 container, Thụy Điển 2 container và vào thị trường Italy 2 container; 12 container đang đàm phán giá cước để chở về Việt Nam. Như vậy, còn 10 container có bộ chứng từ gốc cần xử lý tiếp.
Ông Nguyễn Đức Thanh cũng cho biết thêm, trong số 35 container mất chứng từ gốc, đã có Công ty C.N Srl ở Napoli (trong nhóm 5 công ty Italy) phản hồi, email cho luật sư với nội dung không biết việc có người đứng tên công ty mình làm với Việt Nam và email bảo đảm (PEC) từ chối nhận lô hàng 9 container để hãng tàu trả lại quyền sở hữu cho người bán.
Theo thông lệ quốc tế, công ty Việt Nam vẫn phải đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng hơn 100% trị giá container mới thực sự giành lại được sở hữu nên vẫn khó khăn lớn cho DN. Cùng đó, 3 container đã được đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng, doanh nghiệp đã cho lên tàu về lại Việt Nam. 23 container mất chứng từ đang được xử lý tiếp.
Kẽ hở bị lợi dụng
Chia sẻ thêm về phương thức thanh toán, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Mặt dù hoạt động thương mại có nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác nhau nhưng trên thực tế doanh nghiệp cũng áp dụng một số các phương thức mà nó mang tính chất phổ biến nhất.
Đối với hàng hóa nông sản thì phương thức phổ biến hiện nay, nhất là trong giao dịch với thị trường khu vực châu Âu, các doanh nghiệp đang chủ yếu áp dụng phương thức DP – tức là giao chứng từ để nhận tiền.
Với phương thức này có sự tham gia của ngân hàng người mua và ngân hàng người bán - là những cơ quan trung gian và giúp khống chế bộ chứng từ trước khi chuyển giao cho người bán.
Theo giới phân tích, trong thương vụ này 6 thương nhân Việt Nam đều bán số hàng 100 container điều nhân cho vài đối tác thông qua cùng một nhà môi giới. Các thương nhân Việt Nam chưa từng có lịch sử làm ăn với đối tác này và việc giao thương hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng đối với người môi giới.
Điều này lộ rõ một thói quen giao thương quốc tế cố hữu của thương nhân Việt Nam là không mấy khi thuê các đơn vị làm thẩm định tín nhiệm (bao gồm thương mại và pháp lý). Trong khi đó, các thương nhân nước ngoài khi làm ăn với Việt Nam họ thường yêu cầu bên tư vấn sở tại cung cấp bản báo cáo thẩm tra đối tác thương mại.
Theo các chuyên gia, lâu nay thị trường Italy rất ít tiêu thụ sản phẩm hạt điều nhân của Việt Nam. Chính vì thế, thông tin của khách hàng từ thị trường này rất ít. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro khi nhận đơn hàng từ thị trường này lên tới 74 container với sản phẩm có chất lượng và giá thành cao nhất trong thời gian ngắn.
Bởi vậy, cậu chuyện 100 container điều chỉ là một trong nhiều vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Điều đáng tiếc, các thương nhân Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa đi nước ngoài, thậm chí là năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong quốc gia chủ động hội nhập kinh tế, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng khi sân chơi ngày một lớn cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với muôn vàn rủi ro.