📞

Bất chấp bị Nga cắt khí đốt, đây là lý do Đức ‘cô đơn ngược dòng’ giữa thế giới phương Tây, chọn ‘thù địch’ với năng lượng hạt nhân

Hải An 09:06 | 12/04/2023
Trong bối cảnh bị Nga cắt nguồn cung khí đốt nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt, nhiều nước phương Tây phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, thì Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu lại đang đi ngược dòng, ngay cả khi chủ đề này vẫn còn gây tranh cãi.
Biển báo dừng hoạt động đặt bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Emsland ở Lingen, miền Tây nước Đức. (Nguồn: AFP)

Đức sẽ ngừng hoạt động ba lò phản ứng cuối cùng vào ngày 15/4 tới, đánh cược rằng họ sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi xanh mà không cần năng lượng hạt nhân.

Ở miền Nam nước Đức, bên bờ sông Neckar, cách Stuttgart không xa, hình ảnh cột hơi nước trắng xóa thoát ra từ nhà máy điện hạt nhân ở Baden-Württemberg sẽ sớm chỉ còn là ký ức.

Điều tương tự cũng xảy ra ở phía Đông đất nước, đối với khu phức hợp Bavarian Isar 2 và khu phức hợp Emsland - nơi không xa biên giới Hà Lan.

Nói không với năng lượng hạt nhân

Trong lúc nhiều nước phương Tây phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đi ngược dòng - ngay cả khi chủ đề này vẫn còn gây tranh cãi.

Berlin đang quyết tâm thực hiện mục tiêu loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vốn được đưa ra vào năm 2002 và được Thủ tướng Angela Merkel đẩy nhanh vào năm 2011, sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Khi đó, cựu Thủ tướng Merkel giải thích: “Thảm họa Fukushima đã cho thấy rằng ngay cả ở một quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản, những rủi ro liên quan đến năng lượng hạt nhân cũng không thể được kiểm soát 100%”.

Tuyên bố của bà Merkel đã thuyết phục được dư luận ở một quốc gia mà phong trào chống hạt nhân vốn khá mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những lo ngại về một cuộc xung đột trong Chiến tranh lạnh, và sau đó là những sự cố như Chernobyl.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nổ ra từ ngày 24/2/2022, đã đặt ra nhiều câu hỏi về an ninh năng lượng của các quốc gia châu Âu nói chung, trong đó có Đức.

Bị Moscow cắt nguồn cung khí đốt, Berlin nhận thấy những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra với mình, từ nguy cơ các nhà máy sản xuất công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này bị đóng cửa vì thiếu điện (điện vốn được sản xuất từ khí đốt) đến khả năng không có hệ thống sưởi ấm cho các gia đình vào giữa mùa Đông.

Không có thời gian để “quay xe”

Năm ngoái, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến thời hạn ban đầu đặt ra cho việc đóng cửa ba lò phản ứng cuối cùng (ngày 31/12/2022), làn sóng dư luận Đức bắt đầu thay đổi.

Ông Jochen Winkler, Thị trưởng của Neckarwestheim, thuộc Heilbronn, bang Baden-Württemberg, vùng Tây Nam Đức, nơi có nhà máy điện hạt nhân cùng tên đang trong những ngày hoạt động cuối cùng, cho biết: “Với giá năng lượng cao và vấn đề biến đổi khí hậu đang trở nên nhức nhối, tất nhiên, đã có những lời kêu gọi mở rộng hoạt động của các nhà máy”.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, trong đó có sự tham gia của đảng Xanh - tổ chức vốn “thù địch” nhất với năng lượng hạt nhân, cuối cùng đã quyết định kéo dài hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân đến ngày 15/4/2023.

Ông Winkler lưu ý: "Có thể đã có một cuộc thảo luận mới nếu mùa Đông vừa qua khó khăn như dự đoán, khi tình trạng cắt điện và thiếu khí đốt xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã trải qua một mùa Đông không có quá nhiều vấn đề, nhờ việc tăng tốc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)".

Đối với Thị trưởng của thị trấn 4.000 cư dân này, trong đó hơn 150 người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim, "bánh xe đã quay" và không còn thời gian để "quay lại".

Tại Đức, kể từ năm 2023 đến nay, 16 lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa. Năm ngoái, ba nhà máy cuối cùng nói trên chỉ cung cấp 6% năng lượng của đất nước, so với 30,8% vào năm 1997.

Trong khi đó, quốc gia Tây Âu này đã sản xuất tới 46% năng lượng tái tạo vào năm 2022, tăng từ mức dưới 25% một thập niên trước.

Phương trình phức tạp

Nhưng tốc độ sản xuất năng lượng tái tạo hiện tại sẽ không đủ để Berlin đạt được các mục tiêu của chính mình, khiến các nhà vận động môi trường tỏ ra không hài lòng.

Ông Georg Zachmann, một chuyên gia năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho biết, những mục tiêu này "vốn đã đầy tham vọng và mỗi khi chúng ta tước đi một lựa chọn công nghệ, chúng ta lại khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) dự lễ khai trương cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên của nước này tại cảng Wilhelmshaven, bang Niedersachsen, ngày 17/12/2022. Ông Scholz ca ngợi việc hoàn thành dự án trong thời gian rất ngắn là "tốc độ mới ở Đức"; đồng thời khẳng định quốc gia này đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, nguồn cung cấp năng lượng của Đức sẽ "không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga". (Nguồn: AFP)

Phương trình thậm chí còn phức tạp hơn với mục tiêu đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong nước vào năm 2038, với đợt đóng cửa đầu tiên vào năm 2030.

Than đá vẫn chiếm 1/3 sản lượng điện của Đức, với mức tăng 8% trong năm ngoái để bù đắp cho sự giảm sút nguồn cung khí đốt của Nga.

Thủ tướng Scholz đã cảnh báo rằng, Đức sẽ cần phải lắp đặt "4-5 tua-bin gió mỗi ngày" trong vài năm tới để đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch trong nước. Đây thực sự là một yêu cầu quá cao khi thực tế chỉ có 551 tua-bin được lắp đặt trong cả năm ngoái.

Theo tổ chức tư vấn Agora Energiewende, Berlin cũng cần tăng hơn gấp đôi tốc độ lắp đặt thiết bị quang điện.

Do đó, trong những tháng gần đây, một loạt quy định đã được nới lỏng nhằm giúp đẩy nhanh quá trình lập kế hoạch.

Theo Hiệp hội Công nghiệp (BWE), việc lập kế hoạch và phê duyệt cho một dự án điện gió hiện mất trung bình từ 4-5 năm. Ngay cả việc rút ngắn thời gian này xuống một hoặc hai năm cũng sẽ là "một bước tiến đáng kể".

Trong khi đó, ngày 10/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Đức (DIHK) Peter Adrian khẳng định, Berlin có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp năng lượng và giá cả tăng cao trong những tháng tới do loại bỏ năng lượng hạt nhân.

Ông Adrian đã kêu gọi các chính trị gia xem xét kéo dài thời gian vận hành ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại của đất nước.

Trả lời phỏng vấn báo Rheinische Post, Chủ tịch DIHK nói: “Mặc dù giá khí đốt tự nhiên gần đây đã giảm nhưng chi phí năng lượng vẫn ở mức cao đối với hầu hết các doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi nói đến vấn đề an ninh năng lượng”.

Lãnh đạo DIHK nhấn mạnh rằng, phần lớn các doanh nghiệp Đức đang yêu cầu kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân cho đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng kết thúc.

Với kế hoạch loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân, chính phủ Đức đang cố gắng ngăn chặn tình trạng thiếu năng lượng bằng cách mua thêm khí đốt từ Na Uy và tăng cường nhập khẩu năng lượng này qua đường ống dẫn từ Bỉ và Hà Lan.

Để nhận đủ LNG nhằm thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga, Đức cũng đang xây dựng các nhà ga mới tại các cảng phía Bắc đất nước.

(theo AFP, Euronews, AA)