📞

Bài phát biểu chào mừng của Chủ tịch nước tại lễ khai mạc APPF-26

22:17 | 18/01/2018
Chiều 18/1, với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu chào mừng các đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên và quan sát viên APPF. Báo TG&VN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu chào mừng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

"Thưa các vị Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Nghị viện các nước thành viên APPF,

Thưa Quý vị,

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Quý vị tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tại thủ đô Hà Nội - thành phố vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình.” Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn nghị viện các nước thành viên đã lần thứ hai tín nhiệm chọn Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị quan trọng này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chào mừng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Thưa Quý vị,

Trong một phần tư thế kỷ vừa qua kể từ khi thành lập, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương không chỉ chứng kiến những sự thay đổi mang tính bước ngoặt của khu vực và thế giới, mà còn là một phần của những thay đổi đó. Diễn đàn đã khẳng định là một cơ chế đặc biệt, phát huy tâm huyết và trí tuệ của nghị sỹ quốc hội các nước thành viên trong việc thúc đẩy xu thế đối thoại, hợp tác ở khu vực và trên thế giới, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Đối thoại và hợp tác của Diễn đàn đã thúc đẩy hợp tác đa phương, đa tầng nấc nhằm xử lý các thách thức chung, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đánh giá cao các nước thành viên Diễn đàn đã ủng hộ các nỗ lực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, kết nối toàn diện khu vực.

Cùng với các diễn đàn khu vực, đối thoại và hợp tác Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã góp phần thúc đẩy châu Á-Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chúc mừng Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương cùng nghị viện các nước thành viên về những đóng góp to lớn của Diễn đàn trong một phần tư thế kỷ vừa qua, góp phần xây dựng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Thưa Quý vị,

Sắp bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới và khu vực đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, thời cơ và thách thức đan xen, song hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế nổi trội. Gần một thập niên sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới phục hồi vững chắc hơn, song tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt mức trước khủng hoảng. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, trong khi liên kết kinh tế ở một số khu vực bị chậm lại, lợi ích của tăng trưởng và toàn cầu hóa chưa lan tỏa đồng đều, nguy cơ chiến tranh, xung đột vẫn hiện hữu. Khu vực của chúng ta vẫn còn hàng trăm triệu người sống trong đói nghèo, chịu những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, thiên tai.

Quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm gia tăng sự tùy thuộc, gắn kết giữa các nền kinh tế. Các thỏa thuận mang tính lịch sử về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu lần đầu tiên đạt được trên quy mô toàn cầu vào năm 2015 đã tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững.

Những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa đòi hỏi Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế trong cấu trúc đang định hình. Hơn bao giờ hết, Diễn đàn cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho châu Á-Thái Bình Dương. Chỉ bằng cách xây dựng quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm vì hòa bình và phát triển bền vững, Diễn đàn mới có thể khẳng định vai trò trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc.

Ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. Hòa bình và phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau. Đó là bài học của chính khu vực chúng ta. Chúng ta có thể tự hào rằng châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Đây là tiền đề quan trọng để châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động nhất, đóng góp 59% GDP, 48% thương mại toàn cầu.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để không ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao để người dân và lực lượng lao động thích ứng tốt hơn trong thế giới toàn cầu hóa và số hóa. Chú trọng bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu, góp phần xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm. Qua đó, duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong của khu vực trong tự do hóa thương mại và đầu tư.

Thế kỷ 21 được kỳ vọng là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, nơi hội tụ những nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới. Cùng với các cơ chế khu vực, như Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC)…, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương cần tích cực đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác đa phương, phát huy vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên số. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nước thành viên Diễn đàn nói riêng và khu vực nói chung trong tương lai.

Với đóng góp về trí tuệ, kinh nghiệm của các nghị sĩ, tôi tin tưởng tại Hội nghị lần này, Quý vị sẽ đề xuất nhiều ý tưởng để cùng vun đắp tương lai chung vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thưa Quý vị,

Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công rất tốt đẹp với những kết quả thiết thực, trong đó có sự đóng góp của Việt Nam đối với APEC, nhất là trong việc xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020, hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. APEC đã thông qua các kế hoạch hợp tác đáp ứng yêu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp, nhất là phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ… Những cam kết của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao Đà Nẵng đã góp phần giữ vững đà hợp tác liên kết khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Với chương trình nghị sự đối thoại và hợp tác phong phú, tôi tin tưởng Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương sẽ nỗ lực cùng APEC và các cơ chế khu vực khác tăng cường hợp tác tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực để tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 thực sự được khởi nguồn từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay cho thấy Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đang hành động mạnh mẽ hơn góp phần xây dựng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!"./.

(theo TTXVN)