📞

Bão số 6 gây thiệt hại nghiêm trọng tại miền Trung

20:32 | 27/10/2024
Ngày 27/10, bão số 6 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung, gây ra mưa lớn và thiệt hại nghiêm trọng. Theo báo cáo ban đầu, đã có 3 người chết và 3 người bị thương do bất cẩn khi đi lại và chằng chống nhà cửa, trong đó 2 người ở tỉnh Thừa Thiên Huế và 1 người ở tỉnh Quảng Nam.
Bão số 6 gây ra thiệt hại tại miền Trung. (Nguồn: VOV)

Tại các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, trời mưa to kéo dài, một số khu vực bị chia cắt và mất điện cục bộ. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã trải qua một khoảng thời gian tạnh mưa, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 6, đồng thời chuẩn bị đối phó với mưa lớn do hoàn lưu bão.

Tại tỉnh Quảng Bình, lượng mưa lớn kèm theo gió mạnh đã gây ra tình trạng ngập úng. Các cơ quan chức năng đang triển khai các phương án bảo vệ an toàn cho các đập và hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu. Mực nước tại sông Kiến Giang và sông Gianh đã bắt đầu dâng cao, với dự báo mực nước trên sông Gianh có khả năng vượt mức báo động 2, trong khi sông Kiến Giang có thể lên mức báo động 2 đến 3, dẫn đến nguy cơ ngập lụt.

Tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bìnhtrời mưa rất to, nước ở bàu Sen tràn về vùng giữa. Tình hình này cảnh báo nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng ở các khu vực trũng.

Tại tỉnh Quảng Trị, ảnh hưởng của bão cũng đã khiến nhiều nơi có mưa vừa đến rất to. Tại các huyện miền núi như Hướng Hóa và Đắckrông, nước lũ dâng cao đã gây ngập các ngầm và cầu tràn.

Với tình hình thời tiết diễn biến khó lường, các chính quyền địa phương đang nỗ lực tối đa để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do bão. Công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm và tổ chức lực lượng ứng phó đã được triển khai khẩn trương, nhằm bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực.

Tại thành phố Đà Nẵng, nước sông Hàn dâng cao gây ngập mặt đường Như Nguyệt với chiều dài khoảng 800m, sóng lớn đánh gây hư hỏng, bong bật gạch, sụt lún, hư hỏng vỉa hè nhiều vị trí, xô lệch các bó bồn cây xanh, ngã trụ đèn trang trí phía sông và đất, cát tràn lên vỉa hè, lòng đường.

Sở Giao thông-Vận tải thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo nhà thầu quản lý đường đã triển khai ngay công tác cảnh báo, đảm bảo giao thông. Hiện đơn vị đang triển khai dọn dẹp và kiểm tra, khắc phục các vị trí hư hỏng vỉa hè. Gió mạnh trong buổi sáng cũng làm một số cây xanh bị nghiêng, bật gốc, gãy đổ, ảnh hưởng an toàn giao thông. Các địa phương, đơn vị quản lý cây xanh đang cắt dọn. Biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã tại 61 vị trí, hiện nhà thầu quản lý đường đang triển khai khắc phục. Đèn tín hiệu điều khiển giao thông ngừng hoạt động do ảnh hưởng của mưa lớn gây mất điện, bị xô lệch, xoay, rơi bể do gió lớn tại 31 vị trí nút giao cũng đã được khắc phục, đảm bảo hoạt động bình thường.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, đơn vị khơi thông, dọn dẹp cỏ rác tại các vị trí cửa thu nước ở những khu vực có nguy cơ ngập úng, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Lãnh đạo thành phố cũng đặc biệt lưu ý việc bảo đảm an toàn cho hệ thống trang thiết bị tại Cảng Liên Chiểu; các đơn vị bố trí lực lượng ứng trực đầy đủ tại những vị trí xung yếu cũng như chuẩn bị các phương án dự phòng để ứng phó với tình huống xấu nhất.

Mặc dù cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền Đà Nẵng có cường độ không lớn nhưng nguy cơ gây mưa lớn kéo dài rất cao, do đó lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quán triệt các địa phương ứng phó với tinh thần không được chủ quan. Ông Trần Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận Liên Chiểu đã triển khai tất cả với phương châm 4 tại chỗ.Hiện nay các lực lượng quân đội cũng như của quận đã triển khai đến tất cả các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở. Các điểm trên đỉnh đèo Hải Vân thì đã yêu cầu bà con không được buôn bán lại sớm. Thứ 2 nữa là điểm Suối Lương dòng chảy khu này rất nguy hiểm cho nên toàn bộ 26 hộ kinh doanh ở đó vẫn phải sơ tán ra khỏi khu đó”.

Tại tỉnh Quảng Nam, 3 người bị thương và 1 người tử vong khi chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6. Trường hợp người tử vong ở khu phố Nghĩa Phước, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc khi leo lên mái nhà để gia cố, chằng chống nhà cửa bị trượt thang, tụt chân rơi xuống đất tử vong. Ngoài ra, 13 nhà dân ở các xã vùng cao của huyện Tây Giang, Phước Sơn bị tốc mái. Các lực lượng tại địa phương đang cùng người dân khắc phục những căn nhà bị hư hỏng.

Từ trưa 27/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mưa ngớt, nhiều khu vực thời tiết đẹp, nắng ráo. Tại nhiều huyện miền núi cao ở tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức… tiếp tục xuất hiện tình trạng sụt lún, nhiều đồi núi nằm sát khu dân cư được phát hiện nhiều vết nứt sâu, kéo dài, nguy cơ sạt lở rất lớn. Trải qua nhiều đợt mưa lớn từ đầu năm đến nay, khu vực đồi núi này đất đã ngậm no nước, các vết nứt ngày càng kéo dài, nếu mưa lớn kéo rất dễ xảy ra sạt lở. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, từ chiều tối 26/10 đến trưa 27/10 tỉnh Quảng Nam đã sơ tán hơn 4.400 hộ với hơn 18.000 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bão số 6 vào đất liền đúng thời điểm triều cường, sóng biển rất mạnh tại vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trên bờ kè phường Cửa Đại, thành phố Hội An sóng xô vào bờ cao 3m. Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, thành phố Hội An cho biết, nước tràn lên đường vào khu dân cư dọc bờ biển phường Cửa Đại. Một số đoạn bờ biển bị sạt lở, nước biển xâm thực.

Chiều tối nay 27/10, khu vực phố cổ Hội An, nước lũ trên sông Hoài lên chậm, các tuyến đường trong phố cổ khô ráo. Du khách trong nước và quốc tế đổ về phố cổ Hội An khá đông. Một số du khách tham gia dọn dẹp vệ sinh cùng người dân địa phương.

Bão số 6 đã để lại những thiệt hại đáng kể cho miền Trung. Các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả và chuẩn bị ứng phó với những diễn biến tiếp theo của thời tiết, với hy vọng giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn cho người dân.

(tổng hợp theo VOV)