Trung Quốc, mặc dù vẫn là nước xuất khẩu dệt may đứng đầu thế giới với kim ngạch trong năm 2017 đạt 158 tỷ USD, nhưng mức thị phần trên thị trường dệt may toàn cầu đã giảm xuống còn 34,9%. Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba với kim ngạch xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, chiếm 5,9% thị trường toàn cầu.
Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt đứng ở vị trí thứ tư và thứ năm. Cũng theo số liệu của WTO, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của 10 nước đứng đầu đạt 457 tỷ USD, chiếm 87,8% thị trường toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Image: Solidarity Center) |
Ông Siddiqur Rahman, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh cho rằng Bangladesh có tương lai sáng sủa trong ngành công nghiệp dệt may nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải làm. Đó là việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông như đường bộ, đường cao tốc, sân bay và cảng biển Chittagong nhằm đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu làm được điều này, Bangladesh sẽ tiếp tục duy trì vị thế cạnh tranh so với Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, cũng như các nước khác.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Bangladesh, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước này trong năm tài chính 2017-18 đạt 30,61 tỷ USD, tăng 8,76% so với năm trước, đồng thời vượt mức 30,16 tỷ USD mà Chính phủ đề ra. Một trong những lý do khiến kim ngạch tăng cao là do trong năm qua tỷ lệ các sản phẩm dệt may có giá trị gia tăng cao đã tăng lên mức 40% trong tổng số các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Bangladesh.
Ngoài ra, việc các nhà máy sản xuất dệt may của Bangladesh đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn lao động của Tổ chức Accord and Alliance cũng khiến cho các đơn hàng chuyển dịch tới Bangladesh nhiều hơn. Các nhà bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới như H&M, Walmart, JC Penney, Zara, Gap, Uniqlo, Hugo Boss, Adidas… đã đặt những đơn hàng sản xuất trị giá hàng tỷ USD tại Bangladesh mỗi năm.