📞

Bangladesh: Đụng độ bạo lực khiến gần 100 người tử vong, chính phủ tung lệnh giới nghiêm vô thời hạn, sinh viên biểu tình tiếp tục thách thức

Bảo Minh 15:58 | 05/08/2024
Các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra ở Bangladesh ngày 4/8 khiến gần 100 người tử vong có nguy cơ tiếp diễn khi ngày 5/8, sinh viên biểu tình kêu gọi tuần hành tới thủ đô Dhaka bất chấp lệnh giới nghiêm.
Một cửa hàng may mặc bốc cháy ở thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 4/8. (Nguồn: AP)

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ một kênh tin tức trực tuyến cho hay, ngày 5/8, xe tăng của quân đội và xe cảnh sát đã có mặt trên đường phố thủ đô Dhaka, trong khi lực lượng an ninh tiến hành tuần tra bộ binh. Gần như không có hoạt động giao thông dân sự, ngoại trừ một số xe máy và xe ba bánh.

Trước đó, hôm 4/8, hãng tin Al Jazeera đưa tin, ít nhất 91 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong làn sóng bạo lực trên khắp đất nước Nam Á có 170 triệu dân này, khi cảnh sát bắn đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng chục nghìn người biểu tình.

Người biểu tình đã chặn các tuyến đường cao tốc chính, thậm chí tấn công phá hoại một bệnh viện đại học y ở thủ đô Dhaka. Bộ trưởng Y tế Bangladesh Samanta Lal Sen lên án hành động này và kêu gọi kiềm chế.

Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình quá khích, trong khi Bộ Nội vụ Bangladesh ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc, bắt đầu từ 18h ngày 4/8 theo giờ địa phương (19h cùng ngày giờ Việt Nam).

Phát biểu sau cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia ngày 4/8, Thủ tướng Sheikh Hasina lên án những người biểu tình gây bất ổn đất nước.

Biểu tình bạo lực nổ ra tại Bangladesh từ tháng 7, do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm nhà nước.

Các cuộc biểu tình đã dừng lại khi Tòa án tối cao Bangladesh bãi bỏ hầu hết các hạn ngạch, theo đó cho phép các sinh viên có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào 93% việc làm nhà nước mà không bị giới hạn bởi chế độ hạn ngạch. Tuy nhiên, sinh viên biểu tình lẻ tẻ trở lại từ tuần trước.

Tình trạng bất ổn khiến chính phủ Bangladesh phải tạm dừng các dịch vụ Internet tốc độ cao, trong khi các nền tảng truyền thông xã hội Facebook và WhatsApp không khả dụng.

Trước tình hình này, cùng ngày 4/8, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực ở Bangladesh, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và những người biểu tình.