Nhỏ Bình thường Lớn

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Giải pháp gia tăng giá trị nông sản

Người tiêu dùng thông minh đều biết giá rượu Champagne (Pháp) cao 8 lần giá rượu vang thông thường, chè (Srilanka), lụa (Thái Lan), rượu mạnh (Scotland)... cũng có giá rất “đẳng cấp”, tuy nhiên, chẳng mấy ai từ chối cơ hội được thưởng thức những “của ngon, vật lạ” này bởi tự những cái tên đó đã nói lên giá trị đặc biệt của sản phẩm.
Ảnh: Nicolas Cornet

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giá trị của chỉ dẫn địa lý trong nông nghiệp và nông thôn khá mạnh khi nó biến sản phẩm mang giá trị cá nhân, doanh nghiệp, thành một tài sản mang giá trị cộng đồng. Không chỉ bảo tồn và tăng cường lợi thế so sánh cho các ngành nghề của quốc gia, chỉ dẫn địa lý còn giúp bảo vệ văn hóa và truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị sản phẩm góp phần xây dựng sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc có được chỉ dẫn địa lý không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn giúp các sản phẩm tiến nhanh ra thị trường thế giới.

Không thể phủ nhận, việc nhận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở một số sản phẩm đã nâng giá trị và theo đó là giá bán sản phẩm, nhờ đó công việc làm ăn của người sản xuất và kinh doanh sản phẩm đó dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn, “Nước mắm Phú Quốc” đã không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã được xuất khẩu và trở nên nổi tiếng trên thế giới. Việc sản xuất kinh doanh của ngư dân tại Phú Quốc và cả những doanh nghiệp "ăn theo" làm phân phối, đóng chai nhờ đó mà trở nên rất phát đạt. Hơn thế, các cơ sở sản xuất nước mắm đã trở thành những địa chỉ du lịch, đảo Phú Quốc càng trở nên nổi tiếng nhờ thương hiệu nước mắm được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, dường như mọi thứ mới đang chỉ dừng ở đây!

“Kho vàng” chưa khai phá

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam từng yêu cầu các địa phương tự đánh giá, liệt kê các đặc sản của địa phương mình có tên gọi gắn với địa danh. Sau đó, kết quả tập hợp được trên 220 đặc sản của cả nước như mật ong Bắc Giang, gốm Bát Tràng, bưởi Đoan Hùng, nón lá Huế, hành tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), bánh tráng phơi sương Tây Ninh, hạt tiêu, nước mắm Phú Quốc… Có những địa danh được sử dụng cho nhiều đặc sản, như Đà Lạt được dùng cho khoảng chín loại đặc sản vùng là bắp cải, bơ sáp, chuối, xà lách, súp lơ… Thế nhưng, theo thống kê, kể từ năm 2001 đến nay, trong số 220 đặc sản - địa danh nói trên, chưa đến 30 địa danh được cấp bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý.

Kể cả với số lượng ít ỏi các nhãn hiệu đã đăng ký chỉ dẫn địa lý như trên, thì đến nay vẫn chưa chỉ dẫn địa lý nào được tổ chức khai thác, quản lý một cách có hệ thống, hiệu quả vì thế chưa thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh, chưa hỗ trợ được tích cực cho công tác xúc tiến thương mại ra thị trường quốc tế.

Điển hình là hai chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam là chè San Tuyết và nước mắm Phú Quốc. Hơn 10 năm trời chỉ dẫn địa lý đã không làm gia tăng giá trị trên thị trường, khi nhiều chính sách ban hành và hỗ trợ để quản lý chỉ dẫn địa lý không đi vào thực tế. Cũng hơn 10 năm chưa sản phẩm nước mắm nào được đóng nhãn “Nước mắm Phú Quốc” chỉ tại không thể quản lý, kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, trong khi đó trên thị trường vẫn nhan nhản các nhãn hiệu nước mắm “sản xuất tại Phú Quốc”. Vì thế, chuyện các đặc sản địa phương dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)... vẫn được làm nhái và bày bán công khai ở nhiều nơi trở thành chuyện thường ngày. Kể cả chuyện nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan và đăng ký nhãn hiệu tại Pháp cũng không phải chuyện hi hữu, bởi phần lớn các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Càng nổi tiếng, càng khó bảo hộ

Một thực tế đáng báo động hiện nay là tình trạng làm giả các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ngày càng nhiều. Sản phẩm càng nổi tiếng càng trở thành mục tiêu dễ bị làm giả. Gần đây nhất, người ta phát hiện nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột thuộc về một doanh nghiệp ở tận Quảng Đông (Trung Quốc). Thậm chí, doanh nghiệp này còn nhanh tay đăng ký bảo hộ lôgô "Buon Ma Thuot Coffee - 1896" từ ngày 14/6/2011, và cả địa danh "Buon Ma Thuot" theo tiếng Latinh và tiếng Trung hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày 14/11/2010. Sự việc này khiến cho việc phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và công tác xuất khẩu mặt hàng này sang một số thị trường gặp rất nhiều khó khăn.

Rõ ràng, việc quản lý chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập. Việc chưa có chế tài xử lý sử dụng trái phép thương hiệu khiến người tham gia sản xuất không mặn mà bảo hộ. Chúng ta không ngăn cấm đưa các sản phẩm có đặc tính tốt để nông dân ở nhiều nơi cùng phát triển, nhưng đã là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì đó phải là sản phẩm có xuất xứ tại một địa phương và phải được bảo hộ khi sản phẩm tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới.

Trong khi đó, việc tiến hành xác định và đánh giá chất lượng của sản phẩm nông sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, do còn thiếu nhiều điều kiện về trang thiết bị, phương pháp phân tích. Việt Nam cũng còn thiếu kinh nghiệm trong việc xác định các điều kiện địa lý quyết định đặc tính sản phẩm nên việc thuyết minh các yếu tố tạo nên đặc tính sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý thì đặc sản của địa phương phải có nét đặc trưng so với đặc sản cùng loại đó nhưng ở vùng khác. Đặc trưng này phải cân, đong, đo, đếm, phân tích khoa học ra được chứ không phải cảm giác “ngon miệng”, “là lạ” mà được bảo hộ. Đặc trưng này còn phải phụ thuộc vào địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, quy trình canh tác, thu hoạch riêng biệt của người dân địa phương.

Ví dụ, với chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp là nước mắm Phú Quốc thì nước mắm Phú Quốc phải làm từ cá cơm mà chỉ vùng biển Phú Quốc mới có. Hay như chỉ dẫn địa lý cói Nga Sơn phải có đặc trưng thân cói xanh mướt, bóng mượt, sợi cói trắng, đẹp, dai, bền. Nhờ vậy mà chiếu cói hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác làm từ cói Nga Sơn cũng bóng, đẹp, bền. Đặc trưng này có được nhờ địa lý, khí hậu riêng của vùng Nga Sơn và còn do người dân nơi đây có tập tính riêng, khi trồng thì cấy nghiêng cây cói và khi thu hoạch thì phơi cói trên cồn cát.

Một lý do khách quan khác là việc xây dựng, đăng ký bảo hộ, phát triển một thương hiệu nông sản cũng phải tính đến lợi ích kinh tế của nông dân, của địa phương, của quốc gia. Có những đặc sản rất ngon, rất lạ nhưng giá trị kinh tế thấp thì nông dân và địa phương cũng cân nhắc, không đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý làm gì. Những địa danh - đặc sản được bảo hộ phải là những nông sản có giá trị và là tiềm lực về kinh tế đối với địa phương.

Những việc cần làm ngay

Lợi ích từ chỉ dẫn địa lý đã rõ, nhưng để mở rộng thật không dễ, khi Việt Nam thiếu một khung thể chế chung ở cấp quốc gia về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Thêm vào đó, quá trình phát triển chỉ dẫn địa lý còn phụ thuộc vào chính sự năng động và tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước. Với các tổ chức tập thể, việc thiếu các quy định về quyền và trách nhiệm trong các thể chế hiện hành đã khiến họ chưa thực sự chủ động làm cầu nối để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng theo chuỗi ngành hàng.

Hơn nữa, ngoài việc tìm cách tháo gỡ những khó khăn trên, cần có các chính sách chương trình quốc gia để quảng bá và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng đối với tất cả các sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Xa hơn Việt Nam nên bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình, không chỉ trong nước mà còn đăng ký tại những nước xuất khẩu chính và đẩy mạnh bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý ngay tại các cuộc thương thảo tại diễn đàn WTO.

Tại Việt Nam, xây dựng tốt các sản phẩm nông nghiệp dựa trên cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất cá thể, vì họ không đủ khả năng xây dựng, phát triển thương hiệu riêng; đồng thời còn có thể góp phần thiết lập được một hệ thống quản lý sản xuất, lưu thông, phân phối riêng cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.

Tuệ Minh