📞

Bảo hiểm xã hội đạt doanh số kỷ lục năm 2017

16:00 | 04/01/2018
Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290.000 tỷ đồng, vượt 1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là mức thu kỷ lục của ngành từ trước tới nay. 

Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).

Theo BHXH Việt Nam, đến hết năm 2017, cả nước đã có 13,83 triệu người tham gia BHXH; 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 86,4%, vượt 2,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và khoảng 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

hó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290.000 tỷ đồng, vượt 1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là mức thu kỷ lục của ngành từ trước tới nay. Ngành đã chi trả BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền trên 270.000 tỷ đồng; giải quyết các chế độ BHXH hằng tháng cho hơn 141.000 người, BHXH một lần 717.000 người, các chế độ BHXH ngắn hạn cho trên 9,1 triệu lượt người; thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho khoảng 165 triệu lượt người.

Công tác thanh tra chuyên ngành được tăng cường, đưa tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 3% - mức thấp nhất từ trước tới nay, giảm 0,8% so với năm 2016.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, với mức thu kỷ lục và tỷ lệ nợ BHXH thấp nhất là thành quả nổi bật của ngành sau 10 năm thực hiện Luật BHXH đầu tiên ban hành năm 2007, đóng góp vào thành công chung của Chính phủ trong năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mà cụ thể là sự ra đời của Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng, tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giám định tự động BHYT là kết quả thành công nhất của BHXH trong năm 2017. Qua hệ thống này đã tiết giảm 4.800 tỷ đồng chi phí KCB, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát chi phí KCB BHYT, bảo đảm sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và quyền lợi của người KCB BHYT.

BHXH tiếp tục cắt giảm từ 32 thủ tục hành chính còn 28 thủ tục, cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Nhờ đó, BHXH Việt Nam xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông Việt Nam năm 2017 khối các bộ, cơ quan Trung ương. Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá chỉ số nộp thuế, BHXH của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2016), góp phần đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2016).

 “Những thành quả về cải cách hành chính, ứng dụng giám sát tự động giúp cho BHXH, BHYT hoạt động hiện đại, văn minh, làm cho người dân và các cơ sở KCB phải tâm phục khẩu phục trong tính toán, xác định chi phí KCB”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá BHXH Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện Đề án cải cách BHXH của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trình Trung ương thảo luận trong năm 2018.

Mặc dù đánh giá BHXH Việt Nam đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Chính phủ giao, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn để thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ mà Chính phủ giao trong thời gian tới là 50% số lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN.

Phó Thủ tướng chỉ ra những khó khăn mà ngành cần phải tập trung thực hiện, tạo ra chuyển biến căn bản trong năm 2018 là khắc phục tình trạng trốn đóng, trục lợi BHXH vẫn còn rất lớn.

“Nhìn qua số liệu tại Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT thì thấy rõ gian lận, trục lợi BHYT hầu như tỉnh nào cũng có, cơ sở KCB nào cũng có, mà đây đều là tiền đóng góp của dân. Hành vi trục lợi BHXH, BHYT này là tham nhũng. Phải khẳng định như vậy”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ và cho biết, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa nội dung quản lý thu chi BHXH, BHYT vào chương trình kiểm toán thường xuyên từ năm 2018 để giám sát.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trò chuyện với cán bộ, nhân viên của BHXH Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Nguyên nhân của trục lợi, gian lận BHXH, BHYT là xử phạt chưa nghiêm, chưa công khai. Ai để cho 1 người trong 1 năm đi khám bệnh BHYT tới 273 lần được? Người đó và cơ sở KCB tiếp tay cho việc đấy như thế nào thì phải đặt ra. Rồi trục lợi BHXH, BHYT ở chỗ thu tiền rồi mà không chịu nộp hay ‘ôm của’ bỏ trốn. Đã ai bị kỷ luật vì để xảy ra việc này chưa? Phải làm nghiêm, công khai, minh bạch lên để cả xã hội giám sát”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng BHXH Việt Nam phải phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong thực thi chính sách trên nguyên tắc “có đóng - có hưởng, chia sẻ và bền vững Quỹ BHXH, BHYT”. Việc xử lý hài hoà chính sách BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của 3 đối tượng: Cơ quan quản lý Nhà nước, Quỹ-cơ sở KCB, doanh nghiệp-người dân, người lao động. Sự phối hợp tốt của BHXH Việt Nam với các bộ, địa phương sẽ còn giúp kiểm soát được việc chi trả “2 bảng lương” của doanh nghiệp, chống chuyển giá, trốn thuế.

Đồng thời BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về hoạt động, tăng cường minh bạch việc quản lý, thu chi Quỹ BHXH, BHYT để thu hút nhiều hơn người dân tham gia BHXH; tiếp tục thực hiện Nghị định số 34/2017/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng cường giám định việc chi trả BHYT để ngăn chặn trục lợi, tạo hài lòng cao nhất với người dân và các chủ thể tham gia.

Trước mắt, Phó Thủ tướng giao BHXH Việt Nam sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự toán thu chi BHXH, BHYT của năm 2018 tới từng địa phương để có căn cứ pháp lý thực hiện; tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc thuộc danh mục chi trả của BHYT, cùng với việc đấu thầu thuốc của Bộ Y tế để kéo giá thuốc năm 2018 giảm từ 10-15% so với hiện nay; đa dạng hoá danh mục đầu tư và cơ cấu danh mục đầu tư của Quỹ BHXH với phương châm an toàn, hiệu quả.