Làm sừng nhân tạo
Trước tình trạng săn bắn tê giác lấy sừng không ngừng gia tăng, hãng Pembient (Mỹ) đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp sản xuất sừng tê giác nhân tạo. Họ sử dụng chất sừng keratin, thành phần chủ yếu của tóc, móng và ADN của tê giác để tạo ra một loại nguyên liệu dạng bột. Loại bột này sẽ được đưa vào máy in 3D để tạo ra những chiếc sừng nhân tạo.
Với công nghệ in 3D, sừng tê giác nhân tạo sẽ giống y như thật. Cách duy nhất phân biệt được là dựa vào hàm lượng chất ô nhiễm trong sừng hoang dã. Sừng nhân tạo sẽ không chứa dấu vết của hóa chất công nghiệp.
Tuy nhiên, phát minh của hãng Pembient đã vấp phải những ý kiến trái chiều của các nhà bảo tồn động vật hoang dã. Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Tê giác quốc tế Susie Ellis cho rằng, sự ra đời của sừng nhân tạo có thể sẽ làm tăng thêm cơn sốt sử dụng sừng tê giác thật.
Dựa trên tín hiệu từ định vị và nhịp tim
Các nhà khoa học thuộc Hội Động vật học London (Anh) vừa tạo ra hệ thống mới gồm camera siêu nhỏ gắn lên sừng tê giác, cảm biến đo nhịp tim và vòng định vị GPS.
Cảm biến nhịp tim sẽ được cấy dưới da tê giác. Nếu loài vật to lớn này bị kẻ săn trộm truy đuổi, nhịp tim của nó sẽ tăng lên, truyền đi tín hiệu cảnh báo. Khi ấy, các nhân viên tại trung tâm điều khiển sẽ kích hoạt camera trên sừng tê giác ghi lại diễn biến vụ việc. Vòng định vị đeo trên cổ tê giác cũng đồng thời cập nhật tọa độ, giúp các nhân viên bảo tồn nhanh chóng điều động lực lượng đến “giải cứu” cho những con tê giác bị đe dọa.
Sử dụng máy bay không người lái
Cuộc chiến chống nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã ở châu Phi đang đạt được nhiều kết quả khả quan nhờ sự tiến bộ nhanh chóng từ công nghệ máy bay không người lái tích hợp camera (drone). Mới đây, khu bảo tồn Ol Pejeta Conservancy tại Kenya đã hợp tác với Công ty Công nghệ Airware (Mỹ) cho ra đời hệ thống lái tự động cho drone để bảo vệ tê giác. Nhân viên kiểm lâm sẽ điều khiển drone bằng hai máy tính. Một máy hiển thị đường bay của drone. Máy còn lại chiếu những hình ảnh mà camera của drone ghi lại. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm có thể lập trình đường bay cho drone từ quá trình cất cánh đến khi hạ cánh.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) khẳng định công nghệ này chưa phải là giải pháp hoàn hảo nhất. Trong đêm tối, bọn săn trộm sẽ trở nên vô hình với drone ở khoảng cách 100m. Hơn nữa, những chiếc drone có thân máy nhẹ, phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của châu Phi có giá thành rất cao, khoảng 250.000 USD/chiếc.
Tái chế điện thoại thành thiết bị nghe lén
Khó có thể ngờ rằng, những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) bỏ đi lại có lợi ích trong việc bảo vệ tê giác. Dự án Rainforest Connection (RFCx) trên trang gây quỹ Kickstarter đã đưa ra sáng kiến sử dụng những smartphone cũ để tích hợp hệ thống phát hiện hoạt động săn bắn phi pháp.
Một tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lắp vào điện thoại để biến nó trở thành một thiết bị nghe lén. Phần mặt trước của điện thoại có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời, giúp máy có thể tự sạc pin. Những thiết bị này sẽ được cài đặt ở các khu vực thường xuyên xảy ra nạn săn bắn trái phép. Các âm thanh ồn ào của súng và cưa máy sẽ được ghi âm lại, giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn những hành vi săn bắn trái phép.
Vân Du (tổng hợp)