Tàu Trung Quốc bị phát hiện ở Đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 22/3. (Nguồn: ABS-CBN) |
Cụ thể, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines kiêm lãnh đạo NTF-WPS Hermogenes Esperon Jr cho hay, trong cuộc tuần tra ngày 9/5, nhóm này phát hiện ít nhất 287 tàu dân quân biển của Trung Quốc hiện diện rải rác xung quanh nhiều thực thể khác nhau ở biển Tây Philippines, vùng biển Manila tuyên bố có chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông.
Con số trên nhiều hơn 220 tàu được cho là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã hiện diện trái phép xung quanh Đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hồi tháng 3 rồi sau đó phân tán đến nhiều thực thể khác ở Biển Đông.
Ông Esperon cho biết thêm nhiều nhóm tàu dân quân biển Trung Quốc tụ tập tại những thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp và biến thành đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trước tình trạng tàu dân quân biển Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông, NTF-WPS ngày 12/5 cho hay, Cảnh sát Quốc gia Philippines sẽ điều 7 tàu cao tốc của lực lượng này đến hỗ trợ Lực lượng tuần duyên và Hải quân Philippines tuần tra ở khu vực.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến vào chiều ngày 13/5, trả lời câu hỏi về hoạt động mới đây của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. |