Xét trên quy mô toàn cầu, Trung Quốc vẫn đang hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất. (Nguồn: Bloomberg) |
Theo đó, thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy từ tháng 1-8/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc thực tế đạt 138,4 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hong Kong là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất
Trong số các nguồn FDI vào Trung Quốc, Hong Kong đóng một vai trò lớn. Điều này gây ra một số khó khăn trong việc tìm hiểu cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Trong thời kỳ đầu Trung Quốc cải cách mở cửa, đầu tư từ Hong Kong vào Trung Quốc Đại lục chiếm khoảng 2/3 vốn FDI và nhà đầu tư vào Trung Quốc Đại lục sớm nhất chủ yếu là các doanh nhân Hong Kong yêu nước.
Sau đó, đầu tư trực tiếp từ các công ty đa quốc gia của châu Âu và Mỹ đã tăng nhanh chóng. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn đầu tư quốc tế vào Trung Quốc có xu hướng tăng rất nhanh.
Đến năm 2005, tỷ trọng FDI từ Hong Kong giảm xuống chỉ còn khoảng 30%. Sau đó, tỷ trọng FDI của Hong Kong vào Trung Quốc Đại lục đã bật tăng trở lại, lên hơn 60% vào năm 2011. Nguyên nhân có thể liên quan đến sự thu hẹp nguồn vốn quốc tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra.
Tin liên quan |
Hệ thống tài chính Hong Kong trước những rủi ro toàn cầu |
Sau năm 2013, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp từ Hong Kong vào Trung Quốc Đại lục tiếp tục tăng, vượt mức kỷ lục trước đó và đạt 73,3% vào năm 2020.
Các doanh nghiệp Trung Quốc Đại lục gọi vốn ở Hong Kong và sau đó đầu tư ngược trở lại Đại lục nên được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Trên thực tế, trong vài năm qua, việc các doanh nghiệp Trung Quốc Đại lục gọi vốn tại thị trường Hong Kong, dù là Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để gây quỹ hay phát hành trái phiếu đầu tư vào Trung Quốc bằng đồng USD, đã tăng lên đáng kể.
Ví dụ, năm 2019, quy mô trái phiếu bằng đồng USD do các doanh nghiệp phát triển bất động sản Đại lục phát hành ở Hong Kong lên tới 51,96 tỷ USD. Nếu tính cả IPO ở Hong Kong của các doanh nghiệp Đại lục cũng như các hình thức gọi vốn khác như vay nợ, cổ phiếu…, quy mô sẽ vượt xa mức 100 tỷ USD
Một phần đáng kể trong số này có thể quay trở lại Đại lục dưới hình thức “đầu tư trở lại”. Đây là lý do chính khiến đầu tư trực tiếp của Hong Kong vào Trung Quốc Đại lục tăng nhanh và lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng FDI vào Trung Quốc Đại lục những năm gần đây.
Đầu tư mạnh vào lĩnh vực dịch vụ
Đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ của Trung Quốc, đặc biệt là nghiên cứu-phát triển, dịch vụ thông tin, dịch vụ máy tính và phần mềm, đã tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành dịch vụ thường không đòi hỏi đầu tư nhiều tài sản, trong khi ngành sản xuất lại là ngành cần đầu tư nhiều về tài sản. Ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc đã hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn nước ngoài với tư cách là nhà cung cấp bên ngoài theo hợp đồng.
Một mặt, điều này cho thấy lợi thế về chi phí và hiệu quả của các doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình sản xuất. Mặt khác, điều này cũng cho thấy sự mong manh và không ổn định của các liên kết chuỗi cung ứng. Trong điều kiện bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu bên ngoài bị thu hẹp và xung đột địa chính trị, các công ty sản xuất ở Trung Quốc Đại lục có thể dễ dàng mất đơn hàng.
Trong những năm gần đây, giới kinh doanh châu Âu và Mỹ đã thảo luận rộng rãi về chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng “Trung Quốc+1”. Mấu chốt của chiến lược này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tìm một nơi khác để thiết lập một cơ sở sản xuất bên cạnh những nhà máy đặt ở Trung Quốc và dần dần tạo thành “kế hoạch dự phòng” cho việc sản xuất ở Trung Quốc.
Công nhân làm việc bên trong một dây chuyền sản xuất ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Từ góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, ít nhất là trong ngắn hạn, chiến lược này dường như có lợi ở cả hai mặt. Một mặt họ có thể tiếp tục hưởng lợi từ Trung Quốc về quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái chuỗi cung ứng; mặt khác, có thể phân tán rủi ro, giảm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời dự phòng cho viễn cảnh “tách rời” xảy ra trong tương lai.
Chiến lược “Trung Quốc+1” đang trở thành phương án chủ đạo trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các công ty vốn nước ngoài. Tìm hiểu sâu hơn về động lực đằng sau chiến lược này, có ít nhất bốn yếu tố có thể xác định được.
Thứ nhất là chi phí, đặc biệt là chi phí lao động. Thứ hai là rủi ro chính sách bắt nguồn từ việc môi trường địa chính trị xấu đi. Thứ ba là tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, cố gắng tránh phụ thuộc quá mức vào một chuỗi cung ứng duy nhất. Thứ tư là kết hợp giữa lợi ích ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, tránh xung đột trực tiếp với nước sở tại.
Kể từ đầu năm 2022, các yêu cầu kiểm soát, phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc Đại lục được tăng cường, các doanh nghiệp trong nước thuộc chuỗi cung ứng của nước ngoài bắt đầu cảm thấy rõ áp lực.
Trung Quốc vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Tại Trung Quốc, dữ liệu FDI vĩ mô không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự “tách rời” khỏi Trung Quốc. Xét trên quy mô toàn cầu, Trung Quốc vẫn đang hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất.
Tin liên quan |
Vượt giông bão, nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc 'thủ thế chờ thời' |
Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng phần lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đại lục từ Hong Kong là “đầu tư ngược trở lại” của nguồn vốn có nguồn gốc từ Đại lục. Khi tìm hiểu chủ sở hữu vốn cuối cùng, một nhận định hợp lý là đầu tư trực tiếp của vốn quốc tế vào Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại.
Ngoài ra, từ góc độ chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Cấu trúc sản xuất mới của các nhà đầu tư nước ngoài có thể đã thay đổi một cách lặng lẽ và phương thức tham gia của các doanh nghiệp Đại lục đang dần chuyển từ hội nhập nội bộ theo chiều dọc sang các nhà cung cấp bên ngoài theo hợp đồng, mức độ gắn bó với chuỗi công nghiệp toàn cầu đã giảm.
Quan trọng hơn, chiến lược “Trung Quốc+1” dường như đang trở thành giải pháp chủ đạo để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, sự “tách rời” khỏi Trung Quốc chưa chắc đã là lựa chọn chủ động của các nhà đầu tư nước ngoài dựa trên tính hợp lý về kinh tế, mà nhiều khả năng là kết quả của sự thao túng của các chính trị gia nước ngoài, ví dụ như Đạo luật chip và khoa học mà Mỹ đưa ra gần đây.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư ngoại tự rút vốn ra khỏi Trung Quốc trên quy mô lớn và chuyển sang nước khác. Trừ khi xung đột địa chính trị leo thang nhiều hơn nữa, đó sẽ là một quá trình lâu dài.
| Mặc châu Âu vẫy vùng, Trung Quốc 'ung dung' đi trước một bước trong khủng hoảng năng lượng? Mặc châu Âu vẫy vùng trong khủng hoảng năng lượng, mặc thế giới bàn về hạn chế nhu cầu, kinh tế Trung Quốc đã đứng ... |
| Xu hướng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi nền kinh tế Trung Quốc, 'thật hay hư'? Gần đây, Trung Quốc liên tục đối diện với ồn ào “vốn nước ngoài tháo chạy”, chuỗi sản xuất chuyển dịch ra bên ngoài. Giới ... |
| Đi tìm chìa khóa hồi sinh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc Chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là cách các nhà chức trách xử lý làn sóng bùng phát dịch ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (16-22/9): GDP Nga sụt giảm ít hơn dự báo, Fed-ECB quyết ‘cắt rễ’ lạm phát, Đức ‘sống khỏe’, không cần khí đốt Moscow Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể kéo dài sang năm 2023, cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó khủng hoảng lương thực, ... |
| Xung đột Nga-Ukraine đẩy kinh tế thế giới đứng trước 'bờ vực thẳm', triển vọng phục hồi mịt mờ Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực đang làm thui ... |