Trong cuộc trò chuyện với TG&VN nhân kỷ niệm 134 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, CEO Nguyễn Cảnh Bình cho biết trong quá trình nghiên cứu của mình, ông đã khám phá nhiều bài học về tư duy và tư tưởng của Người cho những vấn đề hiện đại.
Nhìn vào những thành tựu của Việt Nam hôm nay, có thể thấy rằng nhiều tầm nhìn và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. (Ảnh tư liệu) |
Tầm nhìn thời đại
Tin liên quan |
Những người truyền giữ hát Then ở xứ Tuyên |
Từng chia sẻ rằng “rất hâm mộ Hồ Chí Minh”, hẳn ông đã có những nghiên cứu sâu sắc về tư tưởng của Người?
Ở Việt Nam và cả trên thế giới, chắc chắn có rất nhiều người hâm mộ, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những thành tựu mà Bác đạt được như vậy, thì việc hâm mộ, ngưỡng mộ là điều dễ hiểu.
Trong nhiều thập kỷ qua, quá nhiều công trình, sách và học giả trên thế giới đã nghiên cứu kỹ lưỡng về tư tưởng của Người chắc hẳn đã mở ra nhiều hiểu biết và cảm hứng cho tôi.
Với riêng tôi, điều đó còn khiến tôi theo đuổi một hành trình dài lâu nhưng đầy hấp dẫn.
Đó là sự kết hợp các hướng nghiên cứu, học tập như: nghiên cứu văn bản, đọc sách và các công trình nghiên cứu. Đến tận những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc, tôi đã thử nghiệm đặt ra các câu hỏi rằng vì sao Bác lại hành động như vậy, vì sao Bác đến đây, vì sao Bác làm được việc đó, cho cả những vấn đề quá khứ rồi tìm lời giải đáp cho những vấn đề của ngày hôm nay.
Nhìn vào những thành tựu của đất nước hôm nay, ông cho rằng những điều gì thể hiện được tầm nhìn và những mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Đầu tiên, nhìn vào những thành tựu của Việt Nam hôm nay, có thể thấy rằng nhiều tầm nhìn và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực: Việt Nam đã là về một đất nước độc lập, tự cường và phát triển.
Năm 1945, khi vừa mới giành được độc lập, Bác nói mong muốn rằng nước Việt Nam phải sánh vai với các cường quốc năm châu thì ngày hôm nay phần nào đó, mong ước đó đã trở thành hiện thực khi Việt Nam đã ký kết hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện với nhiều cường quốc trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia, Nhật Bản.
Các nhà quan sát quốc tế và khu vực cũng đánh giá Việt Nam đã hoặc sẽ sớm trở thành một cường quốc tầm trung ở khu vực, đó là một hiện thực đang ngày càng trở nên rõ ràng, và cũng là một mục tiêu lớn lao mà cả dân tộc mong muốn hướng đến.
Từ một nước thuộc địa bị chia cắt, Việt Nam đã đạt được sự độc lập và thống nhất quốc gia, đó chính là mong muốn lớn nhất của Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất.
Thứ hai, đất nước đã và đang phát triển không ngừng về kinh tế, với nhiều cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, điều mà Bác Hồ đã luôn quan tâm khi mong muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hòa nhập cộng đồng quốc tế.
Cuối cùng, những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển văn hóa cũng thể hiện tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng một xã hội học tập, văn minh, tiến bộ.
Giải pháp và con đường phát triển đất nước
Theo ông, trong bối cảnh nhiều thời cơ đi cùng thách thức hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thế nào đối với các mục tiêu phát triển của đất nước?
Như tôi vừa nói, vị thế của Việt Nam đã khác nhiều so với trước đây. Ngày hôm nay thách thức và mục tiêu độc lập, thống nhất đã đạt được nhưng lại xuất hiện những thách thức, mục tiêu mới: Đó là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại, công nghiệp hóa, tiến bộ.
Trong quá trình vượt qua những thách thức đó, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc trong việc giúp chúng ta tìm kiếm giải pháp và con đường.
Đoàn kết và độc lập: Tư tưởng của Hồ Chí Minh về sự đoàn kết và độc lập tự chủ là nền tảng để Việt Nam không chỉ duy trì chủ quyền mà còn phát triển các mối quan hệ đối ngoại một cách cân bằng và linh hoạt.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh từ các cường quốc, tư tưởng này giúp đất nước vững vàng trước áp lực và khai thác tốt các cơ hội quốc tế. Khái niệm độc lập cần được hiểu rộng hơn là chữ độc lập về địa lý/pháp lý, đó là phải độc lập, thoát khỏi sự chi phối của các thế lực bên ngoài.
Phát triển một xã hội văn minh: Tư tưởng của Bác về việc phát triển kinh tế xã hội không chỉ nhằm mục tiêu tăng trưởng mà còn nhấn mạnh sự phân phối công bằng của lợi ích kinh tế.
Điều này rất phù hợp trong bối cảnh hiện tại, khi mà Việt Nam đang cố gắng giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm phúc lợi xã hội cho mọi người dân.
Giáo dục và đào tạo: Tôi thấy Tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là yếu tố then chốt trong việc đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Đầu tư vào giáo dục giúp phát triển tài nguyên, nhân lực có khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Dường như đây là điểm, lĩnh vực mà đất nước và chính phủ phải quan tâm, chú ý đầu tư hơn nữa.
Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) và Omega Việt Nam. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC), đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo lãnh đạo trẻ ABG - ABG Young Leaders Program. (Ảnh: NVCC) |
Trong nhiều thập kỷ trải qua chiến tranh, cô lập, đóng cửa và những trục trặc khác, nhiều di sản của dân tộc bị tan vỡ, những giá trị truyền thống bị thay đổi, tác động, tổn thương... Cấu trúc và sự vận hành của các thiết chế giáo dục, văn hóa… đang đỏi hỏi cách tiếp cận, quản lý, phát triển mới.
Xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân thực sự hơn nữa, đó chính là việc kiến thiết một nhà nước hiện đại, văn minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh học được những tinh thần và giá trị phổ quát của thế giới văn minh khi theo đuổi các giá trị Tự do-Bình đẳng-Bác ái của nước Pháp, học và áp dụng Tuyên ngôn độc lập Mỹ vào bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ quyền bất khả xâm phạm trong đó có quyền tự do sống và mưu cầu hạnh phúc”.
Vì thế, ngày hôm nay, đất nước cũng phải theo đuổi các giá trị phổ quát, đó là văn minh, tiên bộ, hiện đại, phát triển bền vững.
Hơn 8 thập kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, giờ đây, tôi nghĩ chúng ta phải tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh để tìm ra các giải pháp, hướng đi mới cho dân tộc.
Một lần nữa, tư tưởng vận dụng sáng tạo lại được đặt ra và có lẽ chỉ có cách thức tư duy sáng tạo, đổi mới mới tiếp tục giúp cho đất nước và dân tộc vượt qua các thách thức lớn lao hiện nay, như bước chuyển biến và quyết sách mở cửa đã được lựa chọn những năm 1980-1990.
Nhìn nhận mới về tư tưởng Hồ Chí Minh
Những năm gần đây Alpha Books xuất bản nhiều sách về nhân vật lịch sử, chính trị gia trên thế giới. Ông có đặc biệt quan tâm đến mảng sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm góp phần lan toả tư tưởng và đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách, đạo đức của Người?
Cũng theo sự phát triển của thời gian, của thời đại, việc nghiên cứu về Hồ Chi Minh vẫn được các học giả trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu.
Ví dụ như ngoài hai cuốn sách mà được nhiều người trích dẫn như Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 - 1941 của Sophie Quinn-Judge xuất bản năm 1993, cuốn Ho Chi Minh: A Life của William J. Duiker xuất bản năm 2000, thì gần đây nhiều học giả trên thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố như Ho Chi Minh: A Biography của Pierre Brocheux năm 2007, Ho Chi Minh's Blueprint for Revolution: In the Words of Vietnamese Strategists and Operatives của Virginia Morris và và Clive A. Hills xuất bản năm 2018, hay mới nhất là cuốn Underground Asia: Global Revolutionaries and the Assault on Empire của Tim Haper xuất bản năm 2023.
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và câu chuyện Việt Nam vẫn còn là chủ đề lớn được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới.
Với Alpha Books, chúng tôi rất quan tâm đến việc xuất bản sách về nhân vật lịch sử và chính trị gia trên thế giới, do vậy mong muốn xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn là rất lớn lao.
Tuy nhiên, với bối cảnh mới của đất nước và dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm và học hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh theo cách nhìn nhận mới, với con mắt và tư duy của thời đại hôm nay.
Chỉ bằng việc tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, qua đó, xuất bản và công bố những tìm tòi mới về tư tưởng của Hồ Chi Minh mới giúp đất nước tìm ra những hướng đi mới cho dân tộc. Qua đó, đưa đất nước, dân tộc thực sự trở thành một quốc gia độc lập và hiện đại, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chi Minh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
| Sinh hoạt chuyên đề Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và ngoại giao Sáng nay, 17/5, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ ... |
| Khẳng định những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn ... |
| Tôn vinh, thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), ngành Ngoại giao tiếp tục có nhiều hoạt động ý ... |
| Theo dấu chân Bác Hồ ở châu Phi Chiều 16/5, tại Hà Nội, Chi bộ Vụ Trung Đông - châu Phi phối hợp với Chi bộ Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, ... |
| Dấu ấn Ngày Việt Nam kỷ niệm sinh nhật Bác tại Sri Lanka Ngày 17/5, trong không khí hào hùng chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ ... |