Nói đến bảo tàng ảo, chắc hẳn trong đời bạn đã một lần nghe về Bảo tàng Nghệ thuật thành phố New York ở Mỹ hay Bảo tàng National Palace ở Đài Loan, những nơi lưu giữ hàng trăm kiệt tác giá trị của văn hóa thế giới, văn hóa Trung Hoa. Còn ở Singapore, mặc dù nhiều bảo tàng đã được xây dựng, bài trí, mô phỏng vô cùng sinh động, song Cyber Museum là bảo tàng ảo đầu tiên.
Những hình ảnh 3 chiều (3-D) của các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật lịch sử cũng như các kiệt tác hội họa, sẽ được chụp ảnh và số hóa. Thời điểm này, mỗi bảo tàng quốc gia ở Singapore đều số hóa một trong những bộ sưu tập chính của họ, chụp ảnh 3-D của 20 đến 30 hiện vật hay tác phẩm nghệ thuật. Tất cả các hình ảnh này sẽ được tải lên mạng và tập hợp lại thành một bộ sưu tập lớn gọi là Cyber Museum.
Ý tưởng xây dựng Cyber Museum đã được Bộ trưởng Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật Singapore Lui Tuck Yew thổ lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo The Straits Times. Ông cho biết Cyber Museum sẽ được khai trương vào năm 2010 nhằm khuyến khích một số lượng lớn người xem đến với Bảo tàng. Theo ông Lui, khi Cyber Museum “mở cửa”, những người dùng Internet sẽ có thể tự tạo ra cho mình “những không gian trưng bày ảo riêng biệt”. Các nhà thiết kế bảo tàng, các nhà quản lý, học sinh và những người dùng Internet khác đều có thể chọn từ những hiện vật trong các bộ sưu tập số để tạo ra triển lãm riêng. Tất cả mọi người có thể vào Cyber Museum tham khảo, song đối tượng mà bảo tàng thu hút nhiều nhất có lẽ là giới trẻ với khả năng sử dụng máy tính thành thạo và thường xuyên.
Bảo tàng ảo thực tế có rất nhiều cái lợi. Điều này đã được các bảo tàng số trên thế giới chứng minh. Bảo tàng Nghệ thuật thành phố New York (Mỹ) chẳng hạn, trưng bày trực tuyến các hình ảnh và dữ liệu mô tả hơn 130.000 hiện vật trong những bộ sưu tập của mình, mặc dù không phải là hình ảnh 3-D. Còn với Bảo tàng National Palace ở Đài Loan, nơi lưu giữ những kiệt tác giá trị của văn hóa Trung Hoa co, được mở cửa lần đầu tiên cho công chúng tham quan vào năm 1925 sau khi vương triều cuối cùng của Trung Hoa của Phổ Nghi bị xóa bỏ. Những hiện vật có được nhiều vô kể mà diện tích trưng bày lại có hạn. Do vậy, Ban giám đốc Bảo tàng đã quyết định số hóa những gì có được và đưa lên Internet cho đông đảo công chúng thưởng lãm. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu sẽ dễ dàng tìm được các tài liệu hiếm với kho dữ liệu dễ sử dụng, các giáo viên có thể tải về những thông tin và hình ảnh giúp bổ trợ việc dạy học và khách thăm viếng sẽ hài lòng với những tiện nghi hình ảnh, phim, âm nhạc giới thiệu về những kiệt tác thông qua các tour hướng dẫn trên mạng.
Trang web của Bảo tàng cho phép bạn lựa chọn giao diện tiếng Hoa hoặc tiếng Anh là chính, bên cạnh đó còn có tiếng Pháp, tiếng Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn và Nga. Để “tham quan” bảo tàng, chỉ cần chọn Collection - Selections và bạn sẽ được mặc sức tìm hiểu với các đề mục: Painting (hội họa), Calligraphy (nghệ thuật thư pháp), Rare books (các thư tịch hiếm và có giá trị), Documents (các tài liệu xưa), Ceramics (nghệ thuật gốm sứ), Bronzes (cung cấp kiến thức về cổ vật bằng đồng), Jades (kiến thức về các loại châu ngọc), Curios (những đồ vật hiếm khác). Nhấp chuột vào đề mục bạn muốn tìm hiểu và bạn sẽ có được những hiện vật thuộc về đề mục đó. Ngoài ra, còn nhiều mục Visiting (tham quan), Learning (tìm hiểu) đang chờ các bạn khám phá.
Theo người phát ngôn của dự án Cyber Museum, bảo tàng ảo là một phần trong các nỗ lực sử dụng thông tin điện tử của các bảo tàng, các viện di sản. Tuy nhiên, dù thừa nhận bảo tàng ảo sẽ giúp việc chuẩn bị bài giảng dễ dàng hơn, song thầy giáo G. Chan, 50 tuổi, vẫn cho rằng “mặt hạn chế của bảo tàng ảo là không nhìn thấy kích cỡ, bề mặt, kết cấu hay độ dày thực của hiện vật”.
Viên Hòa (Theo Straits Times)