📞

Ban hành sắc lệnh hành pháp mới, Trump muốn “vừa đấm vừa xoa”?

17:46 | 07/03/2017
Sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump liệu có đủ sức thuyết phục người dân Mỹ?

Ngày 6/3, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “lặng lẽ” ký một sắc lệnh nhập cư mới, được coi là phiên bản thu gọn của sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi mà ông đã ký cách đây hơn một tháng.

Theo sắc lệnh sửa đổi này, Iraq sẽ được loại ra khỏi danh sách 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi là đối tượng hạn chế nhập cảnh trong sắc lệnh cũ. Ngoài ra, công dân 6 nước còn lại (gồm Iran, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen) nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu Thẻ xanh) và những người hiện đang có thị thực hợp lệ không bị ảnh hưởng theo sắc lệnh mới này.

Sắc lệnh mới này dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 16/3 tới. Ông Trump và các cố vấn nhấn mạnh bất cứ sự trì hoãn nào trong việc thực thi sắc lệnh mới này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, tạo điều kiện cho những thế lực xấu làm tổn hại đất nước. 

Tổng thống Donald Trump ký hai sắc lệnh tăng cường an ninh biên giới và trấn áp người nhập cư ngày 25/1. (Nguồn: Washington Times)

Động thái của ông Trump được cho là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ từ cộng đồng và đối phó những thách thức từ giới tư pháp mà ông đã vấp phải sau khi đưa ra sắc lệnh trước đó.

Mặc dù được cho là không có gì mới so với phiên bản đầu tiên của sắc lệnh hạn chế nhập cư, song phiên bản sửa đổi lần này có thể làm giảm bớt một vài trong số những khía cạnh nhạy cảm nhất với mong muốn có thể khắc phục được những trở ngại về pháp lý chắc chắn sẽ xảy đến với ông Trump. 

Nhận định về động thái mới này của ông Trump, các chuyên gia tư pháp cho rằng sắc lệnh sửa đổi chủ yếu nhằm xoa dịu những mối lo ngại về việc vi phạm hiến pháp mà tòa án liên bang nói trên đưa ra, song lại mở ra các thách thức pháp lý mới. Stephen Vladeck, Giảng viên trường Đại học Luật Texas Stephan nhận xét: “Rõ ràng là với các quyền đã được thiết lập trong hiến pháp thì sắc lệnh này không được áp dụng đối với những nhóm người nhập cư”. 

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng sắc lệnh mới này có vẻ đã giúp ông Trump làm chệch hướng chú ý khỏi các bê bối đang xảy ra xung quanh mối quan hệ với Nga. Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã phải rút khỏi cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử nói trên, sau khi có thông tin cho rằng ông đã hai lần gặp gỡ Đại sứ Nga tại Washington trong giai đoạn tranh cử.                     

Phản ứng với sắc lệnh mới này, Iraq, quốc gia được loại ra khỏi danh sách ảnh hưởng, đã lập tức bày tỏ sự hoan nghênh. Bộ Ngoại giao Iraq ngày 6/3 đã bày tỏ “sự hài lòng sâu sắc” với sắc lệnh mới, và gọi đây là một “bước đi quan trọng trong việc củng cố quan hệ giữa Bagdad và Washington”. Hiện quân đội Iraq và Mỹ vẫn đang sát cánh bên nhau tại chiến trường phía Bắc Iraq trong nỗ lực giành lại thành phố Mosul từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). 

Người biểu tình phản đối chính sách nhập cư lần thứ nhất của ông Trump. (Nguồn: BBC)

Tuy nhiên, sắc lệnh sửa đổi mới dường như vẫn chưa thể làm sáng tỏ chính sách nhập cư của Mỹ. Ngày 6/3, Nigeria đã khuyến cáo công dân cẩn trọng khi du lịch tới Mỹ, do sự thiếu minh bạch trong những quy tắc nhập cư mới của nước này.

Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nigeria Abike Dabiri-Erewa cho biết: “Vài tuần trước, văn phòng Tổng thống đã ghi nhận một số trường hợp công dân Nigeria có thị thực nhập cảnh nhiều lần vào Mỹ hợp lệ song lại bị từ chối và trả về nước”. Theo một báo cáo do công ty thu thập dữ liệu du lịch Forwardkeys công bố hôm 6/3, số lượng khách du lịch Trung Đông sang Mỹ đã sụt giảm rõ rệt, với số lượng đăng ký trong ba tháng tới đã giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, sắc lệnh nhập cư ban đầu được ban hành từ cuối tháng 1 vừa qua đã làm dấy lên phản ứng giận dữ trong giới tư pháp, chính giới, và làm nổ ra các cuộc biểu tình tại nhiều nơi. Các cuộc thăm dò cho thấy dư luận Mỹ rất chia rẽ trong vấn đề này.

Sắc lệnh này sau đó chưa thể có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle, bang Washington ra phán quyết ngăn chặn với lý do trái với Hiến pháp Mỹ. Đầu tháng 2/2017, Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của thẩm phán Robart. Đến ngày 27/2, Toà Phúc thẩm liên bang tại San Francisco đã bác bỏ đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ về tạm ngừng việc dừng thi hành sắc lệnh này. 

Vị Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích phán quyết của tòa án là “một quyết định tồi, ảnh hưởng xấu đến an ninh và àn toàn của đất nước”. Tuy nhiên, với sắc lệnh sửa đổi này, ông đã từ bỏ lời thề sẽ thách thức phán quyết nói trên, và dù kết quả của vụ kiện tụng này có thế nào, thì quyết định sửa đổi sắc lệnh của ông Trump có vẻ sẽ khiến dư luận thêm chia rẽ, đồng thời sẽ ghi thêm điểm trong lòng những người ủng hộ ông. 

(theo AP, AFP)