Nhỏ Bình thường Lớn

Balkan đóng cửa và nguy cơ xuất hiện nhiều tuyến đường di cư mới

Việc đóng cửa “tuyến đường Balkan” đã khiến những nước như Bulgaria hay Italy rơi vào tình trạng “chết dở” trước nguy cơ dòng người di cư mới. 
balkan dong cua va nguy co xuat hien nhieu tuyen duong di cu moi

Hàng triệu người di cư đang tìm kiếm con đường khác để vào châu Âu. (Nguồn: Getty)

Nguy cơ hiện hữu

Để đối phó với mối đe dọa mới này, lực lượng an ninh Bulgaria đã tổ chức các cuộc diễn tập với sự tham gia của máy bay trực thăng và xe bọc thép tại biên giới với Hy Lạp. Đây cũng là một cách thể hiện sự cứng rắn của Thủ tướng Boiko Borissov nhằm răn đe những người di cư đang tìm một con đường khác vào Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu sau các cuộc diễn tập này, ông Borissov tuyên bố: “Hơn 400 người, từ quân đội, cảnh sát và lực lượng hiến binh sẽ chốt tại đây lâu dài. 500 binh sĩ có thể được huy động chỉ trong một vài giờ đồng hồ”.

Hành động cương quyết này của Bularia phản ánh một thực tế đang hiện diện là tuyến đường di cư vào châu Âu qua các nước Balkan hiện đã bị đóng lại và các quốc gia khác lo ngại rằng các nước này có thể trở thành tuyến đường mới cho người di cư, với sự tiếp tay của những kẻ buôn người.

Đặc biệt, “điểm nóng” hiện nay là khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia - nước láng giềng của Bulgaria, nơi hàng nghìn người di cư đã mắc kẹt ở đây trong nhiều tuần qua.

Cùng với Bulgaria, các nước khác bao gồm cả Italy đang hết sức lo ngại về nguy cơ dòng người di cư mới từ Libya - một quốc gia đang chìm trong bất ổn và thiếu vắng luật pháp, cũng như những người di cư vượt biển Adriatic từ Albania - quốc gia giáp với Hy Lạp.

Trong khi đó, thỏa thuận vẫn còn nhiều tranh cãi giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ - mới được thảo luận tại một hội nghị tại Brussels hôm 7/3 và dự kiến được hoàn tất vào khoảng 17-18/3 tới về việc Ankara sẽ tiếp nhận lại tất cả những người di cư bất hợp pháp đến các hòn đảo của Hy Lạp - cũng không đủ trấn an các lo ngại này.

Thậm chí, Giám đốc viện các nghiên cứu khu vực và quốc tế tại Sofia (Bulgaria) Ognyan Minchev còn nhận định: “Thỏa thuận đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ gây ra cho Châu Âu nhiều vấn đề thay vì là mang lại một giải pháp”.

Vội lo “làm chuồng”

Bulgaria có 470 km đường biên giới với Hy Lạp và 2/3 diện tích nước này là địa hình đồi núi hiểm trở. Trong khi đó, với độ dài khoảng 260km, biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ được các chuyên gia dự đoán có thể sẽ chịu nhiều áp lực trong những tháng tới.

Sofia hiện đã triển khai gần 2.000 cảnh sát biên phòng và chó nghiệp vụ tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, nước này còn tiến hành kéo dài hàng rào dây thép gai (hiện dài 30 km) thêm 130 km nữa.

Tháng trước, Quốc hội Bulgaria cũng đã nhất trí trao quyền nhiều hơn cho quân đội để hỗ trợ việc kiểm soát khu vực biên giới nước này thay vì chỉ có quyền hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hậu cần như trước đây.

Tương tự, Italy cũng đang có những bước chuẩn bị và nhằm ngăn chặn những người di cư tìm cách vượt biển để trực tiếp tới các nước EU từ Hy Lạp hay Albania. Tuy Albania không phải là thành viên EU nhưng có đường biên giới dài 280 km với Hy Lạp. Tuyến đường biển lâu đời giữa Albania và Puglia nằm ở “gót giày của Italy” với vô số bãi biển lý tưởng cho việc neo đậu tàu thuyền, đã bị những kẻ buôn ma túy lợi dụng từ lâu. Hàng chục nghìn người di cư Albania đã bắt đầu các cuộc tha hương của mình từ những năm 1990-2000.

Theo Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni, không thể phớt lờ nguy cơ hình thành tuyến đường di cư mới giữa Albania và Italy. Đồng thời, ông Paolo Gentiloni tin rằng việc hợp tác với Tirana sẽ giúp hai nước giải quyết vấn đề này.

Đồng quan điểm trên, Công tố viên Cataldo Motta ở thành phố Lecce (Italy) nhận định rằng: “Hiện chưa có dấu hiệu cụ thể về các tuyến đường mới để đưa người di cư đến Puglia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải duy trì cảnh giác cao độ đối với các diễn biến mới trong khu vực nảy sinh từ việc đóng cửa biên giới phía Bắc Hy Lạp”.

Theo ông Gerald Tatzgern, người đứng đầu cơ quan chống buôn lậu của Áo, các nhóm tội phạm đã “tăng cường hoạt động” kể từ khi các biện pháp kiểm soát biên giới tại các nước Balkan được thắt chặt hồi tháng 2/2016.

Phát biểu trên đài phát thanh Áo, ông Tatzgern nhấn mạnh: “Điều đó đã bắt đầu xảy ra tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Bọn buôn người trái phép không chỉ đưa người di cư đến Hy Lạp mà còn trực tiếp (từ Thổ Nhĩ Kỳ) đến Bulgaria và có thể sẽ được đưa tới Romania”.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã tới được Bulgaria, những người di cư này khó có thể nhận được sự đón chào nồng hậu ở các quốc gia mà họ đặt chân tới. Tổ chức Ân xá Quốc tế gần đây đã nhiều lần lên án việc người di cư bị đối xử tàn nhẫn. Điển hình như trường hợp hồi tháng 10/2015, một người di cư Afghanistan đã thiệt mạng do trúng một viên đạn lạc của lực lượng biên phòng được cho là bắn cảnh cáo.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Khu vực tại Sofia Ognyan Minchev, Bulgaria đang phải chịu tai tiếng là một “điểm đến bất đắc dĩ”, trong khi đó trên thực tế, việc đi đến các quốc gia khác như Romania hay Hungary dễ dàng hơn nhiều.

Huyền Trâm (theo AFP)

Tin cũ hơn