📞

Báo nước ngoài viết về đô thị hóa ở Việt Nam

23:46 | 23/03/2017
Tại Việt Nam, người dân đang chuyển đến sinh sống tại các thành phố ngày càng nhiều, tạo ra lớp người tiêu dùng mới, cùng với đó là những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức hơn cho Chính phủ.

Theo Pressreader, năm 2015, số lượng cư dân thành thị chiếm 34% trong tổng dân số của Việt Nam, tăng lên đáng kể so với tỉ lệ 20% của 3 thập kỷ trước. Đến năm 2025, một nửa dân số của quốc gia 93 triệu dân sẽ sinh sống tại các khu vực thành thị, đông nhất là thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều thành phố nhỏ hơn cũng đang thu hút lượng lớn những người di cư từ nông thôn.

“Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế và sự mở rộng của các thành phố đã dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Điều này mang đến những cơ hội kinh doanh mới trong nhiều lĩnh vực như nhà hàng, giải trí, ô tô và nhà ở”, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) Somkiat Tangkitvanich nhận định.

Sự tập trung quá đông dân cư ở một số thành phố trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng đô thị hóa quá tải ở Việt Nam. (Nguồn: Xây dựng)

Sự phát triển của những đô thị loại hai ở Việt Nam phù hợp với phần còn lại của châu Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tính toán tổng số dân tại các thành thị ở châu Á hiện nay là 2,2 tỷ, bằng gần một nửa dân số của khu vực, và sẽ tăng lên 3,3 tỷ vào năm 2050. Liên Hợp Quốc cho biết châu Á đang có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn bất kỳ khu vực nào và được dự đoán sẽ có 64% diện tích là đô thị trong 3 thập tới.

Tầng lớp trung lưu gia tăng

Ông John Ditty thuộc công ty KPMG Việt Nam cho biết thu nhập khả dụng của người Việt đã tăng 6%/năm và trong vòng 10 năm tới, người Việt sẽ có gấp đôi số tiền để chi tiêu so với hiện nay. Theo ông Ditty, Việt Nam đang có khoảng 93-94 triệu dân và 62% trong số này ở độ tuổi bắt đầu tiêu dùng.

Số hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu - những hộ có thu nhập từ 10.000 USD trở lên - ở TP. Hồ Chí Minh được dự báo là sẽ gia tăng từ dưới 2 triệu lên hơn 5 triệu hộ vào năm 2030. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam dựa trên sức mua đã tăng từ 910 USD năm 1990 lên 5.730 USD năm 2015.

Tầng lớp trung lưu nổi lên nhanh chóng và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng ở Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh. (Nguồn: Vietnamfinance)

Trong khi dân số tại các quốc gia châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng, xu hướng này sẽ không xuất hiện tại Việt Nam cho đến năm 2040. Dân số của Philippines, Malaysia và Indonesia vẫn duy trì ở mức tương đối trẻ cho đến năm 2050. Tầng lớp trung lưu trẻ và thu nhập tăng đang tạo nhu cầu đối với hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, tín dụng và đầu tư. Công ty CBRE Việt Nam cho biết, 41.907 nhà ở đã mở bán tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2015.

Năm 2016, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Các công ty Hàn Quốc là những nhà đầu từ FDI lớn nhất ở Việt Nam trong năm qua. Các nhà đầu tư lớn khác hầu hết là các công ty châu Á đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia…

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Theo ông Ditty, trong 10-15 năm vừa qua, Việt Nam luôn vượt trội hơn các thị trường khác trong ASEAN và hầu hết các năm đều đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc. KPMG dự báo GDP bình quân của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,2% từ năm 2015 - 2025. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức ít nhất là 6% trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ này cao hơn Philippines (5,7%), Indonesia (5,5%), Malaysia (5%) và Thái Lan (3,6%), nhưng thấp hơn các thị trường khác bao gồm Myanmar (8,3%), Campuchia (7,3%) và Lào (7,3%). “Những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong 10 năm tới sẽ là Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào. Việt Nam là thị trường lớn nhất trong số kể trên và sẽ tiếp tục tăng trưởng”, ông Ditty nhấn mạnh.

Ngân hàng Deutsche Bank dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, trong khi Deepali Bhargava, một nhà kinh tế học người châu Á tại Credit Suisse, dự đoán mức tăng trưởng của Việt Nam vào khoảng 6,2%, không thay đổi so với năm 2016. Deutsche Bank cũng dự báo nông nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2017, trong khi Credit Suisse dự báo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu và sự gia tăng trong tiêu dùng cá nhân, đồng thời tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại khi các ngân hàng tiếp tục nỗ lực làm sạch bản cân đối tài chính.

Cơ hội kinh doanh

TS. Somkiat cho rằng quá trình đô thị hóa nhanh chóng đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải phát triển thêm cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng đầu tư nước ngoài thông qua những thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thỏa thuận vẫn đang trong quá trình đàm phán này có vẻ như sẽ được thúc đẩy khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Hiệp định được trông đợi sẽ có lợi cho Việt Nam hơn các quốc gia xung quanh.

“Bất kỳ ai sản xuất hàng xuất khẩu ở Việt Nam sẽ nhận được ưu đãi thuế thông qua các FTA với EU và kể cả khi TPP thất bại, những khoản đầu tư từ Mỹ đã đổ về Việt Nam”, TS. Somkiat nói.

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam đang được xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Thanh niên)

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành có cái nhìn lạc quan về thương mại với Mỹ. “Quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường vì mối quan hệ này phục vụ lợi ích của cả hai quốc gia, trong khi Mỹ vẫn là một trong những đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam”, Đại sứ nói. Ông cho biết thêm, rất nhiều phương án khác (những thỏa thuận đa phương) cũng đã được đưa ra và Việt Nam sẽ xem xét cẩn thận.

TS. Somkiat nói rằng ngoài các mặt hàng tiêu dùng còn có nhiều cơ hội khác trong các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng, nội thất, vận tải, công nghệ thông tin, giáo dục... Việt Nam đang tìm cách thu hút nhiều FDI hơn nữa để sản xuất và xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa. “Việt Nam đang chuẩn bị trở thành công xưởng mới của thế giới. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe điều này nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 18 lần trong 20 năm kể từ khi khôi phục quan hệ với Mỹ, và lĩnh vực này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển”, TS. Somkiat nhấn mạnh.

Còn theo TS. Saowaruj Rattanakhamfu - nghiên cứu viên cấp cao của TDRI, Việt Nam đang xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều cảng và sân bay. “Để trở thành công xưởng của thế giới, Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và cần thêm sự hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Trong khi đó, các hoạt động song phương và đa phương rõ ràng phản ánh chiến lược của Việt Nam trong việc trở thành công xưởng của thế giới bằng cách mở cửa tự do thương mại với Mỹ và EU. Điều này đã dẫn tới nhu cầu cải cách lớn trong các quy định pháp luật về lao động”, bà Rattanakhamfu nói.

Deutsche Bank cho rằng các cải tổ cấu trúc đang được thực thi bởi chính phủ, với ưu tiên tăng hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân, đang có những tiến triển nhất định. Những ưu tiên cải tổ khác bao gồm đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, xây dựng thị trường vốn lớn hơn và tăng cường đầu tư công. Tuy nhiên, TS. Saowaruj cũng cảnh báo các thách thức vẫn còn ở phía trước bao gồm sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Vì thế, nhà đầu tư để thành công cần tìm những giải pháp đôi bên cùng có lợi.

(Theo Pressreader)