Trong lời phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Huệ khẳng định trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, doanh nghiệp luôn cần đến báo chí để nắm bắt thông tin, tình hình và cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình và ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, có nguồn tin cụ thể và xác thực nhằm đưa thông tin đến bạn đọc một cách nhanh nhất. Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh thêm một khía cạnh khác giữa báo chí doanh nghiệp: 95 % doanh thu của Báo là từ khối doanh nghiệp.
Đại diện cho giới doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc nêu lên những khoảng cách giữa doanh nghiệp và báo chí thời gian qua. Theo ông Lộc, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động chia sẻ thông tin với báo chí còn một số nhà báo lại khen chê các doanh nhân một cách không đúng mức, đôi khi gây tác động động xấu đến hình ảnh của cả hai bên.
Với ông Bùi Nghĩa - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Du lịch và lữ hành quốc tế và tư vấn đầu tư ECCO, thì người làm báo phải có ba chữ “lương” đó là lương thiện, lương tri và lương tâm và người làm báo phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin để tránh những sai lầm không đáng tiếc trong hoạt động nghiệp vụ của mình.
Một diễn giả người nước ngoài, ông Jung Dae Hoon - Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt Hàn, đã chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác báo chí - doanh nghiệp Hàn Quốc. Người Hàn hiện rất coi trọng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với hành động chỉ mua những sản phẩm tốt của những doanh nghiệp tốt, và không sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp có hình ảnh xấu kể cả hàng hóa của họ đạt chất lượng. Ông Hoon lấy ví dụ, một doanh nghiệp xả vải P khá lớn ở Hàn Quốc đã bị tẩy chay sau khi lãnh đạo của họ đối xử thô bạo với nhân viên được đưa lên báo chí. Tóm lại, Báo chí có vai trò giám sát doanh nghiệp nào tốt, doanh nghiệp nào xấu để công bố cho xã hội biết.
Tổng kết các ý kiến tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu: “Để cùng phát triển, báo chí và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình và trên tất cả là tính xác thực của thông tin. Thời gian tới, ngoài việc doanh nghiệp - doanh nhân và báo chí – nhà báo hướng tới tính chuyên nghiệp thì cả hai bên cần có sự chia sẻ và đồng cảm. Để tạo mối quan hệ gắn kết hơn nữa giữa báo chí và doanh nghiệp thì cả hai phía cần cởi mở hơn với nhau, phải tin cậy, nương tựa, tôn trọng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Theo nghĩa đó, ông Lộc kêu gọi Hội Nhà báo và các Hiệp hội doanh nghiệp nên tổ chức những buổi trao đổi như diễn đàn này tại các địa phương.
T.Lâm