Phát biểu tại chuỗi sự kiện Hội nghị thương mại gạo quốc tế lần thứ 10 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, gạo xuất khẩu (XK) Việt Nam vẫn luôn ở vị trí thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu gạo, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới mỗi năm.
Nỗ lực giữ vị trí
Cùng với các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh... gạo Việt đã bước đầu thâm nhập được vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, EU... Hiện gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ với đa dạng sản phẩm như: gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo hữu cơ... Trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam năm 2017, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, chiếm 39,5% tổng lượng xuất khẩu, với sản lượng 2,29 triệu tấn, tiếp đến là Philippines, Malaysia, Ghana, Cuba, Bangladesh, Bờ Biển Ngà, Iraq, Singapore...
Gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn luôn ở vị trí thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu gạo và chiếm khoảng 15% tổng lượng toàn cầu mỗi năm. |
Những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với các biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Cơ cấu gạo XK cũng có sự chuyển dịch tích cực khi tỷ trọng gạo trắng chất lượng thấp giảm mạnh. Các loại gạo trắng chất lượng trung bình và cao và gạo thơm tăng dần. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ gạo trắng chất lượng cao đã chiếm 22,73%; gạo trắng chất lượng trung bình 19,73%; gạo thơm 33,24%... và gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn 2,07%.
Ở mặt ngược lại, ông Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn thừa nhận, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Cùng với đó, những rào cản đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là những rào cản phi thuế quan, tác động không nhỏ đến hoạt động XK gạo.
Thách thức lớn nhất là các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống không ổn định. Một số quốc gia hiện đang cố gắng tự sản xuất đảm bảo nhu cầu trong nước, thậm chí XK. Pakistan, Campuchia trước còn nhập gạo, nay đã tham gia vào thị trường XK và chiếm một thị phần khá cao so với Việt Nam. Năm 2017, Campuchia đã xuất khẩu sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, riêng 26 nước EU là 276.805 tấn, trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu sang thị trường này được 3.720 tấn.
Bên cạnh đó, hiện tiêu chuẩn nhập khẩu gạo của một số nước rất cao. Ở Nhật Bản có khoảng 600 tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật, châu Âu và Mỹ cũng khoảng vài trăm. Trung Quốc, thị trường lớn nhất cho hạt gạo Việt Nam cũng đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, khiến doanh nghiệp (DN) XK gạo nước ta phải cạnh tranh khốc liệt hơn.
Hướng tới sản xuất gạo sạch
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, để tạo thương hiệu cho một nông sản, các quốc gia trên thế giới thường cần khoảng 10 năm. Việt Nam XK gạo hơn 20 năm, nhưng vẫn chưa có một thương hiệu.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để đảm bảo mục tiêu giữ vị trí XK gạo hàng đầu hiện nay, Chính phủ cần tiếp tục rà soát và giữ ổn định quy hoạch với diện tích tối thiểu 3 triệu ha đất trồng lúa như công bố; Hỗ trợ nhiều hơn cho đổi mới cơ cấu gạo xuất khẩu bằng các giống chất lượng cao và giá trị lớn, giảm dần gạo giá rẻ; Xây dựng quỹ gen gạo quốc gia cả truyền thống và mới; Chuẩn hóa các quy chuẩn kỹ thuật đầu vào, canh tác và chất lượng đầu ra theo nhu cầu thị trường những nước khó tính nhất...
9 tháng 2018, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo trung bình đạt 502,8 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu gạo đạt 2,46 tỷ USD, bằng con số của cả năm 2017, tăng 8,5% về khối lượng và 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. (theo Tổng cục Thống kê) |
“Tăng hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo Việt ở nước ngoài và ký các văn bản pháp lý cần thiết để thuận lợi hóa xuất khẩu gạo. Tăng vai trò Hiệp hội gạo, không cạnh tranh trực tiếp, phá giá và làm tổn thương với nhau gây tổn hại chung” – TS. Minh Phong nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình hình XK gạo được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi khi Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP về XK gạo (có hiệu lực từ 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Nghị định 107 sẽ gỡ vướng và tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN ngành gạo phát triển theo hướng bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; cho phép một số thương nhân không cần phải có giấy phép kinh doanh XK gạo vẫn có thể XK khi họ tập trung các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất…
Theo đánh giá của nhiều DN, với sự thay đổi trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính sẽ tạo cho DN sự hứng khởi khi tham gia vào thị trường XK gạo chất lượng cao. Cánh cửa XK rộng mở, DN sẽ yên tâm và có sự đầu tư hơn cho vùng nguyên liệu của mình. Ngay cả người nông dân sản xuất lúa gạo cũng sẽ phải thay đổi nhận thức, tư duy trong trồng lúa theo hướng gắn bó hơn với DN, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn… để cung ứng cho DN XK gạo.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, khi DN liên kết với hộ gia đình hình thành phương thức canh tác công nghiệp hiện đại và cơ giới hóa, sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ cao, cập nhật, lúc đó, việc xây dựng chuẩn chất lượng các sản phẩm sẽ thành hiện thực và thương hiệu hạt gạo Việt sẽ được nâng tầm.