TIN LIÊN QUAN | |
Phát triển toàn diện vì người dân là trọng tâm trong hợp tác GMS | |
GMS là trọng điểm phát triển của châu Á |
Là một trong những con sông lớn trên thế giới, lưu vực Mekong trải rộng trên lãnh thổ của 6 quốc gia, bao gồm tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, một phần lãnh thổ Myanmar, 1/3 lãnh thổ Thái Lan, hầu hết lãnh thổ Lào và Campuchia và vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hạ lưu vực sông Mekong bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là nơi sinh sống của hơn 65 triệu dân của trên 100 dân tộc, trong đó phần lớn sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong lưu vực, tỷ lệ đói nghèo rất cao (trên 40% ở Campuchia và Lào).
Cơ chế xóa đói giảm nghèo hiệu quả hàng đầu
Theo dự báo, dân số sinh sống trong lưu vực Mekong sẽ tăng lên tới 77,8 triệu vào năm 2020. Sự gia tăng dân số được dự báo sẽ gia tăng áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước và đất. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm mất cân bằng sinh thái và tạo nên các thách thức trong việc thực hiện các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học trong lưu vực.
Du lịch Homestay phát triển ở bản Pác Ngòi là một trong những dự án phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mekong. (Nguồn: Megatrip) |
Nếu trước đây, hầu hết các nước trong lưu vực đều tập trung vào khai thác triệt để tiềm năng nguồn tài nguyên nước Mekong cho mục tiêu phát triển kinh tế và coi đó là một phần trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, bao gồm phát triển thủy điện, mở rộng diện tích tưới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, khai thác các tuyến giao thông thủy… Nhưng trên thực tế, nơi đây chỉ thật sự thoát nghèo khi các dự án thuộc cơ chế hợp tác GMS đến với người dân.
Đồng bào các dân tộc ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, tỉnh Bắc Kạn trước đây, sống chủ yếu dựa vào rừng, làm nông nghiệp và nguồn hải sản. Kể từ khi làm du lịch xanh Homestay, thôn Pác Ngòi có gần 100 hộ thì 1/3 số hộ làm Homestay. Du lịch thực sự đã trở thành nghề làm giàu một cách hiệu quả, bền vững của đồng bào dân tộc sống trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể.
Dự án phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mekong tại Bắc Kạn trong 5 năm qua với tổng vốn 35 tỷ đồng, trong đó ADB tài trợ hơn 29 tỷ đồng đã kết thúc, nhưng tới giờ nhiều công trình và thiết bị của dự án, như hệ thống đèn năng lượng Mặt Trời vẫn sáng hàng đêm ở thôn Pác Ngòi.
Du lịch chỉ là một trong số 8 lĩnh vực nằm trong chương trình hợp tác GMS, từ giao thông, năng lượng, viễn thông, nhân lực, môi trường, nông nghiệp, cho đến thương mại đầu tư. Cũng như người dân ở thôn Pác Ngòi, sự hợp tác này đã và đang mang đến những điều tốt đẹp hơn, nhất là tại những vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
Thời điểm định hình tương lai
Mới đây, nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao có bài đánh giá về mục tiêu đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai cho khu vực Mekong trên tờ Khmer Times. Ông Takehiko cho rằng, để định hình được tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để các nhà lãnh đạo Tiểu vùng nắm bắt những cơ hội mới, bao gồm việc kết hợp các công nghệ mới vào các lĩnh vực từ giáo dục, nông nghiệp, y tế đến tài chính.
Trong thời gian vừa qua, các nước thuộc Tiểu vùng Mekong đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, dần khẳng định là khu vực năng động, hội nhập và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Những dự án ở nơi đây chính là những câu chuyện có thật và thành công, trong cuộc chiến chống lại nghèo đói. Trong đó, Chương trình hợp tác kinh tế GMS đã góp phần đáng kể cho sự chuyển đổi này, xây dựng nên một nền tảng vững chắc, cùng huy động được trên 21 tỷ USD với hàng trăm dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự ưu tiên đặc biệt cho kết nối cơ sở hạ tầng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 10 lần và thương mại giữa các nước tăng từ 5 tỷ USD lên hơn 414 tỷ USD so với khi mới thành lập vào năm 1992.
Nhưng trên thực tế, Tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt với chính những thách thức có thể tạo nên sự thịnh vượng của khu vực. Làm sao để tiếp tục giảm nghèo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng hiệu suất năng lượng, đảm bảo an ninh lương thực và đô thị hoá bền vững sẽ là những bài toán khó tiếp theo mà Chương trình GMS phải giải được. Mỗi quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức mới, bao gồm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, hiện tượng di cư qua biên giới ngày càng phức tạp và tác động tiềm ẩn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc làm.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều cơ hội chưa từng có đang nổi lên ở khu vực, như xu hướng ứng dụng các công nghệ mới vào các lĩnh vực khác nhau từ giáo dục, nông nghiệp, y tế đến tài chính. Nằm ở ngã ba Nam và Đông Nam Á, các quốc gia GMS còn có thể được hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Nam Á.
Bởi vậy, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để xem xét một thế hệ sáng kiến mới, những điều chỉnh cần thiết để có thể đảm bảo Chương trình GMS tiếp tục phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển của từng thành viên và cả Tiểu vùng trong tương lai. Từ đó, GMS sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác chặt chẽ hơn với các nền tảng hợp tác khu vực và toàn cầu, dẫn tới các cơ hội mới đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Kết thúc bài phân tích, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao viết, “Tôi vẫn lạc quan rằng Tiểu vùng sẽ đáp ứng những thách thức của nó và tận dụng tốt những cơ hội đang nổi lên. Bằng cách tiếp tục hợp tác, các nước GMS có thể tăng trưởng nhanh chóng, bền vững và hòa nhập trong 25 năm tới và lâu hơn nữa”.
Việt Nam là hành lang kết nối khu vực Tiểu vùng Mekong Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị cấp cao CLV 10, được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 29-31/3, chia ... |
Tiếp tục xây dựng GMS và CLV thịnh vượng Chủ trì Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 ... |
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong GMS Việc kết nối các tuyến hành lang kinh tế GMS qua lãnh thổ Việt Nam, giúp tối đa hoá các lợi ích kinh tế thu ... |