Việc phương Tây tịch thu tài sản Nga có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. (Nguồn: Getty Images) |
Bài báo đăng trên Financial Times nêu rõ: "Việc tịch thu tài sản của Nga sẽ buộc các nước khác không phải phương Tây phải rút nguồn dự trữ của họ khỏi phương Tây nếu… các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng đối với họ”.
Theo ông Sandbu, điều này có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu và cũng có những trở ngại về mặt pháp lý.
Tờ báo Anh cho biết thêm: “Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với các chính trị gia châu lục này về việc đánh thuế các doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) kiếm được lợi nhuận vượt mức từ tài sản của Nga bị phong tỏa”.
Về phía Nga, trên trang Telegram cá nhân ngày 29/10, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cảnh báo, Moscow sẽ tịch thu tài sản EU nếu khối dùng tài sản đang bị đóng băng của nước này tái thiết Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, phát ngôn trên của ông Volodin được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố khối 27 thành viên đang xem xét đề xuất dùng một phần tài sản Nga đang bị đóng băng tại châu Âu giúp Ukraine tái thiết sau xung đột.
Bà von der Leyen cho biết, khối tài sản Nga đang bị phong tỏa tại châu Âu trị giá lên tới 211 tỷ Euro (hơn 223 tỷ USD).
Ông Volodin cảnh báo: "Moscow sẽ có biện pháp khiến EU phải trả giá đắt hơn nếu khối này dùng tài sản Nga tái thiết Ukraine".
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp nhiều gói trừng phạt lên Moscow, trong đó có đóng băng tài sản.
Các đồng minh của Kiev từng nhiều lần muốn dùng tài sản đang bị đóng băng của Nga giúp quốc gia Đông Âu tái thiết, nhưng lo ngại các rào cản pháp lý, thủ tục rườm rà cản trở.