Bất chấp đại dịch, doanh nghiệp Anh vẫn nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục. (Nguồn: The Guardian) |
Bất chấp những khó khăn trong lĩnh vực khách sạn và bán lẻ, tỷ lệ vỡ nợ của các công ty ở England và xứ Wales đã giảm một phần năm trong giai đoạn 2019-2020. Mặc dù lợi nhuận chung của doanh nghiệp sụt giảm trong năm 2020, nhưng tác động ít nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay cuộc suy thoái đầu những năm 1990.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Anh chưa bao giờ nắm giữ nhiều tiền mặt như hiện nay.
Việc tiền gửi ở ngân hàng của doanh nghiệp tăng thường không đi kèm với suy thoái.
Theo phân tích của Resolution Foundation, một tổ chức tư vấn, trong bốn cuộc suy thoái trước đây của nước Anh, lượng tiền mặt các công ty nắm giữ đã giảm trung bình là 40 tỷ Bảng, được điều chỉnh theo lạm phát.
Nhưng trong 9 tháng cuối năm 2020, số dư ngân hàng của các công ty đã tăng thêm gần 120 tỷ Bảng (165 tỷ USD).
Suy thoái không đồng đều là lý do của hiện trạng trên.
Trong khi các cửa hàng bán lẻ, khách sạn và du lịch chao đảo thì các ngành công nghiệp khác lại tăng trưởng nhẹ.
Một nhà quản lý đầu tư cho biết: “Một số công ty trong danh mục đầu tư của tôi đã bị chính phủ ra lệnh đóng cửa về cơ bản, nhưng một số công ty khác lại thấy năm 2020 là năm có chi phí thuê mặt bằng và lãi suất thấp hơn”.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), trên hai phần năm các công ty Anh báo cáo rằng Covid-19 không ảnh hưởng đến doanh thu hoặc làm tăng doanh thu.
Chính phủ đã chịu phần lớn tổn thất của việc sản lượng bị mất đi. Bên cạnh gần 60 tỷ Bảng đã chi để trả 80% tiền lương cho những lao động phải nghỉ làm thông qua Chương trình Duy trì Việc làm, Chính phủ Anh còn cung cấp cho doanh nghiệp các khoản tài trợ trực tiếp và cắt giảm thuế trị giá hơn 25 tỷ Bảng, các khoản cho vay giá rẻ do nhà nước hỗ trợ trị giá 85 tỷ Bảng và hoãn thu thuế trên 2 tỷ bảng.
Một số công ty đang sử dụng tiền mặt của mình để thâu tóm các công ty khác. Kevin Ellis, đối tác cấp cao của công ty PWC, cho biết hoạt động tư vấn cho các giao dịch của ông hiếm khi bận rộn như hiện nay. ÔngKevin Ellis cho rằng các công ty có nhiều tiền mặt muốn mua những công ty có khả năng về công nghệ. Thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu có thể tạo thêm động lực cho các giao dịch.
Nhưng nếu các công ty lớn đang tích lũy tiền mặt, thì các công ty nhỏ sẽ cảm thấy có ít tiền mặt hơn, theo ONS. Khả năng các công ty nhỏ không có dự trữ tiền mặt cao gấp hai lần so với những công ty lớn.
Tony Danker, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Anh, lo ngại rằng các công ty nhỏ, nếu có dự trữ, cũng sẽ nhanh chóng sử dụng hết.
Đối mặt với thâm hụt ngân sách khoảng 20% GDP, Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak mong muốn bắt đầu giảm sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp. Ví dụ, chương trình hỗ trợ trả lương cho người lao động sẽ kết thúc vào tháng 4/2021. Các quan chức lo ngại rằng khoản hỗ trợ hào phóng trong năm qua là quá dàn trải và phần lớn trong số đó đã chạy vào tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp thay vì hỗ trợ cho việc chi tiêu.
Muốn có được một phần của số tiền mặt đó, Bộ Tài chính Anh đang đưa ra các ý tưởng như tăng thuế doanh nghiệp hoặc áp thuế đối với bán hàng trực tuyến.
Các lãnh đạo doanh nghiệp nghi ngờ rằng Bộ Tài chính đưa ra những ý tưởng này trước bản dự toán ngân sách vào tháng 3/2021 để thăm dò xem ý tưởng nào bị phản đối mạnh nhất, ý tưởng nào có khả năng triển khai hơn.