📞

Bảo vệ con tôm Việt Nam: “Trận đánh” đầu tiên

06:07 | 26/02/2010
Việt Nam đã khởi động vụ kiện đầu tiên ra Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về cách áp dụng thuế chống phá giá bất hợp lý cho sản phẩm tôm xuất khẩu của mình. Đầu tháng 2,theo đúng quy trình, một bản tham vấn chính thức về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh đã được gửi tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Con tôm xứ Việt ở Mỹ đã được đưa lên “bàn mổ” dư luận.
DOC đã áp dụng phương pháp “quy về không” (zeroing) để tính biên độ phá giá đối với tôm đông lạnh xuất xứ từ Việt Nam.
Việt Nam đã khởi động vụ kiện đầu tiên ra Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về cách áp dụng thuế chống phá giá bất hợp lý cho sản phẩm tôm xuất khẩu của mình. Đầu tháng 2,theo đúng quy trình, một bản tham vấn chính thức về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh đã được gửi tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Con tôm xứ Việt ở Mỹ đã được đưa lên “bàn mổ” dư luận.

Cho rằng Bộ Thương mại Mỹ đã có những phán quyết thiếu công bằng đối với tôm đông lạnh của mình, thông qua WTO, Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn tới DOC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.

 

DOC đã áp dụng phương pháp “quy về không” (zeroing) để tính biên độ phá giá đối với tôm đông lạnh xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá từ 4,13 - 25,76% khi đưa hàng vào thị trường này.

 

Theo hãng Reuters, phương pháp tính toán chống bán phá giá của Mỹ đã từng liên tục bị tòa án WTO chỉ trích và tất cả các thành viên khác của WTO phản đối.

 

Vừa qua, DOC có ý định xem xét lại quyết định này, nhưng Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ đã đòi duy trì mức thuế này vì cho rằng các sản xuất tôm Mỹ vẫn bị thiệt hại do tôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác.

“Oan” nơi đất khách

 

Trên thực tế, khi Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ, giá tôm phụ thuộc vào cỡ tôm, cỡ càng to thì giá càng cao. Phần lớn tôm xuất khẩu là tôm to, cho nên giá bình quân khá cao. Chính vì thế trước đây thuế suất của Hoa Kỳ áp dụng đối với sản phẩm này của Việt Nam là tương đối thấp, so với các nước khác.

 

Nhưng không phải lô tôm nào cũng vậy vì còn có những lô tôm cỡ nhỏ nên giá phải  thấp hơn. Trong khi cách tính của DOC là lô nào giá cao hơn so với giá trung bình của cỡ tôm đó, họ bỏ qua không xem xét. Đối với những lô giá thấp hơn thì bị quy là bán phá giá. “Như vậy là không công bằng và  không theo các nguyên tắc của WTO”, đại diện Hiệp hội xuất nhập khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay.

 

Mới đây, cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, ông Bạch Văn Mừng, cũng nhận định rằng thuế suất mà Mỹ áp dụng trên mặt hàng tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam là không đúng với qui định của WTO.

 

Còn số liệu của VASEP cho thấy, mặc dù Việt Nam đứng thứ 5 về sản lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2009 đạt trên 395 triệu USD, giảm 15,4% so với năm 2008, dẫn tới thị phần xuất khẩu sang thị trường này giảm từ 28,7% năm 2008 xuống còn 23,6%. Hơn nữa, quyết định của DOC đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị mất đi lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm khác vào Mỹ như Thái Lan mức thuế là 3,18%, Ấn Độ là 1,6%...

 

Việc cần làm

 

Hãng Reuters bình luận, giống như Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam được “hưởng lợi” rất nhiều từ việc là thành viên và hoạt động theo nguyên tắc của hệ thống thương mại thế giới. Nhưng thực tế, lợi chưa thấy đâu mà người ngư dân Việt Nam đã “nếm quả đắng” khá nhiều từ những vụ kiện phá giá tôm, cá…

 

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế, ở Mỹ, mặc dù công nghệ tiên tiến nhưng riêng ngành nuôi tôm cá trong lục địa lại rất nhỏ, chủ yếu vẫn là nhập vào từ các nước Châu Á. Các loại tôm nhập nội như vậy có thể chiếm một thị phần lớn, có khi đến 90% vì một nghịch lý là Mỹ lại lạc hậu hơn nhiều nước Á châu về kỹ nghệ nuôi tôm. Vì vậy, từ năm năm vừa qua, các nước này trở thành mục tiêu của mũi tên “chống bán phá giá” của Mỹ. Trong đó, Việt Nam là điển hình vì chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường.

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định rằng “Nếu Việt Nam nhận thấy Mỹ áp dụng qui chế chống phá giá một cách bất hợp pháp thì có quyền đưa ra diễn đàn này để kiện. Đấy là việc cần làm. Trước đây Việt Nam kiện Mỹ qua Bộ Thương Mại Mỹ thì tất nhiên phải thua kiện rồi, nhưng bây giờ là thành  viên của WTO thì đây là phương pháp để giải quyết những tranh chấp về thương mại thì cũng nên nghiên cứu xem thử cần phải làm gì” .

 

Phải chắc chắn trước giờ “xung trận”

 

Về thủ tục kiện tụng, Việt Nam chính thức thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới việc khiếu nại với Mỹ, sau đó trực tiếp tống đạt một bản tham vấn với đại diện Mỹ tại tổ chức này. Phía Mỹ có 60 ngày để trả lời hoặc dàn xếp hoặc thu hồi quyết định tăng thuế xuất trên tôm Việt Nam. Nếu yêu cầu tham vấn với Mỹ không đạt được như thỏa thuận, Việt Nam sẽ kiện lên WTO nhờ phân xử. “Dự kiến, mọi vấn đề sẽ được giải quyết theo đúng trình tự của WTO từ việc mở phiên sơ thẩm đến phúc thẩm. Trước tiên phía Việt Nam yêu cầu Mỹ tham vấn, khi tham vấn không đạt kết quả mới chuyển lên WTO”, ông Bạch Văn Mừng nói.

 

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì đây là lần đầu mà Việt Nam tiến vào lĩnh vực pháp lý để “đánh” một trận. Nhiều người cho rằng, về lý Việt Nam có khả năng thắng cao, nhưng do ít kinh nghiệm nên mọi bước đi, từng lập luận phải chắc chắn và kín kẽ. Trước giờ “xung trận”, việc học kinh nghiệm tương tự của Thái Lan hay một số nước khác đã từng kiện Mỹ ra WTO là rất quý giá.

Cúc Năng