Theo tạp chí Der Spiegel của Đức số ra ngày 17/2, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã chỉ dẫn cho “sĩ quan tình báo” này tìm hiểu chính xác các vị trí của Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp cho Ukraine và hệ thống phòng không Iris-T mà Berlin viện trợ cho Kiev.
Ukraine bắn tên lửa HIMARS ở mặt trận phía Nam. (Nguồn: Wall Street Journal) |
Trong khi đó, Tạp chí Focus (Đức) đưa tin điệp viên bị cáo buộc, được xác định là Carsten L., đã tìm cách chuyển các hồ sơ do Cơ quan tình báo nước ngoài BND của Đức nắm giữ về các hệ thống liên lạc tối mật của Nga. Carsten L. bị bắt hôm 22/12/2022 do bị nghi ngờ phạm tội phản quốc.
Tháng 1 vừa qua, một nghi phạm khác được xác nhận danh tính là Arthur E. cũng đã bị bắt giữ và bị cáo buộc hỗ trợ Carsten L. chuyển thông tin cho Nga. Tuy nhiên, không giống Carsten L., Arthur E. không phải là nhân viên của BND.
Theo Der Spiegel, các nhà điều tra đã tìm thấy 100.000 Euro tiền mặt của Carsten L. Số tiền trên được cho là do Arthur E đã chuyển cho Carsten.L
Phía Nga chưa lên tiếng về thông tin này.
* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga (17/2) cảnh báo Moscow sẽ không dung thứ cho các phóng viên phương Tây hành xử thiếu chuyên nghiệp và “thô lỗ” với Nga hoặc người dân nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, khi các phóng viên thường trú lâu năm của phương Tây gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov tại Moscow vào tuần này, một số người đã phàn nàn về các điều kiện của họ, trong đó có vấn đề cấp thị thực và chứng nhận.
Bà nhấn mạnh: “Họ đã được cung cấp những điều kiện hoàn toàn thuận lợi trong nhiều năm… Mọi chuyện giờ đã qua. Bây giờ, họ sẽ sống theo một cách khác… Nếu tỏ ra chuyên nghiệp thì họ sẽ được chào đón, ngược lại thì không”.
Hồi tháng 3/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã ký đạo luật quy định mức xử phạt lên tới 15 năm tù giam đối với những người cố tình lan truyền tin tức “giả mạo” về quân đội Nga.