📞
Nỗ lực tối đa bảo hộ công dân Việt Nam ở Ukraine:

Bảo hộ công dân Việt Nam ở Ukraine: Thiêng liêng hai tiếng 'đồng bào'

Thành Châu 14:39 | 10/03/2022
Những công dân Việt Nam lánh nạn từ Ukraine nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các Cơ quan đại diện cùng cộng đồng người Việt ở các nước lân cận, và trở về quê hương trên các chuyến bay nhân đạo của Chính phủ, có lẽ là những người thấm thía nhất giá trị của hai tiếng “đồng bào”.
Đại sứ Nguyễn Hùng dẫn đầu đoàn công tác đón bà con người Việt từ Ukraine sơ tán sang Ba Lan. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan)

Khi tình hình Ukraine căng thẳng, từ trước khi chiến sự nổ ra, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine xây dựng Kế hoạch sơ tán công dân trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang đe dọa đến an toàn của bà con.

Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 7.000 người Việt cư trú ở Ukraine, phân bố chủ yếu ở các thành phố như Odessa (khoảng 3.000 người), Kharkov (khoảng 3.000 người) và Kiev (khoảng 800 người), Kherson (80 người), Mariupol (100 người).

Khác so với các chiến dịch sơ tán người Việt Nam đã thực hiện trước đây ở Lybia hay Lebanon, cộng đồng người Việt ở Ukraine đa phần là bà con đã có cuộc sống ổn định, gắn bó lâu dài với sở tại, có nhà cửa, tài sản tại Ukraine.

Khi chiến sự nổ ra ngày 24/2, trong vài ngày đầu, nhiều bà con vẫn chưa có ý định sơ tán một phần do đặc điểm gắn bó với Ukraine, đồng thời cũng không lường trước được chiến sự lan rộng và kéo dài, mà cho rằng, xung đột chỉ xảy ra ở miền Đông nước này. Tuy nhiên, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tổng lực vào khắp các thành phố lớn ở Ukraine, bà con người Việt mới bắt đầu sơ tán.

Triển khai tổng lực

Chủ động trước tình hình, ngay khi xung đột nổ ra, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/2/2022 về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine phối hợp với các hội đoàn, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước lân cận hướng dẫn, tổ chức cho bà con sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và sang các nước lân cận như Moldova, Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Nga và Belarus.

Các biện pháp ngoại giao nhằm bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai tổng lực trên nhiều mặt trận. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, điện đàm với ngoại trưởng Romania trong khi Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch và Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cũng gặp Bộ Ngoại giao bạn đề nghị có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người Việt tại Ukraine, tạo hành lang an toàn để sơ tán công dân Việt Nam.

Cùng với đó, Đại sứ Việt Nam tại các nước lân cận Ukraine cũng gặp Bộ Ngoại giao bạn đề nghị tạo thuận lợi cho người Việt và gia đình sơ tán từ Ukraine sang. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ với các nước, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ sơ tán bà con tại Ukraine.

Với sự chỉ đạo sát sao từ trong nước và sự chủ động chuẩn bị từ trước, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước lân cận đã cử các đoàn công tác ra biên giới tổ chức, hỗ trợ bà con thủ tục nhập cảnh, di chuyển đến nơi tạm trú an toàn, thu xếp nơi ăn ở, lương thực, thực phẩm cho bà con.

Đến ngày 7/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cho biết phần lớn bà con ở Kiev, Odessa và Kharkov đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và tiếp tục sơ tán sang các nước lân cận, trừ một số người quyết định ở lại (đa số là để trông nom tài sản). Hiện có khoảng 100 người tại Mariupol và 50 người tại Kherson là các khu vực có chiến sự, đang đợi có hành lang an toàn để sơ tán.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương. Chính vì vậy, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm” .

Mọi nẻo đường đều dẫn về quê hương

Đối với những người Việt sơ tán từ Ukraine, lựa chọn sang bất cứ nước lân cận nào để chờ chuyến bay trở về nước, gặp người thân, hay sang nước thứ ba, đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành của Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước lân cận cùng vòng tay chào đón của cộng đồng người Việt Nam nơi đây.

Những ngày qua, tràn ngập mạng xã hội, trong nhóm cộng đồng hay báo chí là những hình ảnh cảm động về tinh thần đoàn kết, đùm bọc của dân tộc Việt Nam nơi xứ người.

Từ Hungary, Romania, Ba Lan, Nga, hay Slovakia… đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những suất cơm chứa chan tình thương, những người Việt tình nguyện đứng ở ga tàu hướng dẫn, chỉ đường, hay những chuyến xe ngược xuôi đưa bà con đồng hương về nơi tạm trú…

Nhờ sự chủ động lên phương án bảo hộ công dân từ sớm của các Cơ quan đại diện, và sự phối hợp chặt chẽ với các hội, nhóm cộng đồng người Việt Nam và chính quyền sở tại, việc sơ tán, hỗ trợ bà con lánh nạn tại các nước lân cận Ukraine diễn ra tương đối ổn định, có trật tự, tổ chức.

Với tinh thần không để bất cứ bà con nào trong quá trình di tản bị đói, bị lạnh, các Cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con từ Ukraine nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.

Hiện có hơn 3.500 người Việt và thành viên gia đình từ Ukraine nhập cảnh vào các nước láng giềng, trong đó hơn 1.500 người có nhu cầu về nước (chủ yếu ở Ba Lan và Romania), số còn lại muốn di chuyển sang nước thứ ba hoặc chờ quay trở về Ukraine khi tình hình ổn định trở lại. Ngoài ra, một số lượng lớn bà con đang tiếp tục sơ tán.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary và Hội Sinh viên đón bà con tại ga tàu Budapest. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Hungary)

Chuyến bay trở về Tổ quốc

Ngày 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng, trong đó có nhiệm vụ bảo hộ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người Việt tại Ukraine, thực hiện nhanh chóng công tác sơ tán người dân từ Ukraine về nước.

Ngày 7/3, Tổ công tác đã họp phiên đầu tiên, trong đó trao đổi nhiều vấn đề như tình hình sơ tán bà con, công tác tổ chức chuyến bay, trong đó có các vấn đề như cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh, thủ tục y tế...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và Bộ Y tế lên kế hoạch triển khai các chuyến bay nhân đạo không thu phí, tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và thủ tục phòng chống dịch sau khi nhập cảnh cho bà con (miễn xét nghiệm trước khi nhập cảnh, theo dõi tại nơi lưu trú 10 ngày nếu xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi nhập cảnh).

Vào 6 giờ 15 phút sáng ngày 10/3/2022, chuyến bay do các bộ, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam liên quan tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ đưa người Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Warsaw (Ba Lan) về nước đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.

Trên chuyến bay QH 9066 của Bamboo Airways có 300 công dân, trong đó có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi, 2 phụ nữ mang thai và nhiều người có vấn đề về sức khỏe

Đây là chuyến bay sơ tán thứ hai được các Bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam phối hợp tổ chức miễn phí cho bà con, trên tinh thần ưu tiên cao nhất của Đảng và Nhà nước dành cho công tác bảo hộ công dân.

Hai chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine khởi hành từ Romania về nước ngày 8/3 và từ Ba Lan về nước ngày 10/3. Đây là những chuyến bay nhân đạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về.

Để tổ chức thành công chuyến bay, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời thông tin đến công dân Việt Nam và hướng dẫn công dân đăng ký về nước.

Trước chuyến bay nhân đạo đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Romania, trong đó đề nghị hỗ trợ tạo thuận lợi cho chuyến bay đầu tiên này.

Lúc 11 giờ 30 phút ngày 8/3, chuyến bay nhân đạo VN88 khởi hành từ Romania đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nội Bài, chở theo 287 công dân Việt Nam đầu tiên lánh nạn từ Ukraine.

Trải qua những thời khắc khó khăn, trải qua quãng đường dài di tản xuyên biên giới, cuối cùng họ cũng đã được về nhà. Bất cứ ở đâu, họ cũng nhận được sự trợ giúp, đùm bọc của đồng bào. Hơn ai hết họ thấu hiểu được giá trị của hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng, thứ tài sản vô giá của bất cứ người Việt Nam dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào.