Báo Trung Quốc: Fed tăng lãi suất, kinh tế Mỹ vẫn ‘run’ về chính sách, nhà đầu tư thế giới cần biết sợ. (Nguồn: Global Times) |
Dù việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm đã được giới đầu tư và thị trường đề cập, “mổ xẻ” và dự báo từ nhiều ngày qua, nhưng các loại thị trường toàn cầu từ chứng khoán, nguyên liệu sản xuất, năng lượng... đến hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đều đã kịp trải qua nhiều phiên “đi tàu lượn siêu tốc” trước giờ "G".
Fed sắp chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất chưa?
Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất mới nhất này của Fed vẫn chưa thể nói lên điều gì, khi những bất ổn trong nền kinh tế lớn nhất thé giới vẫn còn khiến các nhà hoạch định chính sách phải lo lắng, trong bối cảnh những điểm nóng xung đột địa chính trị trên toàn cầu vẫn đang “bỏng rẫy”.
Ở con đường phía trước, nhiều biến động thị trường có nguyên nhân từ cả chủ quan và khách quan vẫn “treo trước cổng”, có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Đây là lần thứ 8, Fed tăng lãi suất liên tiếp và là đợt tăng lãi suất với mức tăng nhỏ nhất kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ hồi tháng 3/2022, trong bối cảnh Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Nhưng khi giới kinh doanh và các thị trường đều hy vọng về một sự ổn định tương đối và đặt nhiều kỳ vọng rằng, kỳ họp lần này sẽ phát đi các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ sớm chấm dứt việc tăng lãi suất, thì tuyên bố cuối cùng vẫn không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng này.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed lưu ý, lạm phát Mỹ đã dịu bớt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhiều lần khẳng định cam kết giữ lãi suất tăng cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn.
Trước đó, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" phần nào vào những tháng cuối cùng của năm 2022 và tháng đầu tiên của Năm mới. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6/2022.
Tất nhiên, những con số trên còn khoảng cách rất xa so với lạm phát mục tiêu - 2% mà Mỹ đề ra. Nhưng phần nào trấn an các nhà đầu tư rằng, Fed sẽ không tăng lãi suất đột ngột nữa vào năm 2023 và chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed có thể sẽ kết thúc vào nửa cuối năm, tức là sắp mở ra một môi trường kinh doanh mới, thúc đẩy các giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới.
Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức khác của Fed đều đã nhấn mạnh rằng, họ cần nhìn thấy những tín hiệu rõ ràng rằng lạm phát đã thực sự giảm bớt trước khi kêu gọi tạm dừng thắt chặt chính sách.
Khó "chơi" với... Fed
Biên độ lãi suất hiện tại là 4,5 - 4,75%, là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Trước đợt tăng lãi suất đầu tiên của năm 2023, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản vào năm 2022, bao gồm 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp, đây là điều chưa từng có trong lịch sử kinh tế Mỹ.
Việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ đã làm giảm hoạt động kinh tế Mỹ, với hầu hết các nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng hoặc suy thoái quy mô nhỏ vào năm 2023.
Nghịch lý trước mắt các nhà hoạch định chính sách của Fed là họ không biết nên tiếp tục tăng lãi suất ở mức nào và trong bao lâu để vừa đủ để kiềm chế lạm phát tăng cao, nhưng cũng không quá hạn chế để gây ra suy thoái sâu đối với nền kinh tế Mỹ.
Kể từ tháng 12, tốc độ tăng chi phí vay của Fed đã được thu nhỏ lại. Theo tất cả các số liệu, đó là một công việc khó khăn đối với bất kỳ ngân hàng trung ương nào để tránh “quá mạnh tay” khiến mức lãi suất cao hơn mức cần thiết và khiến nền kinh tế bị đóng băng.
Tuy nhiên, một số quan chức Fed tiếp tục có “giọng điệu diều hâu”, cam kết họ sẽ không quay lưng lại với việc kiềm chế giá cao và đưa lạm phát xuống mức 2% như mục tiêu do Ngân hàng Trung ương Mỹ đặt ra.
Việc đặt cược rằng, Phố Wall sẽ chấp nhận một đợt tăng giá cổ phiếu lớn có thể không thành hiện thực. Các nhà đầu tư được khuyên rằng, cần thận trọng trước khi đánh cược tất tay.
Cuối cùng, lãi suất chính sách chuẩn của Mỹ có thể sẽ kết thúc ở mức 5-5,25%, hầu hết các nhà phân tích dự đoán như vậy.
"Sự ổn định về giá cả là nền tảng của một nền kinh tế lành mạnh và mang lại cho công chúng những lợi ích to lớn theo thời gian", ông Powell phát biểu về chính sách. Ông cũng giải thích cho các quyết định của Fed rằng, “Khôi phục ổn định giá cả khi lạm phát cao đòi hỏi các biện pháp không phổ biến trong ngắn hạn, như chúng ta đang tăng lãi suất để kìm hãm nền kinh tế".
Tờ Global Times bình luận, có vẻ như Fed lần này khá nghiêm túc trong việc kiềm chế lạm phát từng chạm mốc 9,1% trong thời gian ngắn vào tháng 6/2022. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã bị chế giễu vì từng khẳng định “lạm phát chỉ là tạm thời”, bất chấp những cảnh báo của thị trường rằng, việc tăng giá sẽ tiếp tục leo thang và tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ, ăn vào túi tiền, gây khó khăn lớn cho ngân sách các hộ gia đình.
Cuối cùng, thực tế đã chứng minh, các quan chức Fed đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi phớt lờ cảnh báo của các nhà kinh tế, từ chối tăng lãi suất sớm hơn và chứng kiến lạm phát của Mỹ tăng vọt.
Và tất nhiên, trong đó, còn có phần đóng góp từ mức chi tiêu tài khóa đáng kinh ngạc của chính quyền Tổng thống Biden kể từ năm 2021 - một trong những yếu tố không nhỏ dẫn đến cuộc lạm phát kéo dài và cao kỷ lục trong 40 thập kỷ, vào năm 2022.
Trên thực tế, với những mức tăng giá đáng kinh ngạc trên nhiều thị trường khác nhau, đúng là lạm phát phi mã sẽ khó dập tắt sau khi đã bén rễ vào các lĩnh vực rộng lớn hơn của nền kinh tế. Và Fed sẽ buộc phải tiếp tục tăng lãi suất nhiều hơn trong nửa đầu năm 2023, cho đến khi cơ quan này nhận thấy bằng chứng rõ ràng hơn về việc nới lỏng các điều kiện thị trường lao động.
Vì vậy, hạ thấp lạm phát ở Mỹ sẽ có nghĩa là mất nhiều việc làm hơn và giảm tiền lương, các nhà kinh tế phân tích.
Trong bối cảnh vĩ mô đầy khó khăn này, trong đó, Fed vẫn cam kết mạnh mẽ giảm lạm phát bằng cách hạn chế tăng trưởng kinh tế, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần để chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng kinh tế Mỹ yếu hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Nhận định trước đây rằng, chỉ số CPI tháng 12 của Mỹ - nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, thấp hơn, đánh dấu "sự khởi đầu của việc kết thúc thắt chặt tiền tệ" có thể đã sai lầm, các nhà đầu tư trên toàn thế giới có thể tiếp tục phải bối rối, vò đầu bứt tai để tiếp tục “bắt mạch” đoán xem Fed sẽ làm gì tiếp theo trong năm 2023.
| Khủng hoảng năng lượng: Động thái lạ của ‘nhà giàu’ Trung Đông về giá dầu - bất tuân quy luật? Tại sao các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông liên tục giảm giá dầu trong khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc - ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Moscow tổng tấn công trên mặt trận kinh tế, 30% GDP 'trọng thương', Kiev bấu víu vào đâu? Nếu cuộc xung đột quân sự với Nga tiếp tục kéo dài, Ukraine sẽ khó có khả năng tự chủ về kinh tế, mà ngày ... |
| Giá cà phê hôm nay 2/2/2023: 'Phá vỡ' mức cản tâm lý vẫn lao dốc mạnh; Fed chốt phương án lãi suất mới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ ... |
| Lạm phát Mỹ 'hạ nhiệt', Fed vẫn quyết tăng lãi suất, chưa thấy dấu hiệu nới tay Ngày 1/2 (giờ địa phương), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. |