📞

Bài toán lựa chọn mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024

15:02 | 18/09/2023
Những phác thảo ban đầu về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được hé lộ. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặt mục tiêu như thế nào trong năm tới là phù hợp nhất?
Khi kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, bất lợi, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi, thì mục tiêu tăng trưởng 6% là hợp lý. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Ba kịch bản

Dù tăng trưởng GDP năm 2023 vẫn chưa thể sớm dự báo một cách chính xác, bởi những yếu tố bất định của kinh tế thế giới còn rất lớn, song những phác thảo ban đầu về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được hé lộ.

Vẫn có 15 chỉ tiêu như Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, song có lẽ, mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ là một trong những mục tiêu được quan tâm nhiều nhất. Điều này là dễ hiểu khi 3 năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế - xã hội Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, còn năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, nhằm đạt mức cao nhất các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên cả mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, cùng với phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2023, đã dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024.

Cụ thể, với kịch bản 1, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP 6%. Con số này được đưa ra dựa trên giả định rằng, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 vẫn ở mức khiêm tốn; khả năng phục hồi của thương mại và đầu tư toàn cầu còn nhiều thách thức.

Trong khi đó, ở trong nước, các động lực tăng trưởng dự kiến phục hồi không đồng đều. Dịch vụ và thị trường trong nước có thể tăng trưởng khá, nhưng xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo chưa thể có chuyển biến mạnh, do phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Khi kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, bất lợi, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi, thì mục tiêu tăng trưởng 6% là hợp lý.

Trong khi đó, với kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng dự kiến là 6,5%. Tuy nhiên, đi kèm với đó là dự báo bối cảnh thế giới, khu vực có thể phục hồi nhanh hơn dự báo của các tổ chức quốc tế; nhu cầu của các thị trường đối tác lớn phục hồi; thương mại và đầu tư toàn cầu có thể tăng trưởng khá.

Còn trong nước, khu vực dịch vụ và thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng tích cực; sản xuất - kinh doanh phục hồi, xuất khẩu, đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá…

Còn kịch bản 3, dựa trên dự báo rằng, bối cảnh tình hình thế giới, trong nước biến động nhanh, khó lường, rất khó dự báo, mục tiêu dự kiến là tăng trưởng 6 - 6,5%.

Đưa ra 3 kịch bản khác nhau, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xem xét, cho ý kiến và lựa chọn kịch bản 3. Kịch bản này được cho là sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng các cân đối kinh tế phù hợp, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025.

Kỳ vọng sự phục hồi

Dù những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế đang ngày càng lớn dần, song thực tế, khó khăn, thách thức ở phía trước vẫn còn rất lớn. Đó là một trong những lý do khiến các tổ chức, các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước còn khá dè dặt khi dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, cũng như năm tới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi trung tuần tháng 7/2023 đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8% và năm 2024 từ 6,8% xuống còn 6,2%. Ít ngày nữa, vào cuối tháng 9 này, ADB sẽ công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Có thể, ADB sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh, nhưng nhìn vào các diễn biến kinh tế gần đây, cũng chưa thể kỳ vọng những dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi đầu tháng 8/2023 dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm sau, sau đó sẽ phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Tuy có chững lại, nhưng cầu trong nước được WB cho rằng, vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024.

“Chính sách tài khóa, các khoản hỗ trợ tổng cầu thông qua thúc đẩy đầu tư công hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Còn TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, khi chuẩn bị tài liệu gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, dự kiến tổ chức trong tuần tới, dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025.

Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thì mức tăng trưởng có thể cao hơn.

Các động lực tăng trưởng mới được ông nhắc tới là từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số; từ nâng cao năng suất lao động và năng suất tổng hợp TFP; từ khu vực kinh tế tư nhân; từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển kinh tế xanh…

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập một loạt yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo tích cực hơn. Chẳng hạn, các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 có độ trễ, sẽ tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực đầu tư (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề nội tại được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Việc một số công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, tác động lan tỏa lớn đưa vào khai thác cũng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Chưa kể, việc các quy hoạch được ban hành, triển khai hiệu quả cũng sẽ góp phần quan trọng mở ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh ấy, có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế trong năm 2024 - năm tăng tốc để thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

(theo Báo Đầu tư)