Công tác bảo hộ công dân 6 tháng đầu năm 2021 đã trở thành điểm nhấn trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những kết quả đáng ghi nhận
Nhìn chung, công tác bảo hộ công dân nửa đầu năm 2021, bao gồm công tác tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, công tác bảo hộ công dân thường xuyên và công tác thông tin, truyền thông về bảo hộ công dân, đã được triển khai một cách đồng bộ, tiếp tục là trụ cột, là chỗ dựa tin cậy của người dân.
Về công tác tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước, từ tháng 1 đến tháng 6/ 2021, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức 183 chuyến bay đưa 42.205 công dân gặp khó khăn từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Trong đó, 103 chuyến bay được thực hiện theo kế hoạch và 80 chuyến bay phát sinh.
Theo lãnh đạo Cục Lãnh sự, các chuyến bay đều được thực hiện đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu về dịch tễ và kiểm soát dịch. Số chuyến bay này đã giúp giải toả sức ép từ nhu cầu về nước rất lớn của công dân trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Trong tháng 5 và tháng 6, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức các chuyến bay về nước đã phải tạm dừng, giảm và giãn chuyến.
Với vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác tổ chức chuyến bay về nước, Cục Lãnh sự đã tham gia tích cực trong việc điều tiết chuyến bay, giải quyết hài hoà bài toán nhu cầu hồi hương của công dân và nhiệm vụ chống dịch trong nước, đồng thời xử lý một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.
| Dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài |
Về công tác bảo hộ công dân thường xuyên, Cục Lãnh sự đã xử lý và hỗ trợ 5.745 trường hợp gặp hoạn nạn, phạm tội hình sự, nạn nhân bị thương, tử vong ở nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia, Anh, Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số nước khác.
Số liệu thống kê của năm 2021 tăng đáng kể so với 3.437 vụ việc của năm 2020.
Tổng đài bảo hộ công dân đã tiếp nhận 3.777 cuộc gọi, hiệu quả trả lời lên đến 92%. Bên cạnh đó, Quỹ bảo hộ công dân đã được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, kịp thời phân bổ ngân sách cho 90 Cơ quan đại diện.
Ngoài ra, công tác bảo hộ ngư dân và tàu cá được triển khai tích cực. Cục Lãnh sự đã giải quyết và hỗ trợ 40 vụ, 100 tàu, 751 ngư dân bị đâm, xua đuổi, khống chế, lấy tài sản khi tàu cá đang hoạt động tại hải phận nước ngoài… Những vụ việc này chủ yếu xảy ra tại các địa bàn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia.
| Covid-19: Công tác bảo hộ công dân của Việt Nam - 'ấm lòng' những người con xa xứ |
Về công tác thông tin, truyền thông liên quan đến bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự đã trả lời 25 câu hỏi của báo chí, đăng 12 bản tin bảo hộ công dân, trong đó có 6 sự kiện trọng điểm được báo chí trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Những sự việc nổi cộm bao gồm vụ 2 thuỷ thủ bị bắt giữ tại Iran, chính biến tại Myanmar, 49 người Việt gặp nạn trên đường vượt biển từ Bỉ sang Anh, tai nạn tàu cao tốc tại Đài Loan (Trung Quốc), bảo hộ công dân khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các địa bàn Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Đồng thời, Cục Lãnh sự luôn duy trì kênh liên lạc với công dân qua số hotline của tổng đài để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ từ xa; đề nghị công dân tuân thủ quy định của sở tại để được đảm bảo y tế, an toàn; đăng thông báo khuyến cáo đi lại cho công dân.
Việc phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo hộ công dân đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp công dân ổn định tâm lý, an tâm lưu trú tại sở tại, qua đó hỗ trợ việc điều tiết dòng người nhập cảnh về Việt Nam sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh ở trong nước.
Nỗ lực phục vụ mục tiêu kép
Nhằm chung tay thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” do Chính phủ đề ra, Cục Lãnh sự đã đưa ra 4 khuyến nghị chính sách quan trọng và thiết thực liên quan đến xuất nhập cảnh của Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Thứ nhất là đề xuất chính sách cụ thể đối với người mang “hộ chiếu vaccine”.
Ngày 10/6, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất trên và được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào ngày 19/6, giao cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng lộ trình.
Theo đó, 4 sáng kiến trong đề xuất chính sách đối với người mang “hộ chiếu vaccine” do Bộ Ngoại giao đưa ra bao gồm: công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa các nước; mở rộng đối tượng nhập cảnh, trong đó cân nhắc thí điểm khách du lịch theo chương trình khép kín; rút ngắn thời gian cách ly đối với đoàn ngoại giao/đoàn công tác, và chuyên gia và công dân; và giảm số lần xét nghiệm trong thời gian cách ly đối với người mang hộ chiếu vaccine.
Bên cạnh đó, Cục Lãnh sự đã phối hợp với Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế xây dựng và ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh” vào ngày 25/6/2021, hiện đang được áp dụng thí điểm từ ngày 1/7 tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
Thứ hai là xây dựng "Hướng dẫn giải quyết cho chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam".
Ngày 28/5, Bộ Ngoại giao đã đưa ra đề xuất xây dựng Hướng dẫn trên và chuyển cho Bộ Y tế để Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ban hành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Hướng dẫn giải quyết cho chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được xây dựng nhằm đảm bảo 3 tiêu chí: đảm bảo đúng đối tượng nhập cảnh để phục vụ phát triển kinh tế; quy trình làm việc phải công khai, minh bạch, thuận lợi hơn; và phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ, cơ quan và địa phương, cũng như có cơ chế giám sát để bảo đảm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hướng dẫn trên đã vạch ra một quy trình làm việc rõ ràng, minh bạch cho các địa phương, đơn vị tiếp nhận chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài người cách ly sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Tin liên quan |
Cục trưởng Cục Lãnh sự: Không có giới hạn về 'địa bàn nóng' trong bảo hộ công dân mùa dịch Covid-19 |
Thứ ba là đưa ra đề xuất hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh và cách ly đối với các Đoàn công tác vào Việt Nam.
Thời gian qua, công tác đón đoàn vào Việt Nam đã được tổ chức tốt, đảm bảo an toàn về mặt y tế, dịch tễ.
Trong đó phải kể đến các chuyến thăm quan trọng của Ngoại trưởng Anh (ngày 21-22/6); Ngoại trưởng Singapore (ngày 20-23/6); Ngoại trưởng Hàn Quốc (ngày 23-24/6); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào (ngày 28-29/6); Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia (ngày 12-13/7)…
Song song với việc đón đoàn vào, Việt Nam cũng tổ chức tốt các đoàn ra đi tham dự các sự kiện quan trọng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN (ngày 23-24/4); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6 (6-8/6)…
Thứ tư là trao đổi với các nước về quy chế đi lại ưu tiên.
Trong đó, 4 nội dung trao đổi quan trọng được Cục Lãnh sự chú trọng bàn bạc và triển khai gồm: tiếp tục đàm phán với các đối tác có hệ số an toàn cao; áp dụng quy trình ngắn ngày với các đối tác, tạo thuận lợi trao đổi đoàn các cấp; tăng cường hợp tác song phương thúc đẩy tạo thuận lợi đi lại quốc tế; và thiện chí thúc đẩy các cơ chế đa phương về “Hành lang đi lại ASEAN”, “Bong bóng du lịch” và các sáng kiến tương tự trong APEC…
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
| Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân trong thời kỳ dịch Covid-19 TGVN. Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính ... |
| Công tác bảo hộ công dân Bộ Ngoại giao: Tiếp tục là chỗ dựa tin cậy của người dân Khẩn trương, quyết liệt, đa dạng và hiệu quả là những từ mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban ... |