Mỗi khi Tết đến Xuân về thường là dịp để nhìn lại năm cũ đã qua, đón mùa Xuân mới với những dự định, kỳ vọng mới. Vậy điều ấn tượng nhất của đối ngoại Việt Nam trong năm qua là gì, thưa Phó Thủ tướng?
Đúng vậy, Năm mới đến là lúc chúng ta cùng nhìn lại những việc đã làm trong năm qua và suy nghĩ về dự định cho Năm mới. Với ngành Ngoại giao, năm 2018 là năm bản lề - năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động hết sức nhanh chóng, với nhiều nhân tố bất ngờ và bất định, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và trong khu vực ngày càng gay gắt, quan hệ giữa nhiều nước gặp khó khăn, thậm chí có lúc rơi vào khủng hoảng. Đi liền với đó là những rung lắc, đảo lộn, va đập giữa chủ nghĩa bảo hộ với toàn cầu hóa, giữa chính trị cường quyền với thượng tôn luật pháp, giữa hành động đơn phương với chủ nghĩa đa phương…
Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Giữa muôn vàn thách thức như thế, chúng ta vẫn tìm, tạo ra được cơ hội, góp phần “biến nguy thành an” để phục vụ cho lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2018 tiếp tục được triển khai bài bản, căn cơ, thể hiện bản lĩnh ngoại giao với tầm nhìn chiến lược.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Năm mới 2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng/TGVN) |
Với phương châm chủ động, sáng tạo trong cách làm và hiệu quả trong hành động, công tác đối ngoại đã vươn mình khẳng định thêm nhiều dấu ấn mới, góp phần nâng cao thế và lực của đất nước.
Để khái quát, tôi muốn trích đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 30, trong đó khẳng định, hoạt động đối ngoại là một điểm sáng trong toàn bộ thành công chung của đất nước.
Để trở thành “một điểm sáng” như vậy, chắc hẳn Phó Thủ tướng trước tiên nghĩ đến đóng góp của mặt trận đối ngoại đa phương?
Tiếp đà thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, bước sang năm 2018, đối ngoại đa phương vẫn tiếp tục gặt hái nhiều kết quả nổi trội. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10...
Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của Diễn đàn này.
Các sự kiện đa phương tầm vóc nói trên đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước ta đã tăng đáng kể, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh các đề xuất và đóng góp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế từ ASEAN đến ASEM, APEC, Liên hợp quốc (LHQ)...luôn được ủng hộ và đánh giá cao, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng. Tháng 5/2018, Nhóm nước châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Tháng 12/2018, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL), tạo điều kiện cho chúng ta tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu theo hướng phù hợp với lợi ích của đất nước.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây không phải lần đầu tiên. Năm 2010, Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN. Nhưng, người Việt hay lo xa, luôn chuẩn bị trước, nên ngay từ cuối tháng 12/2018, chúng ta đã thành lập Ủy ban quốc gia về ASEAN 2020 để chuẩn bị đảm nhận tốt nhất vai trò này. Đây là kinh nghiệm đúc kết được khi chúng ta dành tới 2-3 năm để chuẩn bị tốt cho Năm APEC 2017.
Việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cũng thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, là quyết định ở tầm khác hẳn trước đây, khi Việt Nam chỉ tham gia các hội nghị hay diễn đàn quốc tế. Chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từng bước, từng bước, từ con số 1, 2 người cho đến nay đã có 29 cán bộ tham gia. Trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 với 63 quân nhân đến Nam Sudan, trong đó có 10 nữ. Đây thực sự là một hình ảnh đẹp, được LHQ đánh giá rất cao.
Bên cạnh đóng góp vào sứ mệnh gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế, Việt Nam cũng tích cực tham gia các cuộc diễn tập chung, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… cả ở kênh song phương và trong khuôn khổ ASEAN, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị.
Đặc biệt, ngày 8/8/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây thực sự là bước phát triển mới về chất với việc lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương. Đó là một cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại và thể chế hóa chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, theo đó, chúng ta phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” trong các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Vậy trên phương diện song phương, chúng ta đã triển khai đường lối đối ngoại của Đại Hội XII như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Như tôi đã nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, sáng tạo, chúng ta không những củng cố mà còn mở rộng thêm được khuôn khổ quan hệ với các đối tác chủ chốt.Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước lớn tiếp tục đi vào chiều sâu; tin cậy chính trị và hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được tăng cường.
Năm qua, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 28 chuyến thăm nước ngoài và dự các hội nghị quốc tế lớn, đón 33 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm và dự các hoạt động quan trọng tại Việt Nam và hàng trăm cuộc tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị đa phương quan trọng.
Giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn. |
Trên thực tế, năm nào cũng có các hoạt động của Lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài nhưng trong năm 2018, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có những chuyến thăm đến các nước quan trọng. Đặc biệt, việc các nước mong muốn được đón tiếp Lãnh đạo Việt Nam đã nói lên vai trò, vị thế của đất nước ta, khẳng định những hoạt động này là hiệu quả và hết sức cần thiết, thực sự tạo xung lực mới trong quan hệ với các đối tác trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ thiết thực lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.
Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược - đây là Đối tác chiến lược thứ 11 của chúng ta trong các nước G20. Chúng ta cũng thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Hungary, một đối tác quan trọng tại khu vực Trung - Đông Âu trong lĩnh vực viện trợ phát triển.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2018 vẫn tiếp tục phát triển. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay, với kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong quan hệ hai nước cũng có những vấn đề còn tồn tại, trong đó có vấn đề trên biển.
Về chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế để “cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong năm qua được triển khai như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
Hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, đã có những đóng góp rất ấn tượng vào bức tranh sáng màu chung của Đối ngoại Việt Nam, thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo.
Giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn.
Giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy luôn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại. |
Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia, cũng như đang thảo luận, ký kết 16 FTA song phương và đa phương. Cùng 10 quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, qua đó khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực.
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao 30 là lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới, ngoại giao kinh tế đã góp phần xứng đáng vào thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.
Năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đạt con số kỷ lục 475 tỷ USD trong đó xuất siêu đạt 7,7 tỷ USD, góp phần đưa tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Để đạt được những kết quả ấn tượng như thế, phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Ngoại giao với quốc phòng, an ninh…Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về sự phối hợp này?
Đúng vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với quốc phòng, an ninh, với các Bộ/ban ngành cũng như các địa phương, ngành Ngoại giao khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Đối ngoại trong năm qua đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng - an ninh hình thành thế chân kiềng vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy luôn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại. Đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia tiếp tục được quản lý tốt, thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Việt Nam và Campuchia đang phấn đấu pháp lý hóa 84% thành quả phân giới cắm mốc mà đến nay hai bên đã đạt được.
Trên Biển Đông, chúng ta cũng tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vòng đàm phán thực chất chính thức đầu tiên về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được tổ chức tại Nha Trang (3/2018) tạo cơ sở ban đầu để hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc.
Biển Đông vẫn là vấn đề quan tâm hết sức lớn, không chỉ của chúng ta, mà còn của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì tình hình Biển Đông, dù bất kỳ vấn đề gì xảy ra sẽ tác động tới môi trường hòa bình - an ninh, tự do hàng hải, thương mại và giao lưu trong khu vực.
Trung ương Đảng cũng đã ban hành Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Đây cũng chính là khát vọng của nhân dân Việt Nam.
Để đạt được những thành tựu đối ngoại ấn tượng như thế, chắc hẳn yếu tố con người, công tác cán bộ phải được đặc biệt chú trọng, thưa Phó Thủ tướng?
Đúng vậy, tại Hội nghị Ngoại giao 30, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì thế, công tác xây dựng Ngành, sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, hay nói ngắn gọn là yếu tố con người luôn được đặc biệt chú trọng.
Thế hệ ngoại giao chúng ta hôm nay được thừa hưởng những truyền thống, kinh nghiệm vô cùng quý báu mà các thế hệ trước để lại; được tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo và công tác, trong thời gian tới, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ đối ngoại vẫn tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế tiếp được truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hoà hiếu của dân tộc Việt Nam.
Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp. Một nhà ngoại giao giỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, luôn lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc làm kim chỉ nam trong hành động. Đây cũng là những điều mà tôi muốn nhắn nhủ với tất cả cán bộ làm công tác đối ngoại của chúng ta hiện nay.
Đối ngoại Việt Nam năm 2018 là một bức tranh đẹp, với nhiều gam màu sáng, vậy Phó Thủ tướng kỳ vọng gì cho đối ngoại Việt Nam trong năm 2019?
Với những thành tựu quan trọng của năm 2018, với quyết tâm lớn, toàn ngành đối ngoại đang bước vào năm 2019 với tinh thần sáng tạo, đột phá, vượt lên chính mình, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Ngoại giao 30 (tháng 8/2018).
Nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại Việt Nam năm 2019 là: Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn; Triển khai tốt Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là hoàn tất công tác chuẩn bị mọi mặt để hướng tới đảm nhận các trọng trách tại các diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN và LHQ; Giữ cho được đà hội nhập quốc tế, nhất là việc triển khai hiệu quả CPTPP và các hiệp định thương mại thế hệ mới khác; Bước vào giai đoạn liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, toàn ngành phấn đấu xây dựng nền Ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, xứng tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trí tuệ và bản lĩnh của Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định, gặt hái thêm nhiều thành tựu lớn hơn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Xin trân trọng cám ơn Phó Thủ tướng!