Llàn sóng biểu tình lan rộng trên toàn quốc đã kéo dài sau đêm thú 5 liên tiếp. (Nguồn: Washington Post) |
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington DC và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Hôm 30/5, Thống đốc bang Minnesota thông báo đang triển khai toàn bộ lực lượng Vệ binh quốc gia ở bang này, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ như Seattle và New York. Tại New York, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 350 người biểu tình, trong khi 30 nhân viên an ninh bị thương nhẹ. Tuy nhiên, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết đang điều tra hành vi của cảnh sát, trong đó có các đoạn video cho thấy hình ảnh xe cảnh sát lao vào đám đông người biểu tình ném gạch đá ở Brooklyn.
Cho đến nay đã có hơn 20 thành phố tại Mỹ áp đặt giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra. Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông. Trong một số trường hợp, nhiều người qua đường và một số nhà báo, thành viên tổ chức truyền thông cũng đã bị tấn công.
Căng thẳng về vấn đề phân biệt chủng tộc đã bùng phát những ngày qua ở Mỹ sau vụ công dân da màu George Floyd, 46 tuổi, thiệt mạng trong lúc bị 4 cảnh sát bắt giữ. Hiện viên cảnh sát da trắng gây ra cái chết của Floyd đã bị cáo buộc tội danh giết người cấp độ 3 trong khi những người còn lại bị sa thải, nhưng không bị buộc tội.
Trong khi đó, việc đám đông tụ tập và nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang cũng làm gia tăng quan ngại về việc tái bùng phát đại dịch Covid-19, vốn đã khiến hơn 100.000 người Mỹ tử vong.
Cùng ngày, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden đã tới thăm hiện trường của một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở bang Delaware.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Biden viết: "Chúng ta hiện là một đất nước đang sống trong đau thương, nhưng chúng ra không được để cơn đau thương này hủy hoại chúng ta... Với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ giúp dẫn dắt cuộc đối thoại này, và quan trọng hơn, tôi sẽ lắng nghe, giống như tôi đã làm hôm nay khi tới thăm địa điểm diễn ra các cuộc biểu tình đêm qua tại Wilmington".
Ông Biden đăng dòng trạng thái trên kèm một bức ảnh ông đang nói chuyện với một gia đình người da màu tại khu vực bị phong tỏa, nơi những người biểu tình đã tụ tập vào đêm 30/5.
Trong khi đó, cũng trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ coi Antifa là một tổ chức khủng bố.
Antifa, viết tắt của chống phát-xít, mô tả một nhóm đông những người có quan điểm chính trị tả khuynh - thường là cực tả - nhưng không phù hợp với cương lĩnh của đảng Dân chủ ở Mỹ.
Khó có thể xác định các quan điểm của Antifa, song, nhiều thành viên của nhóm này ủng hộ những người bị áp bức, phản đối việc tích lũy của cải của các tập đoàn và giới thượng lưu. Một số thành viên áp dụng chiến thuật bạo động và cực đoan để truyền tải thông điệp.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ông Trump và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nhấn mạnh, các nhóm cực tả phải chịu trách nhiệm về phần lớn những cuộc biểu tình bạo lực trên khắp đất nước hiện nay.
Những người biểu tình bên ngoài một nhà hàng thức ăn nhanh đang cháy ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, sáng sớm ngày 29/5 khi các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd đã nổ ra trong ngày thứ ba liên tiếp. (Nguồn: AP) |
Các quan chức thuộc lực lượng chấp pháp liên bang cho hay, họ nhận thấy các nhóm bên ngoài, những người đứng sau một số vụ bạo lực và phá hoại tài sản, lợi dụng vỏ bọc là các cuộc biểu tình hợp pháp ở Minneapolis và những nơi khác. Những nhóm cực đoan trong nước bao gồm người theo chủ nghĩa vô chính phủ, da trắng thượng đẳng và kẻ cực đoan cực tả, một số có mối quan hệ chồng chéo phức tạp.
Cùng ngày, làn sóng biểu tình đã lan sang bên kia Đại Tây Dương khi hàng trăm người tuần hành tại London (Anh) và Berlin (Đức) nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Tại Anh, những người biểu tình quỳ gối ở Quảng trường Trafalgar ở thủ đô London, hô vang khẩu hiệu: “Không công lý, không yên bình”. Sau đó, họ tuần hành qua tòa nhà Quốc hội và kết thúc ở phía bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Còn ở Đức, hàng trăm người biểu tình cũng tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Berlin, cầm theo các biểu ngữ như: “Công lý cho George Floyd”, “Chấm dứt giết hại chúng tôi”...