📞

Bảo vệ người lao động di cư

08:27 | 31/01/2013
Mỗi năm, trên toàn thế giới có hơn 100 triệu người lao động sống và làm việc ngoài đất nước của mình, tạo ra tổng giá trị tài sản ước tính là 440 tỷ USD (năm 2011). Điều đó cho thấy sự đóng góp quan trọng của các lao động di cư vào sự phát triển kinh tế thế giới nói chung, tại các nước đang phát triển nói riêng. Thế nhưng, họ là một trong những nhóm xã hội “dễ bị tổn thương nhất” và cần nhận được sự bảo hộ xứng đáng.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Những người dễ bị tổn thương

Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư do Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1990, định nghĩa người lao động di cư (NLĐDC) là người đã, đang hoặc sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân. Công ước cũng xác định đây là nhóm xã hội dễ bị tổn thương tại hầu hết các nước phát triển và đang phát triển. Họ phải sống xa tổ quốc, ít được pháp luật nước sở tại bảo vệ, có nguy cơ bị kỳ thị, ngược đãi, phân biệt đối xử cao so với các nhóm xã hội khác, điều kiện sống và làm việc bấp bênh, rủi ro (nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nguy cơ thất nghiệp)...

Ông Max Tunon, đại diện Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Bangkok, Thái Lan, phát biểu tại cuộc Tọa đàm về quyền của người lao động di cư ngày 29-30/1 ở Hà Nội, cho biết, NLĐDC dễ rơi vào tình trạng làm việc quá thời gian nhưng chỉ nhận mức lương tối thiểu; khi có vấn đề phát sinh thì không tiếp cận được cơ quan khiếu nại tố cáo, bị thu giấy tờ tùy thân không chuyển sang công ty khác được, bị cưỡng bức. Điều đáng nói là quan niệm phân biệt đối xử giữa lao động nội địa và lao động nhập cư. Theo một cuộc thăm dò của ILO tiến hành tại 4 nước Singapore, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc, 40% người được hỏi nhận thức rất tốt về đóng góp của NLĐDC, tuy nhiên, hầu hết cho rằng NLĐDC không nên đòi hỏi những điều kiện ngang bằng lao động nội địa.

Thực tế Việt Nam

Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam (VN) làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm có thêm 80.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Đồng thời, số lao động nước ngoài làm việc tại VN cũng ngày càng tăng. Do đó, theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động di cư ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ VN thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước cũng như ký kết nhiều thỏa thuận hiệp định về hợp tác lao động với các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động VN. Hướng tới việc đảm bảo đầy đủ toàn diện quyền của người lao động di cư, Chính phủ VN cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xem xét tham gia Công ước về NLĐDC của LHQ.

Ông Vũ Lê Hà, Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, đã đưa ra một số ví dụ tiêu biểu trong nỗ lực bảo hộ người lao động VN thời gian qua như tháng 3/2011, Chính phủ đưa 10 chuyến chuyên cơ và cử 5 tổ công tác liên ngành sang Tunisia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Malta để đưa 10.500 lao động ở Lybia sơ tán khỏi nội chiến và về nước an toàn. Năm 2011, Bộ Ngoại giao giúp đỡ 24 thủy thủ tàu Hoàng Sơn Sun, tháng 7/2012 Đại sứ quán VN tại Tanzania hỗ trợ giúp đỡ 12 thuyền viên làm việc trên tàu cá Đài Loan (Trung Quốc) bị hải tặc Somalia bắt giữ về nước an toàn...

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết  hiện mới chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang các thị trường Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Đông… Bộ chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào đưa lao động sang các thị trường Angola và Algeria. 
Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐDC hay việc quản lý lực lượng này không hề dễ dàng. Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thường thì NLĐDC của VN yếu về ngoại ngữ, ít kinh nghiệm làm việc với nước ngoài nên kỹ năng ứng xử với các tình huống phát sinh còn kém. Ngoài ra, một bộ phận người lao động VN có ý thức tổ chức, kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật kém đã vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại (bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước, trộm cắp tài sản...) làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người lao động VN, đến việc phát triển thị trường xuất khẩu lao động. Hiện, có tới 50% lao động hết hạn không về nước tại Hàn Quốc và 17,8% lao động bỏ hợp đồng ra làm việc ở ngoài tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chưa theo dõi sát sao tình hình lao động ở nước ngoài nên chậm phát hiện vấn đề, không báo cáo kịp thời với cơ quan đại diện danh sách, địa chỉ của người lao động làm việc ở nước ngoài, dẫn đến các cơ quan đại diện gặp khó khăn trong công tác bảo hộ người lao động. Ngoài ra, bên cạnh phần lớn người lao động đi làm việc theo hợp đồng, có một lượng tương đối lớn ra ngoài dưới hình thức du lịch, thăm thân và ở lại làm việc, các cơ quan quản lý không nắm được nên cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Chưa kể, còn có một số tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng tổ chức thu gom, thu tiền bất chính, lừa đảo, tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc...

Thế nhưng, không ít người cho rằng, vấn đề quan trọng nằm ở bản thân người lao động. Theo ông Hải, do bức xúc tìm việc, kiếm thu nhập nên họ không chịu thu thập thông tin và đi theo con đường chính thống mà nghe theo cò mồi, ngay khi xuất cảnh đã trở thành lao động không giấy tờ, thậm chí ra nước ngoài không có việc, hoặc làm việc không đúng mong muốn. “Chúng tôi đang chỉ đạo các doanh nghiệp trước khi xuất cảnh người lao động phải bảo đảm họ được cung cấp đủ thông tin, được đào tạo đủ để họ nắm được điều khoản của hợp đồng, các chương trình bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, hồi hương... để họ có thể tự bảo vệ mình”, ông Hải nói.

Kinh nghiệm từ nước bạn

Ông Max Tunon cho rằng luật pháp nên quy định việc bảo vệ người lao động thuộc về trách nhiệm của công ty môi giới, tuyển dụng. Ông đưa kinh nghiệm giúp người lao động tránh bẫy “tuyển dụng ma” ở Philippines. Ở nước này từng có trường hợp tước giấy phép đối với công ty môi giới yêu cầu người lao động trả 1 tháng tiền lương. Tòa án Philippines cũng quy định các công ty tuyển dụng phải trả lại tiền đặt cọc cho người lao động. Năm 2009, Philippines đã hủy 76 giấy phép của công ty môi giới, năm sau đó chấm dứt hoạt động của 84 công ty tuyển dụng... Cũng giống nhiều nước châu Á thường đánh phí tuyển dụng lên người lao động, nhưng Philippines đưa ra mức trần của phí tuyển dụng. Nước này còn có trang web đăng ảnh và giấy phép của công ty tuyển dụng phi pháp lên mạng nhằm giúp cho người lao động muốn tìm việc ở nước ngoài biết được để tránh. Sáng kiến này cũng từng được thực hiện ở Singapore. Bộ Lao động nước này đã lập trang web thống kê giấy phép của công ty tuyển dụng, nếu vi phạm có thể bị treo giấy phép và người lao động sẽ biết tường tận những điều này.

“Philippines thường cử đi những chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về bảo hộ lao động nên họ làm việc rất hiệu quả”, ông Vũ Lê Hà bổ sung. Ông cũng cho biết, VN hiện có 9 Ban Quản lý lao động ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Qatar, UAE, Saudi Arabia, CH Czech và Lybia) đã góp phần bảo vệ người lao động khá hiệu quả nhưng hoạt động còn nhiều hạn chế, vì Ban Quản lý đặt tại Đại sứ quán nhưng người lao động thì ở vùng xa, xảy ra sự vụ thì báo cáo không kịp thời; lực lượng cán bộ lãnh sự chuyên nghiệp còn mỏng, có những địa bàn không có cán bộ nào của Cục lãnh sự...

Chủ động, tích cực hợp tác và phối hợp

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, VN cũng luôn chủ động chú trọng hợp tác với các quốc gia trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền của người lao động trong ASEAN thông qua việc tham gia tích cực vào các Diễn đàn, các cuộc họp chuyên ngành và tổ chức thành công các sự kiện chuyên ngành do VN đăng cai. Việc VN tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 và các sự kiện liên quan (tháng 5/2010) đã được đánh giá cao về mặt tổ chức và nội dung Theo sáng kiến của VN trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, thành phần tham gia Nhóm soạn thảo văn kiện thực hiện Tuyên bố CEDU (Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của NLĐDC đề cập cụ thể tới nghĩa vụ của nước phái cử, nước tiếp nhận lao động và các cam kết của các quốc gia thành viên) tăng từ 4 lên 10 thành viên. Điều này góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả khu vực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐDC.

Theo ông Đào Công Hải, mỗi khi có vụ việc xảy ra với NLĐDC, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có sự hợp tác hiệu quả cùng các bộ ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Cục Lãnh sự, các cơ quan chuyên môn ở địa phương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch Tài chính... Đặc biệt, với những lao động làm việc trên biển thường xuyên phải cập cảng thì ở những nơi không có Ban Quản lý lao động sẽ phải nhờ Cục Lãnh sự có ý kiến với Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tại địa bàn đó tham gia giải quyết. Với những người lao động đi theo đường cá nhân sẽ phải nhờ đến Cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài giúp đỡ. Còn với những công ty môi giới, cá nhân tổ chức không có giấy phép, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người lao động thu tiền bất hợp pháp, khi có ý kiến của người nhà lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị công an vào cuộc.

Trong khi đó, ông Max Tunon khẳng định, không chỉ nước gửi lao động phải siết chặt các quy định về gửi lao động, có những biện pháp giúp trang bị kiến thức cho NLĐDC như làm thế nào để tiết kiệm, để gửi tiền về nước hay nếu bị ngược đãi thì phải tìm đến đâu... mà những nước tiếp nhận lao động cũng phải có cơ chế giải quyết khiếu nại một cách dễ dàng thuận tiện để giúp NLĐDC giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện giúp họ tiếp tục làm việc và hoàn thành hợp đồng. Điều này có lợi cho cả chủ thuê lao động và người lao động.

Bảo Trâm