Hu Yaohua, một blogger bóng đá Trung Quốc, luôn dành tình cảm cho bóng đá Việt Nam. (Nguồn: Sina Sports) |
Tờ Sina Sports số ra ngày hôm qua có bài viết: “Những điều mà chúng ta cần học hỏi từ bóng đá Việt Nam”. Trong đó, tác giả đã tán dương khá nhiều về cách làm bóng đá của Việt Nam. Xin lược dịch bài viết này.
“Nhắc đến bóng đá Việt Nam, bạn sẽ nghĩ tới điều gì? Họ từng là đối thủ yếu trong quá khứ nhưng trong những năm gần đây đã họ đã có những bước nhảy vọt lớn. Bóng đá Việt Nam đã vươn mình lọt vào top 8 châu Á, giành ngôi á quân U23 châu Á hay vào bán kết ASIAD.
Nếu không nói đây là kết quả của Việt Nam, nhiều người có thể lầm tưởng rằng đó là đội tuyển Trung Quốc! Chúng ta chưa thể vươn tới.
Dù đội tuyển Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng lại có rất ít thông tin về giải vô địch quốc gia nước này. Nguyên nhân bởi họ chưa tạo dấu ấn ở cấp độ châu Á. Chúng ta chỉ thường nghe tới các CLB ở Thái Lan hay Malaysia thi đấu ở AFC Champions League, chứ gần như không thấy xuất hiện các CLB Việt Nam.
Nhưng khi bóng đá Việt Nam phát triển, ngay ở Trung Quốc cũng bắt đầu thay đổi khi người hâm mộ bắt đầu xem giải V-League nhiều hơn thông qua việc phát trực tuyến trên nền tảng Weibo. Blogger nghiên cứu bóng đá Việt Nam là Hu Yaohua đã có những chia sẻ với Sina.
Việt Nam rực cháy tình yêu bóng đá!
Như chúng ta đã biết, giải V-League có 14 đội tham dự. Giải đấu này khai mạc sớm hơn giải Trung Quốc. Các trận đấu ở cúp quốc gia đã bắt đầu vào tháng 5, còn V-League khai mạc vào tháng 6.
Không giống như nhiều quốc gia trên thế giới, các trận đấu bóng đá ở Việt Nam cho phép khán giả mua vé và vào sân thi đấu. Điều đó cho thấy tình hình chống dịch Covid-19 ở Việt Nam hết sức lạc quan.
Nhiều người từng xếp hàng dài để vào sân theo dõi trận đấu giữa Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai. Sân Thiên Trường có sức chứa 30.000 chỗ ngồi nhưng chỉ có 10.000 vé được bán ra nên tình trạng cháy vé đã xuất hiện.
Những người Việt Nam yêu bóng đá tới điên cuồng. Chúng ta từng thấy hàng nghìn người Việt Nam đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, tạo nên cảnh tượng ngoạn mục.
Hu Yaohua từng sang Việt Nam theo dõi CLB Hà Nội thi đấu ở AFC Cup. (Nguồn: Sina Sports) |
Bản thân Hu Yaohua đã tới Việt Nam để xem đá bóng 3 lần. Năm 2018, cậu ấy trực tiếp tới sân Mỹ Đình để theo dõi đội tuyển Việt Nam đá trận chung kết AFF Cup với Malaysia.
Hu Yaohua là cổ động viên của CLB Hà Nội. Cậu ấy từng tới tận sân tập để theo dõi CLB này tập luyện. Năm 2019, Hu Yaohua cũng có mặt tại Việt Nam để theo dõi CLB Hà Nội thi đấu ở AFC Cup và được Đài truyền hình Việt Nam phỏng vấn.
Lượng người hâm mộ kéo tới sân ngày một nhiều hơn, đi cùng với sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam. Hu Yaohua đã được sống trong bầu không khí khó tả trên sân Mỹ Đình khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup. Ở những trận đấu như vậy, rất khó tìm nổi một tấm vé vào sân thi đấu.
Nhiều người đã chọn cách tập trung xem ở các nhà hàng, quán cafe. Họ đều rực cháy tình yêu bóng đá mãnh liệt.
Vé xem các trận đấu ở V-League khá rẻ, chỉ khoảng 15 NDT (50.000 đồng). Do đó, những người hâm mộ đều có điều kiện vào sân. Lấy ví dụ như những trận đấu Hoàng Anh Gia Lai hành quân ra phía Bắc, thì có những trận sân vận động với sức chứa hàng chục nghìn người cũng bị phủ kín.
Mối tình với bóng đá Việt Nam
Hu Yaohua đã bắt chú ý tới bóng đá Việt Nam từ khi đội tuyển nước này còn chưa nổi tiếng. Cậu ấy tình cờ xem một trận đấu ở V-League vào năm 2012 và “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Mối tình này đã tồn tại trong suốt 8 năm qua.
Thời gian đầu, Hu Yaohua không hiểu tiếng Việt để tìm hiểu về bóng đá Việt Nam. Vì vậy, cậu ấy quyết định dành thời gian học thêm tiếng Việt. Dần dần, khi tìm hiểu về bóng đá Việt Nam, Hu Yaohua đã tìm ra con đường xem bóng đá của riêng mình.
Niềm đam mê bóng đá của cổ động viên Việt Nam. (Nguồn: Sina Sports) |
Hu Yaohua đã bắt đầu bình luận bóng đá Việt Nam (trên Weibo) đã truyền niềm đam mê ấy tới những người hâm mộ. Vì thế, kênh của Hu Yaohua đang dần nhận được nhiều sự theo dõi hơn.
Cậu ấy tin rằng với việc đội tuyển Việt Nam ngày càng vươn tầm thì những người hâm mộ bóng đá Trung Quốc sẽ biết đến nhiều hơn về bóng đá Việt Nam.
Blogger này tin rằng rồi một ngày nào đó sẽ có những người giống anh, sang Việt Nam để theo dõi bóng đá. Hu Yaohua luôn tràn đầy niềm tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.
Rồi một ngày bóng đá Trung Quốc sẽ thua Việt Nam!
Năm 2013, khi chứng kiến đội tuyển Trung Quốc thảm bại với tỷ số 1-5 trước Thái Lan, nhiều người đã coi trận đấu này là bi kịch lớn trong lịch sử bóng đá nước này. Cựu tuyển thủ Fan Zhiyi từng bình luận: “Chúng ta thua Thái Lan, rồi sau này thua cả Việt Nam lẫn Myanmar thôi!”.
Thực tế, trong quá khứ, đội tuyển Trung Quốc chưa bao giờ thất bại trước Việt Nam ở giải đấu lớn nào. Nhưng hãy nhìn sự lớn mạnh của bóng đá Việt Nam những năm qua. Liệu chúng ta có còn tự tin thắng nổi họ?
Từ năm 2016 tới nay, các đội bóng trẻ của Việt Nam đã gây tiếng vang lớn như việc lọt vào giải U20 thế giới. Đỉnh cao nhất của Việt Nam là năm 2018 khi giành á quân giải U23 châu Á, lọt vào bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup.
Những thành tích này là nhờ vào quá trình đào tạo trẻ bài bản của bóng đá Việt Nam trong 1 thập kỷ qua. Họ dựa vào lối chơi chuyền ngắn, nhanh nhẹn và linh hoạt. Họ đã thực sự tìm ra con đường để vươn lên.
Năm 2007, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã đạt thỏa thuận hợp tác bóng đá trẻ với Arsenal, thành lập học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam hoạt động theo mô hình các CLB ở Premier League.
Bức hình Hu Yaohua chụp cùng Quang Hải. (Nguồn: Sina Sports) |
Sau đó, Việt Nam cũng mời nhiều CLB lớn như Arsenal, Man City tới giao hữu để học hỏi. Họ cũng mở cửa cho nhiều CLB khác tới mở học viện đào tạo bóng đá trẻ (như Juventus).
Thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn... là những hạt nhân đầu tiên xuất thân từ lò đào tạo trẻ này. Tuy đang phát triển nhưng bóng đá Việt Nam vẫn không ngừng học hỏi từ nền bóng đá hàng đầu châu lục như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Năm 2012, giải V-League đã ký thỏa thuận hợp tác, học hỏi kinh nghiệm về công tác tổ chức giải đấu chuyên nghiệp, quy chuẩn các CLB chuyên nghiệp... từ giải Nhật Bản.
Năm 2014, họ đã mời HLV Miura sang dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Tới cuối năm 2017, VFF đã mời HLV Park Hang Seo tới đảm nhận cương vị HLV trưởng ở đội tuyển quốc gia và U23.
HLV Park Hang Seo cũng dần hướng bóng đá Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hơn, trong đó có việc thay đổi khẩu phần ăn của các cầu thủ khoa học hơn. Các món như salad, bít tết, cá hồi... đã được đưa vào thực đơn của các cầu thủ.
Ông ấy cũng không cho phép các cầu thủ sử dụng điện thoại khi đang ăn, và cấm họ nghe điện thoại trước trận đấu. Ông ấy muốn các cầu thủ tập trung tốt nhất vào từng trận đấu, tránh những yếu tố gây nhiễu từ bên ngoài.
Bóng đá Trung Quốc có thể học hỏi những gì?
Hu Yaohua tin rằng không chỉ bóng đá mà thể thao Việt Nam cũng đang vươn lên phát triển không ngừng. Chính phủ Việt Nam và các Liên đoàn thể thao ở Việt Nam luôn nỗ lực cải thiện sự phát triển các giải đấu chuyên nghiệp trong những năm gần đây.
Họ cũng bắt đầu thay đổi tư duy huấn luyện theo hướng hiện đại hơn ở châu Âu, châu Mỹ... Việc các vận động viên tránh xa được nạn cờ bạc, bán độ, khiến cho bóng đá cũng như môn khác có môi trường phát triển lành mạnh.
Tờ Sina thừa nhận bóng đá Trung Quốc cần học hỏi bóng đá Việt Nam. (Nguồn: Sina Sports) |
Hu Yaohua cho biết: “Ngoài bóng đá thì bóng rổ Việt Nam cũng đang phát triển tốt. Họ đã bước sang mùa giải chuyên nghiệp thứ 5, với tổng cộng 7 CLB tham dự. Ở môn cầu lông, họ có Nguyễn Tiến Minh. Họ cũng xây dựng trường đua F1. Bức tranh của thể thao Việt Nam rất sôi động”.
Cũng giống như Trung Quốc, người dân Việt Nam rất đam mê bóng đá. Chúng ta không lạ gì với những khung cảnh người dân Việt Nam đổ ra đường ăn mừng. Chiếc xe bus chở các tuyển thủ diễu hành trong niềm tự hào vô bờ bến.
Trong quá khứ, bóng đá Thái Lan và Việt Nam luôn ở vị thế cửa dưới so với Trung Quốc nhưng giờ đây, họ đã bắt kịp. Tại sao chúng ta đổ hàng núi tiền phát triển bóng đá nhưng cũng không phát triển nổi?
Hãy cứ nhìn vào bài học từ bóng đá Việt Nam, chứ không phải nơi đâu xa xôi. Họ đã mang tới những bài học vô cùng hữu ích cho chúng ta.