Nông sản Việt Nam hưởng lợi lớn từ Hiệp định RCEP. (Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị) |
Giám đốc điều hành (CEO) của nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam Vinapro, Tạ Ngọc Hùng nói với Tân Hoa Xã rằng “kể từ khi RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1, đã có một số lợi ích cho các nhà xuất khẩu Việt Nam như công ty của chúng tôi”.
Thứ nhất, các thủ tục xuất khẩu sang các thành viên RCEP đã được đơn giản hóa. Ví dụ, hiện nay các nhà xuất khẩu chỉ cần hoàn thiện Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) điện tử thay vì bản cứng như trước đây. Điều này rất thuận tiện cho cả nhà xuất khẩu và người mua, vì thủ tục CO trước đây tốn nhiều thời gian.
Ông Hùng cho biết thêm rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thương mại điện tử để tiếp cận các nước RCEP.
Thứ hai, cùng với thuế quan thuận lợi cho các nhà xuất khẩu, người mua hoặc nhà nhập khẩu hiện nay cũng có thể được cung cấp nhiều ưu đãi hơn theo hiệp định. Điều này giúp hạ giá bán sản phẩm, đồng nghĩa với việc hàng hóa từ các nước như Việt Nam trở nên rẻ hơn đối với khách hàng Trung Quốc ngay tại Trung Quốc.
Ngoài ra, với nhận thức về RCEP, khách hàng địa phương có xu hướng dùng thử hoặc thậm chí ưu tiên các sản phẩm từ các quốc gia thành viên của hiệp định, vì vậy điều đó có nghĩa là khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn cho các công ty như Vinapro.
Để nắm bắt các cơ hội từ RCEP, Vinapro đang đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng như hạt điều, hạt tiêu, quế sang Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng, đặc biệt là qua các đường chính ngạch.
Đồng thời, Vinapro đang tăng cường tham gia các hội chợ ở Trung Quốc và Hàn Quốc, công ty đã đăng ký tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) và Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) vào năm 2022 và đang chờ Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam sắp xếp.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cơ quan này đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia CAEXPO sắp tới. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp tục khai thác nền kinh tế mạnh mẽ và bền bỉ của Trung Quốc.
Cũng giống như Vinapro, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, bao gồm các công ty nông sản, thực phẩm và thủy sản hy vọng sẽ xuất khẩu được nhiều sản phẩm sang Trung Quốc hơn sau khi RCEP có hiệu lực.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hoàn thiện dự thảo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến rau quả của địa phương để đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Bên cạnh quy mô khổng lồ, thị trường Trung Quốc còn có một lợi thế lớn khác là gần Việt Nam, thuận tiện giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Ngay cả khi phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chi phí vận chuyển hàng hóa của Việt Nam, bao gồm trái cây, sang Trung Quốc gần đây chỉ tăng 0,3 lần, so với việc tăng 10 lần sang châu Âu và 13 lần với Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, họ tin tưởng rằng RCEP sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài các nước thành viên RCEP.