Tôi cũng như người dân Venezuela cảm thấy rất đau buồn khi Tổng thống Chavez qua đời. Ông là một trong những lãnh đạo xuất chúng nhất trong lịch sử Venezuela.
Nhà lãnh đạo của người nghèo
Ông là vị Tổng thống đầu tiên dành sự quan tâm lớn lao cho những người dân nghèo. Những nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để theo đuổi lý tưởng của mình là một lý do khiến ông lâm bệnh. Cả cuộc đời mình, ông hy sinh cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, đấu tranh vì cuộc sống ấm no của nhân dân Venezuela. Tôi đã rất bàng hoàng khi biết tin, mặc dù ai cũng biết ông đã đổ bệnh trong một thời gian dài, và người dân Venezuela chúng tôi đã luôn cầu mong và chưa bao giờ hết hy vọng là ông sẽ qua khỏi.
Tôi cho rằng một trong những điều lớn lao mà Chavez đã làm được đó là ông đã đánh thức giấc mơ của những người nghèo không chỉ tại Venezuela mà tại cả những nước còn lại của Mỹ Latinh và thế giới. Ông có nhãn quan rất rộng về quan hệ quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của ông, Venezuela đã củng cố quan hệ chính trị, kinh tế và hợp tác với nhiều nước, phần lớn ở châu Á và châu Phi, thay vì chỉ có quan hệ với châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ như trước. Hiện chúng tôi đã mở Đại sứ quán tại hơn 20 nước châu Phi.
Quan hệ với Việt Nam sẽ không có gì thay đổi
Việt Nam đã trở thành một trong những người bạn quan trọng nhất của Venezuela. Hai nước chúng ta đã phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, nông nghiệp, đầu tư, và một biểu hiện cao nhất của tình đoàn kết là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Công ty dầu khí quốc gia hai nước đã lập liên doanh khai thác dầu ở Venezuela. Tôi tin tưởng rằng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước. Thành công này cũng minh chứng cho tầm nhìn xa của Tổng thống Chavez về quan hệ với Việt Nam.
Trong thời gian tới, có thể nói sẽ không có những thay đổi lớn. Trước khi rời sang Cuba để chữa bệnh vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Nicolas Maduro làm Phó Tổng thống và sau đó chỉ định ông Maduro điều hành đất nước trong trường hợp xấu nhất. Hai nước chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các thỏa thuận này. Ông Maduro đã làm Ngoại trưởng Venezuela trong 5 năm, và quan hệ giữa Việt Nam và Venezuela tiến triển rất tốt đẹp. Do đó, ông sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại mà Venezuela dưới thời Tổng thống Chavez theo đuổi.
Kỷ niệm đáng nhớ với Tổng thống
Tôi nhớ mãi cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Chavez với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tôi là người giới thiệu họ với nhau. Và ngay lập tức, gần như đồng thời, họ đã trở thành bạn bè của nhau. Cả hai rất nồng nhiệt, thân thiện như anh em. Hugo Chavez là Tổng thống Venezuela đầu tiên thăm Việt Nam, và ông Triết cũng là Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam thăm Venezuela. Nhưng vừa gặp, họ đã như quen nhau từ lâu. Ngoài việc thảo luận về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo nói với nhau về những bài hát, về thức ăn, về những điểm chung cũng như những điều riêng tư. Đó thực sự là một cuộc gặp đáng nhớ.
Tôi gặp Tổng thống Chavez lần đầu tiên năm 2000, khi tôi đang làm Đại sứ Venezuela tại Nigeria. Năm đó, Tổng thống quyết định tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khối OPEC và đi thăm tất cả các nước thành viên khối này. Gặp ông ở Nigeria, tôi rất ấn tượng trước sự giản dị, gần gũi, nhiệt tình, và sự quan tâm từ những việc nhỏ nhất của một nhà lãnh đạo cao nhất đất nước. Tôi không thể quên lúc ông đột nhiên bảo: “Đại sứ này, tôi nghĩ ông có lý do để giết tôi đấy”. “Tại sao? Thưa Tổng thống”, tôi hỏi. “Vì ông đang ở Nigeria, nhưng tôi sẽ gửi ông sang làm Đại sứ Iraq”, Chavez nói. Lúc đó, Iraq đang là quốc gia “nhiều vấn đề” với Saddam Hussein. “Thưa Tổng thống, tôi đã đến Iraq hai lần rồi”, tôi nói. “Đó chính là lí do tôi gửi ông sang Iraq”, Tổng thống nói. Và sau đó, ông bổ nhiệm tôi làm Đại sứ Iraq thật. Khi xảy ra chiến tranh Iraq năm 2003, Tổng thống rất lo lắng cho sự an nguy của cá nhân tôi và gia đình, ông bảo tôi gửi gia đình ra nước ngoài, nhưng tôi đã xin được ở lại. Cảm kích điều này, ông đã nhiều lần nhắc đến tên tôi khi phát biểu trên truyền hình. Ông nói “Đại sứ nước tôi ở Iraq đấy”. Có thể nói, quan hệ giữa tôi và Tổng thống là sự tôn trọng lẫn nhau. Ông rất lịch sự, nhiều lần gọi tôi là “Ngài Đại sứ yêu quý”.
Tôi đã đi nhiệm kỳ 3 lần - Nigeria, Iraq và Việt Nam. Tôi đã ở Việt Nam 7 năm và rất thú vị là từ lúc tôi được bổ nhiệm đến khi có mặt ở Việt Nam chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Còn nhớ, khi Tổng thống Chavez hỏi Ngoại trưởng nước tôi về sứ quán tại Hà Nội, Ngoại trưởng nói: “Tôi sẽ cử Thư ký hoặc nhân viên lãnh sự sang trước”. Nhưng Tổng thống nói: “Không được, tôi đã hai lần hứa với Chủ tịch nước Việt Nam là chúng ta sẽ lập Đại sứ quán, tôi muốn Đại sứ phải sang đó sớm”. Và tôi đã đến Hà Nội chỉ 2 tháng sau đó. Năm 2006, Tổng thống Chavez đã đến Hà Nội để khởi đầu một mối quan hệ anh em với Việt Nam. Ông đã chính thức bổ nhiệm tôi làm Đại sứ tại Việt Nam và tôi cảm thấy đó là một vinh dự rất lớn.
Kim Chung (ghi)
Thế giới chia buồn với Venezuela Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi lời “chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, người dân và chính phủ Venezuela”, nhấn mạnh "là một Tổng thống của Venezuela, ông Chavez đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước mình". Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Francois Hollande... đã gửi điện chia buồn. Trong điện chia buồn, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff viết: “Một nhà lãnh đạo Mỹ Latinh vĩ đại đã qua đời. Hôm nay và mãi về sau, chúng tôi công nhận ông là một vị lãnh tụ vĩ đại, một người bạn của Brazil”. Và bà Dilma Rousseff hủy chuyến công du tới Argentina để tham dự các nghi lễ. Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner tạm ngưng mọi hoạt động khi nghe tin về cái chết của ông Chavez. Cuba quyết định để tang Tổng thống Venezuela 3 ngày. Quốc hội Peru dành một phút mặc niệm nhà lãnh đạo Venezuela. Tổng thống Bolivia Evo Morales cho biết ông sẽ lập tức đi Caracas. Chính phủ Chile và Ecuador cũng chia buồn với Venezuela. Chính phủ Ecuador cho biết sự ra đi của nhà lãnh đạo Venezuela là mất mát lớn đối với nước này và hi vọng các nước láng giềng sẽ tiếp tục cuộc cách mạng của ông Chavez. K.N (Tổng hợp) |
Vài nét về cuộc đời của Tổng thống hugo chavez Ông Hugo Chavez sinh ngày 28/7/1954 tại Sabaneta, bang Barinas, Venezuela. Năm 1975, tốt nghiệp Học viện quân sự Venezuela, sau đó tốt nghiệp trường Khoa học và Công nghệ quân sự. Năm 1990, Chavez nhận bằng thạc sỹ khoa học chính trị ở trường Đại học Simon Bolivar. Tháng 2/1992, ông dẫn đầu cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ tổng thống Carlos Andres Perez. Đảo chính thất bại, ông Chavez bị cầm tù 2 năm. Năm 1994, ông được Tổng thống Rafael Caldera ra lệnh phóng thích. Ngày 6/12/1998, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela. Ngày 30/7/2000, ông tái đắc cử Tổng thống. Năm 2004, ông khởi động ALBA, một liên minh chính trị giữa các nước Mỹ Latinh với 2 thành viên đầu tiên là Venezuela và Cuba. Năm 2006, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông gọi Tổng thống Mỹ George Bush là "ác quỷ". Năm 2006, ông được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Tháng 12/2006, ông thắng cử lần thứ ba và nhiệm kỳ tổng thống 6 năm lần thứ hai. Tháng 1/2007, ông tuyên bố sẽ dẫn dắt Venezuela hướng tới CNXH thế kỷ 21. Tháng 6/2011, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và bắt đầu vòng hóa trị liệu ung thư đầu tiên. Tháng 10/2012, ông giành chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống 6 năm lần thứ 3. Ngày 11/10/2012, ông bổ nhiệm Ngoại trưởng Nicolas Maduro làm Phó Tổng thống. Ngày 8/12/2012, từ Cuba trở về, ông chỉ định ông Maduro làm người kế nhiệm nếu ông không qua khỏi. Ngày 5/3/2013, ông qua đời ở tuổi 58. |