Đây là nhận định do ông Nicholas Gvozdev - biên tập viên của Tạp chí National Interest (NI) đưa ra ngày 11/12.
Theo ông Gvozdev, về mặt lý thuyết, chính sách của Washington đối với Moscow nên dựa trên hai nguyên tắc liên quan: răn đe, ngăn chặn các hành động của Nga mà Washington phản đối và đồng thời thiết lập liên hệ để tìm kiếm lĩnh vực đôi bên cùng có lợi.
Ngày 29/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ không thể thực hiện chính sách đó do Washington vẫn nhìn nhận thế giới như họ đã làm trong những năm 1990, thời điểm Mỹ là nhà lãnh đạo duy nhất. Ông Gvozdyev lưu ý vào thời điểm đó, không một quốc gia hay nhóm quốc gia nào có thể ngăn cản Mỹ thực hiện chính sách riêng của nước này trên trường quốc tế. Hầu hết các nước thường đồng ý với chính sách như vậy, hoặc đơn giản không thể phản đối bất cứ điều gì về chính sách đó, do họ không có sức mạnh cũng như phương tiện đáp trả những hành động đó.
Giờ đây, khi đã gần giữa thế kỷ 21, thế giới bắt đầu bình thường hóa các quy luật chung của lịch sử con người. Mỹ vẫn tiếp tục là cường quốc quân sự và kinh tế mạnh mẽ, nhưng đã có những quốc gia khác sở hữu sức mạnh và phương tiện để chống lại sự thống trị của Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng, theo ông Gvozdev, nền tảng chính trị Mỹ không đủ kinh nghiệm và sự kiên nhẫn để đối phó với các quốc gia như vậy.
Cụ thể, Mỹ không hiểu được sự khác biệt giữa các thuật ngữ "đối thủ" và "kẻ thù". Mỹ đã quen "vơ đũa cả nắm", cho rằng bất kỳ điều gây ra cạnh tranh đều là dấu hiệu của sự thù địch. Ông Gvozdev nhấn mạnh chính điều này đã gây căng thẳng trong mối quan hệ với các đối tác lâu dài ở châu Âu và châu Á.
Mỹ cần hiểu sự khác biệt giữa cạnh tranh và thù địch trong quan hệ với Nga. Nếu vào những năm 1990, Moscow muốn trở thành một phần của phương Tây, thì bây giờ nước này đang theo đuổi chính sách riêng của mình và muốn trở thành một đối thủ nặng ký của Mỹ, song không phải là kẻ thù.