Những "robot ruồi bay" này được phát triển tại phòng thí nghiệm Microrobotics (Đại học Harvard, Mỹ), nơi các nhà nghiên cứu dựa vào thiên nhiên để tìm cảm hứng thiết kế. Trong nhiều năm qua, họ đã nghiên cứu thiết kế những máy bay không người lái có kích cỡ bằng con ruồi, có thể "đu bám" vào bất kỳ bề mặt nào.
Robot đang chuẩn bị bám vào một chiếc lá cây. (Nguồn: NPR) |
Những chiếc máy bay không người lái bé xíu này được trang bị máy ảnh và có khả năng liên kết với nhau để hình thành một mạng lưới thông tin liên lạc. Kích thước nhỏ giúp chúng có thể len lỏi tới những nơi con người không tới được, chụp ảnh và gửi về trung tâm điều khiển.
Các robot này tiêu thụ rất nhiều năng lượng để có thể bay lơ lửng được trong không khí. Hiện tại chúng được gắn với dây điện gắn liền với bộ điều khiển ở dưới mặt đất.
Để làm cho các robot hoạt động hiệu quả hơn, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách cho chúng đậu được trên một bề mặt bất kỳ, nhằm tiết kiệm năng lượng hơn so với việc chúng phải bay liên tục, do đó có thể kéo dài đáng kể thời gian hoạt động.
Để có thể bám dính như ruồi lên mọi bề mặt, robot này sử dụng năng lượng tĩnh điện. Mỗi robot được gắn một điện cực bằng đồng rất nhỏ. Khi các điện cực được sạc đầy, nó tạo ra một luồng tĩnh điện làm robot có thể dính chặt với bề mặt mà nó muốn bám. Khi tắt điện cực, robot sẽ rời bề mặt đang bám để bay trở lại không trung.