Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (phải) và Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn ký thoả thuận hợp tác. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Buổi làm việc và ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Báo Thái Nguyên và Báo Thế giới và Việt Nam diễn ra đúng dịp kỷ niệm 35 năm ngày Báo Thế giới và Việt Nam ra số báo đầu tiên (29/11/1989 - 29/11/2024). Tham dự buổi làm việc có Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn và Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn cùng ban lãnh đạo, các biên tập viên, phóng viên của hai đơn vị.
Theo bản ghi nhớ hợp tác, hai cơ quan sẽ thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và hội nhập địa phương... Đồng thời, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để lan tỏa rộng rãi thông tin về các hoạt động của Bộ Ngoại giao, tỉnh Thái Nguyên, giúp hai cơ quan thực hiện tốt được nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trên tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, lấy địa phương và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, Báo Thế giới Việt Nam đã có nhiều hoạt động, đóng góp thực chất vào hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với các địa phương, theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Báo đã lập chuyên mục “Địa phương hội nhập” nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, văn hóa và con người của các địa phương đến bạn đọc trên khắp cả nước và quốc tế.
“Sau thời gian trao đổi, chúng tôi rất vui mừng khi Báo Thế giới và Việt Nam và Báo Thái Nguyên đi đến ký kết Bản ghi nhớ hợp tác ngày hôm nay, đúng ngày Báo Thế giới và Việt Nam phát hành số đầu tiên 35 năm trước. Tôi cho rằng đây là một khởi đầu vô cùng tốt đẹp, tạo cơ sở để hai cơ quan báo chí phối hợp, lan toả và làm sâu sắc hơn các mảng thông tin đối ngoại, thế giới và hội nhập địa phương”, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Về phần mình, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong xu thế phát triển báo chí hiện đại và mở như hiện nay, việc kết nối hợp tác giữa các cơ quan báo chí là điều vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên cần thiết khi tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương có hoạt động hợp tác quốc tế mạnh mẽ, với khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nằm trong top đầu cả nước.
Việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác sẽ góp phần tăng cường phối hợp giữa hai cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. (Ảnh: Phạm Hiền) |
“Chúng tôi hy vọng đây sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho sự phối hợp giữa hai cơ quan báo chí, cũng như giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Thái nguyên. Thời gian tới, với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Báo Thế giới và Việt Nam, cùng các anh chị em đồng nghiệp, công tác tuyên truyền đối ngoại của hai cơ quan báo chí sẽ ngày càng phát triển, phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị đặt ra trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Việc ký kết MOU sẽ góp phần tăng cường phối hợp, sản xuất các chương trình truyền thông chất lượng cao giữa Báo Thái Nguyên và Báo Thế giới và Việt Nam, phục vụ tốt hơn nữa trong công tác tuyên truyền; phát huy tối đa nguồn nhân lực, tiềm năng hiện có của hai bên nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thời sự chính trị trong nước và quốc tế, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn tặng quà cho ông Phan Hữu Minh, đại diện Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Huy Hiệt) |
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, ông Đào Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên khẳng định, Ban biên tập Báo Thái Nguyên rất hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động ký kết MOU hôm nay. Đây cũng là chiến lược phát triển của Báo Thái Nguyên trong những năm tiếp theo. Việc hợp tác giữa hai cơ quan báo chí sẽ tạo nên kênh thông tin quan trọng, bởi tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư và sản xuất kinh doanh lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Đào Ngọc Anh kỳ vọng, việc hai bên ký kết bản ghi nhớ hợp tác sẽ giúp lan tỏa hơn nữa thông tin, tuyên truyền các tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thu hút vồn đầu tư FDI, đồng thời hướng về lợi ích của người dân và doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.
Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày phát hành số báo đầu tiên, cán bộ, đảng viên Báo Thế giới và Việt Nam đã tham quan, tìm hiểu về Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; tham quan Khu di tích lịch sử Địa điểm lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Nơi đây, ngày 1/9/1954 đã diễn ra Lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Báo Thế giới và Việt Nam đã thăm hỏi, tặng quà cho 12 cựu chiến binh của xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
Tổng Biên tập Nguyễn Trường Sơn tặng quà cho các cựu chiến binh của xã Tân Thái, huyện Đại Từ. (Ảnh: Huy Hiệt) |
Lãnh đạo Báo Thế giới và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu chiến binh của xã Tân Thái, huyện Đại Từ. |
Tập thể Báo Thế giới và Việt Nam tại Khu di tích lịch sử Địa điểm lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Tập thể Báo Thế giới và Việt Nam tại Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, một địa chỉ đỏ của Báo chí cách mạng Việt Nam tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Xuân Sơn) |