📞

Bạn bè Facebook trong mắt triết gia và quan tòa Pháp

06:00 | 15/01/2017
Thống kê cho thấy số người sử dụng mạng xã hội đã lên tới hơn 1 tỷ người. Con số này khiến người ta đặt câu hỏi về bản chất của “tình bạn” trên mạng xã hội.

Với sự ra đời của các trang mạng (website) vào những năm 1990, con người đã chuyển sang một thời kì mới mà đặc trưng của nó là “chủ nghĩa cá nhân trên mạng”. Điều đó cũng có nghĩa giờ đây những mối quan hệ xã hội kiểu truyền thống, bền vững đang được bổ sung bằng các mối quan hê ảo, yếu hơn nhưng lại nhiều và khó có thể thiếu được.

Thực hay ảo tốt hơn?

Trên Facebook, bạn có hàng trăm bạn bè. Nhưng liệu cả trăm người đó có thực là bạn bè của bạn? Khi câu hỏi này được đặt ra cho nhà triết học Pháp André Compte-Sponville, người đã từng viết rất nhiều sách về tình bạn, tình yêu, ông nói: “Lũ trẻ nhà tôi lén tạo cho tôi một tài khoản Facebook, khi tôi vào xem thì thấy chỉ sau vài giờ tôi nhận được tin nhắn của những người chẳng quen biết, hỏi tôi có muốn làm bạn của họ không. Tôi cảm thấy đó là một sự xâm phạm không thể chịu nổi, một sự đối ngược của tình bạn, vì thế tôi xóa ngay tài khoản của mình”. Theo triết gia nổi tiếng này, những mối quan hệ trên mạng xã hội chỉ mang tính chất hời hợt, bởi vì “một tình bạn đích thực không thể mở rộng tới quá nhiều người”. Quan điểm truyền thống của ông làm ta nhớ tới câu nói  của Aristote “Người là bạn của tất cả mọi người thì không phải là bạn của ta”.

Tuy nhiên, một triết học gia khác của Pháp, bà Anne Dalsuet, tác giả của “T'es sur Facebook? Qu'est-ce que les réseaux sociaux changent à l'amitié?” (Flammarion, 2013), (tạm dịch: Bạn có dùng Facebook? Các mối quan hệ xã hội đã thay đổi điều gì trong tình bạn?) lại cho rằng tình bạn không nhất thiết phải hiếm hoi. Bà cũng không cho là phải đặt các mối quan hệ ảo ở thế đối đầu với các mối quan hệ thực. Theo bà, không nhất thiết phải cứng nhắc giữ quan điểm của quá khứ, vì ngày nay các mối quan hệ không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp.

Trên trang Facebook Stories, chúng ta có thể đọc được hàng chục câu chuyện ý nghĩa và cảm động về việc tình bạn được sinh ra như thế nào giữa những con người gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng tình bạn trong thế giới thật. Daniel Miller, một người ủng hộ Facebook đã viết quyển “Tales from Facebook” (Polity Press, 2011) (Tạm dịch: Chuyện từ Facebook) kể về việc sử dụng Facebook để liên kết các bạn trẻ sống trên đảo Trinité, gần Venezuela, giúp họ hỗ trợ lẫn nhau trong việc học tập, làm nảy nở tình bạn thực sự. Theo Daniel Miller, mạng xã hội đã vượt qua tầm kiểm soát của những người tạo ra nó, và giờ đây đã thuộc về cả cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những mặt tiêu cực của Facebook, khi càng ngày con người càng bị “nghiện” hư danh trên mạng xã hội và tìm cách có thật nhiều người theo dõi (follower) như một cách khẳng định bản thân.

Không nên tự hài lòng

Quay trở lại khái niệm “bạn” trên mạng xã hội. Từ “bạn” (friend) được sử dụng từ đầu những năm 2000 trên Friendster và Myspace... chỉ mối quan hệ giữa hai người. Từ này đã được?Facebook sử dụng lại, với nghĩa ẩn dụ, theo logic kích thích thương mại (khuyến khích người dùng tin tưởng nhau, và chia sẻ nội dung dễ dàng hơn). Nhưng sau đó, cộng đồng người dùng đã thay đổi cách hiểu khái niệm này cho phù hợp với tiêu chí văn hóa của bản thân.

Thật thú vị khi biết rằng khái niệm “bạn” trên mạng xã hội đã đi vào lĩnh vực luật pháp. Ngày 5/1 vừa qua, trong vụ kiện liên quan đến việc một luật sư Pháp cho rằng vì quan tòa xét xử là “bạn” trên Facebook của luật sư phe kia, nên đã xét xử không công bằng. Tòa án tối cao của Pháp đã khẳng định “từ “bạn” được sử dụng để chỉ những người chấp nhận liên lạc với nhau bằng mạng xã hội không có nghĩa là quan hệ tình bạn theo nghĩa truyền thống”. Như vậy, theo tòa án Pháp, một người bạn trên mạng xã hội có thể là một người bạn thật sự, nhưng không phải tất cả bạn trên mạng xã hội đều như vậy. Về mặt luật pháp, việc một người là bạn của một người khác trên Facebook không là yếu tố đủ để kết luận có tồn tại mối quan hệ gần gũi giữa hai người này. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phòng chống khủng bố, điều này không hoàn toàn đúng. Nên nhớ là tòa án có xem xét việc kết bạn trên mạng xã hội với những cá nhân nằm trong danh sách bị theo dõi như một yếu tố quan trọng trong phán quyết.

Như tòa tối cao Pháp đã tuyên bố “một người bạn trên Facebook không nhất thiết phải là một người bạn”, đừng để quan hệ bạn bè chỉ dừng lại ở mức mạng xã hội. 

Trong lĩnh vực phòng chống khủng bố, nên nhớ là tòa án có xem xét việc kết bạn trên mạng xã hội với những cá nhân nằm trong danh sách bị theo dõi như một yếu tố quan trọng trong phán quyết.